Thứ 5, 09/01/2025, 03:42[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920 - 1/12/2020) Đại tướng Lê Đức Anh trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng

Thứ 3, 01/12/2020 | 09:23:02
11,077 lượt xem
Với 99 tuổi đời, 80 năm tuổi đảng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam (ngày 1/5/1996). Ảnh tư liệu

Không chỉ là chứng nhân, Đại tướng Lê Đức Anh còn là một nhà lãnh đạo quân sự tài năng, một nhà chính trị mẫn cảm, đã tham gia vào các sự kiện quan trọng của cách mạng và đất nước trong hơn 50 năm của nửa cuối thế kỷ XX và hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

Nhà quân sự lớn

Đại tướng Lê Đức Anh là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc; một người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 11 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 7 năm trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.  

Trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.

Đặc biệt, ông là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam vào những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975 thì cánh quân hướng Tây - Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh chiến dịch chỉ huy (thời điểm này ông mang hàm Trung tướng) đã đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ của chiến dịch khi sớm làm chủ chiến trường, kìm giữ chân địch, tạo điều kiện cho các cánh quân sớm hoàn thành nhiệm vụ. Tài chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh cũng được thể hiện rõ qua cách sử dụng con đường bạo lực cách mạng, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, huy động lực lượng của nhân dân tham gia cuộc chiến. Ông cũng đã tận dụng được sự giúp đỡ của nhân dân để vượt sông, giữ cầu, đánh chiếm cắt đường...

Ngoài sức mạnh quân sự với sự hợp nhất sức mạnh tổng lực của quân chủ lực với quân dân địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh chính trị của nhân dân và đặc biệt uy danh của người đầu cánh quân Tây - Tây Nam cũng khiến quân địch khiếp sợ.

“Sức mạnh quân sự của chúng ta với sự hỗ trợ sức mạnh chính trị của đồng bào cũng cảm hóa cả đối phương khi phần lớn các đơn vị đối phương phòng thủ ở hướng Tây - Tây Nam án binh bất động hoặc đầu hàng rã ngũ. Có nơi còn hợp tác với quân giải phóng để nhanh chóng kết thúc sớm chiến tranh. Có thể nói, chính nghĩa của chúng ta gắn với tên tuổi của nhà quân sự lừng danh Lê Đức Anh làm địch khiếp sợ” - Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Dấu ấn quân sự và tài thao lược của Trung tướng Lê Đức Anh đối với cánh quân phía Tây - Tây Nam rất rõ, đó là kinh nghiệm trận mạc của ông ở chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ những năm 1969 - 1970, đặc biệt là sau Hiệp định Paris và đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chính uy danh của ông cùng uy lực của lực lượng bộ đội chủ lực, sự hiệp đồng tác chiến của nhân dân đã tạo nên vị thế của cánh quân phía Tây - Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ là vị Tư lệnh của binh đoàn cánh Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh được ghi nhận là nhà quân sự lớn, là vị tướng của nhiều trận đánh lớn, là “vị tướng luôn trở về trong chiến thắng”.

Nhà lãnh đạo xuất sắc

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Ông đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đi vào hiện thực, tạo tiền đề cho sự thành công của công cuộc đổi mới những năm tiếp theo. Ông cũng là người đề nghị việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của ông phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao. Thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước là một trong những giai đoạn sôi động và phức tạp nhất của hoạt động ngoại giao nước nhà.
Thực hiện đường lối đổi mới, năm 1986, Việt Nam tiến hành bình thường hóa quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, ông đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường”. Với tài năng và sự sáng tạo của mình, ông đã hoàn thành nhiệm vụ “mở đường” một cách xuất sắc.

Cuối tháng 7/1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, Đại tướng Lê Đức Anh sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Và ông cũng chính là người thực hiện “mở đường” cho hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có một kênh tiếp cận chính thức nào. Sau những trăn trở, Đại tướng đã tìm ra những bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA” - mở ra một cách tiếp cận trong việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Và bước mở đầu đó đã góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995. Thực tế cho thấy, trong 25 năm qua, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Đại tướng.

Đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh”.

Là một Chủ tịch nước, một Đại tướng nhân cách tài - đức vẹn toàn, trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính, mỗi cấp dưới, cùng cấp, cấp trên hay với bạn bè quốc tế, ông không chỉ là tấm gương một người cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhanh chóng quyết đoán trong những khoảnh khắc quyết định mà còn là một người giản dị và chan hòa, chân tình và độ lượng.

Khi Đại tướng Lê Đức Anh đi xa, Tiến sĩ Lê Mạnh Hà - con trai Đại tướng đã viết: “Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến gần 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời... Gia tài ba để lại cho con, cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm. Yêu thương và vị tha, nhân hậu để vị tha”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, Đại tướng Lê Đức Anh “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi các chiến sĩ mới nhập ngũ của Trung đoàn 43 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ninh (ngày 16/4/1994). Ảnh tư liệu

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 1937, ông tham gia phong trào dân chủ ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 5/1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1948, ông giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Trung đoàn 301. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950, là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954, là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, ông đảm nhiệm các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu. Tháng 8/1963, ông được bổ nhiệm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, ông được giao giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1969 đến năm 1974, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1974 đến năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Tháng 5/1976, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 6/1978, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Tháng 6/1981, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.

Ông được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984.

Tháng 12/1986, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu ông làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa