Thứ 5, 02/05/2024, 17:58[GMT+7]

Nữ du kích hát bài địch vận thời chống Pháp

Thứ 6, 03/08/2012 | 14:36:43
3,154 lượt xem
Thời chống Pháp, có một nữ du kích được khắp làng trên, xóm dưới biết đến nhờ những bài hát địch vận thời chống Pháp. Ðó là bà Bùi Thị Ngàng, năm nay 81 tuổi, ở thôn Trà Hồi, xã Thụy Bình (Thái Thụy).

Ðến nay, bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác văn nghệ của địa phương

Bà Ngàng sinh ra trong một gia đình nhà nho trí thức. Tuổi thơ bà sớm chịu nhiều bất hạnh. Lên 3 tuổi thì bố mất, 13 tuổi mẹ mất. Tháng 2/1947, khi mới 16 tuổi, bà tham gia đội du kích ở thôn Trà Hồi, làm thông tin viên, địch vận, thôn đội phó, lãnh đạo dân quân, du kích. Nhờ có chút năng khiếu văn nghệ từ nhỏ nên bà thường hay đi hát địch vận ở các bốt trong huyện Thái Thụy như: Diêm Ðiền, Kha Lý, Xá Thị, Trà Linh… Bà kể, tối muộn thì mới đi hát địch vận. Thường khi bà đi hát thì có một tiểu đội du kích đi cùng để bảo vệ. Tới gần bốt địch, cả đội đào giao thông hào, rồi dùng mo cau, hoặc bắc loa sắt Tây lên, hướng vào đồn địch ngụy (những người Việt đi lính cho Pháp) hát bài địch vận. Những bài ca địch vận bà thường hát thời đó là: “Chiều chiến khu” của tác giả Tuấn Khanh, “Bên ni bên tê” của tác giả Phạm Duy. Nghe bà hát, lúc đầu bọn địch ngồi trên bốt bắn, chửi đáp trả. Nhưng lâu dần, rồi cũng có người trong bốt ra bảo với bà: “Chúng tôi đã nghe em hát rồi, em cứ về đi. Mấy hôm nữa chúng tôi sẽ ra hàng”. Những lời ca da diết, truyền cảm như mưa dầm thấm lâu hàng đêm, tác động đến tư tưởng, tình cảm của những người lính ngụy:

“Người bạn tôi ơi

Người con của đất Việt

Ở bên phía quân thù

Người còn thức hay mơ

Bên Tê là phía sầu u

Có người dân Việt

Gục đầu trên đất tù

Bên ni là phía tự do

Ðã nhờ Cha già

Mà toàn dân ấm no…”

Lời ca đã làm rung động trái tim những người ở phía bên kia trận địa. Ðã có rất nhiều đồn bốt địch sau khi nghe bà hát đã ra đầu hàng, đứng về phía cách mạng. Tất cả những bài hát địch vận đó, bà đều mày mò tự học, và học qua những chương trình ca nhạc, dân ca và nhạc cổ truyền trên Ðài Tiếng nói Việt Namon>. “Ngày đó chúng tôi đi du kích vui lắm. Bom đạn dữ vậy nhưng không có nghĩ gì đến sống chết cả. Ban ngày thì tham gia sản xuất cùng bà con. Tối đến, được đi hát địch vận thì sướng lắm! Ðêm đến lại đi cấy để tăng gia.” – bà Ngàng nhớ lại.

Ðến năm 1956, bà xin về sản xuất tại địa phương. Trong thời gian này, nhà bà là nơi trú chân của rất nhiều các cơ quan Ðảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Thái Thụy về sơ tán. Trung đoàn 51 cũng có một thời gian đóng quân ở nhà bà. Nhờ những đóng góp này mà bà đã vinh dự được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đã có công trong phong trào du kích, kháng chiến ở địa phương. Bà Ngàng có 7 người con thì một người con trai đã hy sinh ở chiến trường Campuchia. Hiện nay, dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà vẫn khỏe mạnh và nhiệt tình tham gia hát chèo, cải lương, hát xẩm… của địa phương.

Vũ Viết Tuân

(Lớp Báo In K29A1

Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

  • Từ khóa