Thứ 7, 27/04/2024, 17:15[GMT+7]

Bảo vệ bình yên vùng trời quê lúa

Thứ 5, 30/08/2012 | 08:27:05
1,982 lượt xem
Những năm Mỹ mở rộng cuộc chiến không quân ra miền Bắc, quân và dân Thái Bình, trong đó có người dân Thư Trì (Vũ Thư) đã vừa chiến đấu, vừa sản xuất chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ra đời trong những năm tháng ác liệt đó, Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương đã kiên cường giăng lưới lửa tầm thấp tầm cao, góp phần bảo vệ vùng trời quê lúa.

Ðơn vị trực chiến huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư) trận đầu ra quân lập công bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Trước âm mưu mở rộng chiến tranh trả đũa miền Bắc bằng không quân của địch, ngay từ đầu năm 1965, Tỉnh ủy Thái Bình đã có nghị quyết về an ninh quốc phòng, đẩy mạnh công tác phòng không không quân. Theo đó, huyện Thư Trì cũng đã chủ động thành lập ở mỗi xã từ 1-2 tổ trực chiến. Ngày 13 tháng 8 năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thái Bình. Các đơn vị phòng không của quân đội được lệnh đi chiến đấu ở tuyến trước nên mỗi huyện thành lập 1 đại đội dân quân trực chiến tập trung, trên cơ sở các tổ trực chiến, được trang bị súng cao xạ 37 ly để bảo vệ các mục tiêu trọng điểm. Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương ra đời. Biên chế của Ðại đội gồm 4 trung đội chiến đấu, 1 tiểu đội hậu cần, 1 tổ trinh sát đo xa, trang bị vũ khí thô sơ gồm 4 khẩu pháo cao xạ 37 ly, 1 máy đo xa, 2 ống nhòm, 1 máy điện thoại và súng bộ binh. Phảo thủ là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường, tuổi đời còn rất trẻ đã khắc phục mọi khó khăn cùng lớp cha anh rèn luyện, chiến đấu ngoan cường với quân thù trong những cuộc chiến không cân sức.

Hai tháng ròng huấn luyện khẩn trương với quyết tâm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”, tất cả chiến sỹ phải tự túc hoàn toàn về chăn màn, quần áo, phương tiện sinh hoạt để tập thuần thục các động tác chỉ huy, pháo thủ, trinh sát, đo xa... Khi có mệnh lệnh chiến đấu, cán bộ chiến sỹ của các Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương, Vũ Tiên, Ðông Quân thêm nức lòng với nhiệm vụ bảo vệ cầu Bo và Thị xã Thái Bình. Ðến bây giờ, trong hồi ức của các cán bộ, chiến sỹ  cũng không khỏi ngạc nhiên vì sao họ có thể dùng sức người để kéo pháo nặng trên 4 tấn qua 10 cây số đường xá gập ghềnh, cánh đồng ngò lạch, mương máng dọc ngang vào trận địa một cách an toàn. Trong quá trình di chuyển từ trận địa này đến trận địa khác, đơn vị còn anh dũng đánh trả việc ném bom của Mỹ, bảo vệ được mục tiêu và an toàn của cả đội hình. Ỷ vào máy bay và vũ khí hiện đại, giặc ngày càng điên cuồng đánh vào trận địa và các khu dân cư. Nhiều đoạn đê như Mỹ Lộc, Trà Lý, Bổng Ðiền bị tàn phá, các địa phương như Thọ Lộc, La Uyên, Hòa Bình, Tam Tỉnh, Minh Lãng, Hiệp Hòa... bị ném bom ban đêm gây thiệt hại nặng nề. Có ngày, khu vực cầu Bo và Thị xã bị máy bay địch gầm rú, đánh phá tới 3 lần. Trước diễn biến ác liệt đó, Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương đã quyết tâm dùng máu xương của mình, bảo vệ bình yên vùng trời quê lúa. Từ năm 1967 - 1968, đơn vị đã chiến đấu hàng trăm trận không kể ngày đêm. Là đơn vị dân quân chiến đấu luân phiên nên cứ lớp lớp thanh niên thay nhau thực hiện nhiệm vụ. Ăn trên mâm pháo, ngủ dưới chiến hào, nắng hè như lửa đốt, mưa phùn đêm đông lạnh buốt thấu xương. Nhưng chính trong gian khổ ác liệt chiến tranh, tinh thần tất cả vì miền Namon> ruột thịt của các gia đình góp khoai sắn, hạt bo bo, mì bột cho con tham gia đại đội pháo và tình đồng đội sẻ chia đùm bọc càng thêm sáng ngời. Chi bộ luôn nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu, chi đoàn thanh niên hăng hái trong các phong trào, tạo mối đoàn kết với thanh niên địa phương. Tiếng bom đạn gầm rú đêm ngày cũng chẳng thể át tiếng hát, tiếng đàn của người chiến sỹ.

Cuối năm 1969, 14 xã của Vũ Tiên sáp nhập với huyện Thư Trì thành huyện Vũ Thư. Ðịa bàn chiến đấu của Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương được trải rộng. Thị xã và Vũ Thư là trọng điểm nên công tác phòng không nhân dân và sẵn sàng chiến đấu càng được đề cao. Ðại đội được tăng cường lực lượng trước cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của địch. Mở đầu là việc đánh phá xã Nguyên Xá lúc 2 giờ chiều ngày 16 tháng 4 năm 1972. Sau đó là liên tiếp những trận dội bom ở Tân Lập, Tân Phong, Minh Lãng, xí nghiệp nhà máy tơ, trạm bơm Thẫm... Ðau xót trước cảnh quê hương bị dày xéo, cán bộ chiến sỹ Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương đã quyết tâm diệt giặc trong trận ngày 17 tháng 8 năm 1972. 11h 45 phút, 3 chiếc F4H hiện đại của giặc lao vào trận địa, 3 khẩu 12,7 ly của ta đồng loạt nổ súng. Ðường đạn thô sơ nhưng mang theo lòng căm thù sôi sục, với tinh thần thép và lối đánh sáng tạo đã bao trùm tốp máy bay. 146 viên đạn tiêu diệt 1 máy bay Mỹ, chiến công ấy làm nức lòng quân và dân toàn huyện, được cấp trên khen tặng.

Sau khi rời đại đội, nhiều đồng chí tham gia công tác địa phương, gia nhập quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu ở các chiến trường... 7 năm gian khổ nhưng kiên trung, Ðại đội pháo cao xạ Thanh Hương đã đánh trên 100 trận, bắn rơi 1 máy bay Mỹ, bảo vệ được các mục tiêu quan trọng cũng như an toàn người, vũ khí, trang thiết bị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời gian ấy không dài so với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cả dân tộc, nhưng để lại dấu ấn không thể mờ phai, làm nên chiến công hiển hách. Với mỗi cán bộ, chiến sỹ Thanh Hương, còn là quãng đời rất đỗi vinh quang, tự hào. Những chiến sỹ trẻ năm xưa đã lên chức ông, bà, bao mái đầu điểm bạc, bước đi có thể chẳng còn nhanh. Chỉ có ánh mắt và nụ cười vẫn vẹn nguyên chất lính. Quá khứ rất đáng trân trọng nhưng nó chỉ có giá trị khi được phát huy trong thời kỳ mới. Bởi lẽ đó mà tháng 8 này, trong không khí mùa thu lịch sử, người lính năm xưa tìm gặp lại nhau, cùng ôn lại những năm tháng hào hùng và động viên nhau phát huy truyền thống của một đại đội pháo cao xạ anh hùng.

Hà Thanh

 (Ðài Phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa