Chào mừng lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của nông dân trong cách mạng Việt Nam
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương tại Văn bản số 7681-CV/VPTW ngày 14/4/2014 của Văn phòng Trung ương Đảng, công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Thái Bình, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, khắc ghi tình cảm của Bác Hồ với giai cấp nông dân Việt Nam và sự tôn kính của nông dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thái Bình nói riêng đối với Bác. Được sự đồng ý của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam từ 19 giờ 40 phút đến 21 giờ 40 phút ngày 12/12/2020 tại Quảng trường Thái Bình, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. |
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nguồn gốc nông dân, từ nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia lao động sản xuất cùng cha, đã từng chịu đựng gian khổ mất mát và thấu hiểu cái cảnh khổ cực của đồng bào, sau này Người nói: “Tôi tuy con nhà khoa bảng nhưng gốc nông dân”. Tuổi thơ của Người gắn liền với những người nông dân quanh năm vất vả, lại chịu dưới hai tầng áp bức của phong kiến, thực dân nên cuộc sống cơ hàn, đói rách. Lớn lên, hiểu biết hơn, Người đã đứng về phía nông dân mà chống lại chế độ thực dân phong kiến. Năm 1908, Người đã tham gia cuộc biểu tình của nông dân 6 huyện Thừa Thiên - Huế đòi chính quyền thực dân, phong kiến giảm sưu, giảm thuế, do bị mất mùa liên tiếp trong ba năm.
Năm 1911, khi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành luôn nghĩ đến một mục đích rất cụ thể: Làm sao xây dựng một xã hội mới, mà ở đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Năm 1920, khi bắt gặp Luận cương lần thứ nhất của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã vui mừng đến phát khóc: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Người đã nhận ra rằng, cách mạng Việt Nam muốn thành công, phải theo đường lối cách mạng vô sản, thực hiện giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp để đi tới xã hội cộng sản. Trong cuộc cách mạng này, phải: “Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp”. Hồ Chí Minh cho rằng “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”.
Thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nông dân nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của thực dân Pháp, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân. Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho các điền chủ nông gia Việt Nam: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Nhận thức và đánh giá đúng phong trào của nông dân đối với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Người chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn nông dân vừa là động lực, vừa là lực lượng đông đảo, nòng cốt, và cũng là đối tượng vận động của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”. Khi đất nước lầm than, phong trào yêu nước của nông dân là “bà đỡ” cho phong trào công nhân phát triển và là điều kiện thúc đẩy cho Đảng ra đời. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân là lực lượng chủ yếu cùng với các giai cấp khác đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ Đảng, bảo vệ độc lập dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều sự quan tâm đến nông dân. Người luôn luôn trăn trở, lo lắng đến cuộc sống của người nông dân, “những người đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến”. Chỉ thống kê trong 10 năm, từ 1955 - 1965, Người đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở, trong đó, có nhiều chuyến đi thăm bà con nông dân các địa phương. Người đắp guồng chống úng, cầm gầu tát nước chống hạn với dân, lội ruộng thồ máy cấy lúa... Người quan tâm sâu sát, cụ thể đến mọi công việc của nhà nông. Những cuộc đi thăm này không phải là hình thức mà rất cần thiết với Người. Người muốn biết đồng bào, đồng chí, người dân ăn, ở, làm việc, học tập, sản xuất và chiến đấu như thế nào, để có sự quan tâm, chỉ đạo cho thiết thực, đây là cuộc sống, là tình cảm thiết tha của Người.
Tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân còn thể hiện trong nhiều bài viết về nông dân, nông nghiệp, bài nói chuyện khi đi thăm các địa phương, nhắc nhở chỉ đạo, khen thưởng, các bài báo khen chê, biểu dương thành tích, phê bình những việc làm chưa tốt, đặc biệt là những bài báo phản biện những kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp mà Người học hỏi được trong các chuyến đi thăm trong nước, nước ngoài, hoặc qua sách, báo, đài...
Từ tình cảm đặc biệt dành cho nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh to lớn và vị trí cực kỳ quan trọng của người nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, trong bản “Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II, một lần nữa Người đã khẳng định: “Giai cấp nông dân: Nông dân là tối đại đa số trong Nhân dân nước ta là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến”. Và “Giai cấp nông dân chủ chốt là bần nông và trung nông là quân đội chủ lực của kháng chiến và của cách mạng dân chủ mới... Cách mạng ta hiện nay là chống đế quốc, chống phong kiến. Nông dân là lớp người đông nhất trong Nhân dân, cho nên họ là quân chủ lực của cách mạng”.
Tháng 01/1953, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân đối với sự nghiệp cách mạng: “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng, Người cho rằng chỉ lo “cơm ăn, áo mặc” cho họ thì chưa đủ, mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn độc lập, tự do. Người xem đói và rét đều là giặc, phải diệt giặc đói, diệt giặc dốt, bởi vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Quan trọng hơn, việc mang lại quyền lợi ruộng đất cho nông dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Không chỉ nhận thức và khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân đối với cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người còn chỉ rõ vị trí, vai trò của nông dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Trong báo cáo trước Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, khóa II, Người khẳng định: “Chính phủ quyết định phải triệt để giảm tô, để nông dân được hưởng lợi ích bước đầu của họ, để nông dân hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến”. Và Người chỉ thị “Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện Người cày có ruộng. Đó là bước đầu”. Từ đó, Người chỉ rõ trách nhiệm của người nông dân là “đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để bảo đảm đời sống ấm no”. Người cũng xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ: “Đảng và Chính phủ cũng sẽ giúp thêm, như thu mua lâm sản và thổ sản cho nông dân, giúp thêm cán bộ, cho vay vốn”. Nhưng vẫn lưu ý nhắc nhở “các cô, các chú chớ có ỷ lại, phải cố gắng tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ”.
Và trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc ngày 5/2/1953, Người đã viết: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”. Như vậy, theo Người nhận thức đúng, đường lối, phương châm đúng là chưa đủ mà vấn đề quan trọng là để nông dân phát huy được vai trò, sức mạnh của mình.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất để lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đặt niềm tin vào giai cấp nông dân trong cuộc cách mạng này: “Nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng”. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”. Người cho rằng muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp.
Trước lúc đi xa, người để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng chí, đồng bào cả nước. Trong bản Di chúc, Người đã dành cho nông dân tình cảm gần gũi, thân thiết khi dùng cụm từ “đồng bào nông dân” để tuyên dương công lao to lớn và lòng trung thành vô hạn của họ đối với Đảng và Chính phủ trong hai cuộc kháng chiến. Căn dặn miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Khi ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Ước nguyện này tiếp tục thể hiện nhận thức đúng đắn của Người về vai trò quan trọng của nông dân trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc và vai trò của nông dân nông nghiệp đối với nền kinh tế nước nhà. Đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm, tình cảm thân thiết của Người đối với “đồng bào nông dân”.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông dân là những chỉ dẫn quan trọng để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975) cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tin cùng chuyên mục
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh 19.05.2024 | 17:39 PM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình