Thứ 7, 17/05/2025, 22:18[GMT+7]

ÐỀN, CHÙA DUYÊN NÔNG Khu di tích văn hóa tâm linh

Thứ 6, 26/10/2012 | 14:47:54
2,678 lượt xem
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì công trình đền thờ Mẫu trong quần thể di tích văn hóa tâm linh thôn Duyên Nông vừa đẹp về mỹ thuật, trang trí cầu kỳ, công phu, vừa mang tính dân tộc, vừa có tính hiện đại.

Ðền Mẫu - Chùa Duyên Nông - Ðiệp Nông (Hưng Hà)

Sự tích ba vị thần Hoàng Làng

Theo thần tích xã Canh Nông, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà từ đời Hùng Duệ Vương thứ 18, ông Nguyễn Thận lấy bà Hồ Thị Ngọc, sau nhiều năm vẫn chưa có con. Vào một đêm trăng thanh, gió mát, vợ chồng ông bỗng thấy sao Bắc Ðẩu từ trên trời rơi xuống trước mặt. Bà bắt được, sao Bắc Ðẩu biến thành đứa trẻ rồi tự nhiên biến mất. Từ đó, bà thụ thai, mang thai 12 tháng thì sinh một cậu con trai vào đúng giờ Dần ngày 10/2 năm Ðinh Dậu. Cậu bé khôi ngô, tuấn tú và rất thông minh, học hành giỏi giang, văn võ song toàn. Sau này được nhà vua tiến cử là: Cao Sơn Ðô Hộ Ðại Vương. Cùng thời Hùng Duệ Vương, nhà vua sinh được 20 người con trai và 6 công chúa. Nhưng 20 người con trai và 4 cô công chúa theo Tiên về trời. Vua buồn lắm, ngày ngày đi du ngoạn giải phiền. Khi nhà vua đến Trang ấp Diên Nông, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà - phủ Tân Hưng Ðạo Sơn Nam, nhân dân ra đón làm lễ bái tạ, chúc mừng nhà vua. Vua ở lại Diên Nông một thời gian, ở đây, có gia đình ông Thành Công và bà Trần Thị Ngọc sinh được một cô con gái tên là Trần Hoa Nương. Cô đã 18 tuổi; công, dung, ngôn, hạnh, nhan sắc chim sa cá lặn, hoa nhường, nguyệt thẹn. Vua lấy Hoa Nương làm vợ và xây cung phi phủ tại Diên Nông. Mấy năm sau, Ðào Hoa Nương có thai. Ðến ngày 6/1 năm sau sinh được một người con trai, mặt rồng, mắt phượng, mày hổ, hàm yến, tướng mạo oai phong lẫm liệt. Ðào Hoa Nương tâu với vua, vua mừng vui xiết kể, liền ra lệnh cho nhân dân giết trâu, bò ăn mừng và cấp phát tiền bạc để nuôi dưỡng Cung phi, Hoàng tử. Năm Hoàng tử lên 5 tuổi, vua đặt tên là “Chàng Út Hoàng tử”.

Lúc này, chúa Thục thấy Duệ Vương truyền ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh liền đem 30 vạn quân sang đánh cướp nước ta. Vua cho mời Tản Viên Sơn Thánh và Chàng Út về bàn cách đánh giặc Thục. Sau khi trình bày kế sách đánh Thục, Tản Viên Sơn Thánh và Chàng Út lập đàn tế lễ để xuất quân ra trận. Bỗng có một người từ trên trời rơi xuống, thân cao 10 trượng và đưa cho Tản Viên Sơn Thánh cái nỏ thần rồi báo rằng “Bao giờ giặc Thục đến, đem nỏ thần đọc điều ước thì giặc Thục sẽ tan rã hết”. Quả thật, quân Thục bị quét sạch, đất nước ổn định 5, 6 năm thì Chiêm Thành cử 3 tướng giỏi cùng 50 vạn binh, 3000 kỵ mã ồ ạt kéo sang nước ta bằng nhiều mũi tiến công thủy, bộ. Cao Sơn Ðại Vương và Chàng Út đem quân đánh thắng 50 vạn quân Chiêm Thành, bọn dư đảng bị tiêu diệt tận gốc, đời sống nhân dân lại bình yên. Nhưng, Cao Sơn Ðại Vương bị thương nặng vào bả vai, ngài đã hóa thân tạ thế ngày 12/3 năm ấy. Chàng Út trở về Diên Nông thăm Cung phi, gặp gỡ nhân dân và tuyên bố “Cao Sơn và ta thân thích như anh em cốt nhục. Khi ta qua đời, nhân dân hãy thờ cúng Cao Sơn Ðại Vương và ta cùng một miếu”. Chàng Út vừa nói xong, bỗng xuất hiện một con rắn trắng dài một trượng từ trong miếu thiêng trườn ra. Thế là Chàng Út và con rắn rẽ nước ra bến sông biến mất ngay ngày 5/5 năm ấy. Ðược tin, vua vô cùng xót thương bèn lệnh cho nhân dân tu sửa đền miếu để thờ hai ông thần có công cứu dân, cứu nước, đó là: Cao Sơn Ðại Trí Bác Ðạt, Linh ứng Ðại Vương và Chàng Út Hoàng Tử Quảng Vận Phổ Chiếu Linh thông Ðại Vương.

Ðến triều đại Cao Tông cai trị nước ta, ở Châu Thủ Vật tỉnh Tuyên Quang, có 2 vợ chồng sống với nhau rất tình cảm. Chồng tên là Nguyên Lương, vợ là Trần Ngọc. Ngày ngày bà ra bến sông tắm rửa, gội đầu. Bỗng một hôm thủy cung dâng nước cướp bà Trần Ngọc về thủy phủ. Ông Lương buồn rầu, ngày nào cũng ra bến sông ngồi trên hòn đá, ngắm nhìn dòng nước chảy xiết. Kỳ lạ thay hòn đá ngày một to ra, ông Lương phiền muộn lâm bệnh rồi qua đời. Ðến giờ Dần ngày 13.6, năm Giáp Tuất, bỗng thấy trời tối mù mịt, sấm chớp ầm ầm, một tiếng sét thật to, hòn đá bên sông tách đôi, một cậu bé ra đời từ hòn đá đó. Cậu bé ngày ngày ra vào miền sơn cước hái lượm săn bắt để sinh sống. Thời kỳ này ở Ðạo Tuyên Quang mấy năm liền hạn hán, ruộng đồng hoang hóa, mất mùa liên miên, giặc dã cướp phá hoành hành, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vì thế, vua cử Ðoàn Thượng đến Châu Thủ Vật bỗng gặp một người có tướng mạo khác thường: Thân cao 12 thước, người hình đầu gà… từ trong núi đi ra, cúi chào Ðoàn Thượng và tình nguyện xin đi diệt giặc cướp nước, cứu dân. Ðoàn Thượng bái tạ và tôn người có hình thù đặc biệt đó làm Chiêu Dương tướng quân. Ðồng thời, giao cho 500 binh sĩ để đi đánh bọn cướp. Khi dẹp xong giặc cướp trở về Chiêu Dương tướng quân được phong làm Quan tri phủ, huyện Diên Hà. Thời kỳ này, ông luôn luôn đi tới các trang ấp để chăm lo việc nông trang cho dân, vì thế mùa màng bội thu, đời sống của nhân dân ngày thêm sung túc. Mấy năm sau, giặc Chiêm Thành lại binh hùng, tướng mạnh sang xâm chiếm nước ta. Chiêu Dương cùng nhiều tướng tài và 50 vạn quân ra nghênh chiến diệt tan lũ giặc Chiêm Thành để bảo vệ nền độc lập nước Việt ta. Sau khi chiến thắng bọn xâm lược Chiêm Thành, ông được nhà vua phong là Thiên Bồng Ðại Vương. Mấy năm sau, ông xin về nghỉ dưỡng. Ngày 13/2, khi về đến đất Diên Nông, trời bỗng tối mù mịt, ông đã hóa thân thành ngôi sao sáng rực bay thẳng lên trời. Nhân dân ta vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ cả ba ông Thần Hoàng: Cao Sơn Ðại Vương, Chàng Út Ðại Vương, Thiên Bồng Ðại Vương” cùng chung một miếu. Vì thế hàng năm cứ đến ngày 10/10 âm lịch, dân làng lại ra đình Gòi để mở hội, tế lễ.

Diên Nông xưa,

Duyên Nông nay

Duyên Nông ngày xưa có tên gọi là làng Vạn Chài. Trước Cách mạng tháng Tám, dưới thời phong kiến còn có tên gọi là Gòi thôn. Ðược chia thành 3 khu dân cư là: Ðò Trại, Trại ổi và Nội Thôn, với 70 hộ, gồm hơn 400 xuất đinh, nằm rải rác ven sông Luộc. Phía bắc giáp sông Luộc, nam giáp thôn Hà Lý, tây giáp thôn Canh Nông và đông giáp thôn Việt Yên. Ðến năm 1956, xã Tam Ðiệp được tách thành hai xã Tam Nông và Tam Ðiệp. Năm 1975 nhập lại thành xã Ðiệp Nông như bây giờ. Thôn có 22 dòng họ, 427 hộ, 1.650 khẩu, 135 mẫu cấy lúa, 104 mẫu trồng màu và 34 mẫu ao. Diện tích bình quân 19 thước/khẩu. Nghề nghiệp chính là nông nghiệp nên mức thu nhập thấp, bình quân dưới một triệu đồng/người/tháng. Trong công cuộc đổi mới, mở cửa, khai thác tiềm năng, lợi thế gần sông nước nên các doanh nghiệp vận tải thủy, bộ phát triển, với 7 doanh nghiệp vận tải ra đời, 19 hộ kinh doanh thủy và  17 hộ kinh doanh bộ. Tổng số tàu vận tải sông biển có 26 chiếc, giải quyết việc làm cho 80 lao động. Hàng chục hộ kinh doanh xay xát, sửa chữa xe máy, dịch vụ… đem lại nguồn thu lớn cho nhân dân và nộp các nghĩa vụ với nhà nước. Trên 90% số hộ mua sắm được ti vi, xe máy, ô tô… Số hộ nghèo giảm dần, hộ giàu, khá và trung bình tăng nhanh.

Nhân dân thôn Duyên Nông không chỉ đóng góp sức của cho các cuộc kháng chiến cứu nước mà còn cung cấp sức người cho tiền tuyến. Toàn thôn có trên 400 thanh niên nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, có 56 liệt sĩ, 26 thương, bệnh binh và người nhiễm chất độc da cam… Năm 2004 - 2005 thôn đã xây dựng làng văn hóa. Chi bộ có 69 đảng viên, năm nào cũng đạt “trong sạch vững mạnh”, lãnh đạo nhân dân hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nghĩa vụ được giao. Duyên Nông luôn là đơn vị xếp thứ nhất trên tất cả các mặt của xã Ðiệp Nông. Ðảng, Nhà nước đã tặng thưởng 140 huân, huy chương kháng chiến và một Huân chương lao động hạng Nhất cho nhà báo, nhà nhiếp ảnh Bùi Duy Ly. Những năm gần đây, hưởng ứng các chủ trương chỉ đạo của huyện Hưng Hà, chi bộ thôn Duyên Nông đã lãnh đạo tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển làng nghề và mở mang các loại hình sản xuất, kinh doanh… Ðẩy mạnh xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng cao. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tâm nguyện của nhân dân thôn Duyên Nông là mong muốn có được khu di tích văn hóa để sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, cầu cho “Quốc thái dân an, nhân dân vận thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi”. Mặc dù đình, chùa đã có từ lâu nhưng do điều kiện kinh tế xưa khó khăn nên xây dựng chắp vá; cộng với thời gian và thiên tai khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh… nay đã bị sụt, lún, dột nát. Năm 2012, chi ủy, chi bộ, chính quyền thôn, Ban công tác mặt trận thôn có chủ trương xây dựng, tu bổ chùa Duyên Nông và đã nhận được sự đồng thuận rất cao của cấp ủy, chính quyền xã Ðiệp Nông cũng như toàn thể nhân dân trong thôn. Nhưng bài toán đặt ra là lấy đâu kinh phí để xây dựng? Ông Nguyễn Quang Văn với tấm lòng của một doanh nhân thành đạt có mong muốn được giành một phần kinh phí từ lợi nhuận kinh doanh và vốn liếng của gia đình để phát tâm công đức xây chùa. Ngày 8/2 âm lịch (năm Nhâm Thìn) công trình chính thức được khởi công. Ông Văn lo tìm thợ giỏi, có kinh nghiệm xây dựng đình chùa. Lặn lội ra Quảng Ninh lựa chọn vật liệu tốt nhất, phù hợp với kiến trúc của ngôi chùa. Thường xuyên có mặt để xem xét, quán xuyến tiến độ xây dựng. Ðến nay, sau hơn 7 tháng thi công công trình đã hoàn thành. Tổng nguồn vốn là gần 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Văn đóng góp phần lớn. Còn lại hai doanh nghiệp cùng tham gia là: Giám đốc Nguyễn Công Phẳng và Giám đốc Lê Ðình Lợi ủng hộ từ 100 triệu đến 700 triệu đồng xây dựng các hạng mục công trình. Không chỉ phát tâm công đức để xây dựng lại đền thờ Mẫu, ông Nguyễn Quang Văn còn dành hàng trăm triệu đồng để san đường, rải đá đoạn từ chợ Gòi vào cổng đền được khang trang rộng rãi.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì công trình đền thờ Mẫu trong quần thể di tích văn hóa tâm linh thôn Duyên Nông vừa đẹp về mỹ thuật, trang trí cầu kỳ, công phu, vừa mang tính dân tộc, vừa có tính hiện đại. Cấu trúc hài hòa trong tổng thể khu di tích. Toàn bộ công trình nằm trên diện tích 1.800m2 ở vị trí đẹp nhất và xuất hướng theo đúng phong thủy. Khu di tích này là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân thôn Duyên Nông thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với các tiền nhân; với hương hồn, anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. 

 

Bài, ảnh:  Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa