Thứ 2, 02/12/2024, 18:41[GMT+7]

Việt Nam: Tăng trưởng cao, việc làm vẫn thiếu

Thứ 6, 20/08/2010 | 14:41:07
1,722 lượt xem
Mặc dù, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2000 đến 2008, song hệ số co dãn việc làm chỉ đạt mức trung bình 0,28, tức khi GDP tăng thêm 1% thì việc làm chỉ tăng 0,28%.

Hệ số co dãn việc làm thấp chứng tỏ tăng trưởng cao nhưng chưa tạo ra nhiều việc làm.

Đây là con số khá thấp so với các nước trong khu vực như Brunei là 1,27%, Singapore và Philippines là 0,58%...

Thông tin này vừa được đưa ra tại hội nghị "Đề án phát triển thị trường lao động năm 2011-2019" do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 19/8.

Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Viện phó Viện Khoa học lao động và xã hội, hệ số co dãn việc làm thấp chứng tỏ tăng trưởng cao nhưng chưa tạo ra nhiều việc làm, đem lại lợi ích cho người lao động.

Ông cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam rất thấp, dao dộng khoảng 2% trong các năm gần đây. Tuy vậy tình trạng thiếu việc làm lại diễn ra phổ biến, nhất là ở nông thôn. Tính đến năm 2008, tổng số lao động thiếu việc làm là 1,43 triệu người, trong đó, lao động thiếu việc làm ở nông thôn chiếm đến 97% .

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch cơ cấu lao động hiện cũng chưa theo kịp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến hết năm 2008 thì Việt Nam vẫn có đến 52,5% lao động làm trong khu vực nông nghiệp, cụ thể là khoảng 23,6 triệu lao động, nơi có hiệu quả làm việc và năng suất thấp. Trong khi đó, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp chỉ là 20,83%, trong các ngành dịch vụ là 26,55%.

Một vấn đề mà ông Ngọc cho rằng, cần phải lưu ý là ở nước ta có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động, điều này chứng tỏ cơ chế đào tạo hiện nay chưa xem xét đến nhu cầu.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục cũng chưa theo kịp với trình độ phát triển kinh tế, do đó, lao động được đào tạo ra không tìm được việc làm, lao động cấp cao luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực TPHCM, cho rằng so với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61,4% mức trung bình của ASEAN, 22% năng suất của Malaysia và 12,4% của Singapore. Điều này chứng tỏ, sự gia tăng về số lượng lao động trong các năm qua chưa đi cùng với sự gia tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Ông cho rằng cần có những thay đổi trong các năm tới về đào tạo nguồn lực để năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng cao hơn.

Bà Lin Lean Lim, chuyên viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho rằng Việt Nam nên đưa ra các dự báo có tính chất khả thi hơn trong những năm tới, cụ thể là nhu cầu sẽ hướng vào những lĩnh vực nào để tập trung đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên có những chế độ phù hợp cho lao động, khuyến khích sinh viên sau khi học tập ở nước ngoài về nước làm việc để tránh tình trạng chảy máu chất xám. Và một việc khá quan trọng, theo bà Lim là việc thực thi pháp luật lao động ở Việt Nam chưa chặt chẽ. “Đề ra các luật hợp lý là rất tốt, nhưng chưa đủ, cần phải thi hành các luật đó một cách nghiêm túc”, bà Lim nói thêm.

Theo Dân trí 
  • Từ khóa