Thứ 2, 02/12/2024, 22:57[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941 - 28/1/2021) Người về đem tới mùa xuân

Thứ 5, 28/01/2021 | 08:14:53
17,449 lượt xem
Cách đây 80 năm, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động sôi nổi, đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bức tranh “Bác Hồ về nước” của họa sĩ Trịnh Phòng.

Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.

Cao Bằng, mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc chính là sự lựa chọn của Người. Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng 2 tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Người sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Về lý do chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, theo  Người: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Với nhận định và sự lựa chọn thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về  xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941 - 28/1/2021) vào thời điểm đang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước; thi đua lập thành tích, thiết thực chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Những hoạt động chính của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Cao Bằng

Triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám từ ngày 10 - 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Đây là hội nghị có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh.

Chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chỉ đạo công tác vận động xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng: Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, từ đó thông xuống các tỉnh miền xuôi. Phong trào cách mạng ở Việt Bắc gắn liền với phong trào cả nước, mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này.  

Chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi công tác cán bộ là gốc của sự nghiệp cách mạng: Đội ngũ cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp đào tạo và huấn luyện ở Cao Bằng đã nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, được tôi luyện cả về thực tiễn và lý luận. Đó là cơ sở để thu hút quần chúng tham gia, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành từ những lớp huấn luyện của Người, sau này trở thành những cán bộ trung kiên, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền: Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ. Không đầy nửa năm sau ngày thành lập, Đội đã phát triển lớn mạnh nhanh chóng thành Việt Nam giải phóng quân. Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đội quân không ngừng phát triển, trưởng thành, trở thành Quân đội quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 đến nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với phong trào cách mạng: Tháng 8/1941, Báo Việt Nam độc lập được xuất bản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách, trở thành một vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc vận động cách mạng, giải phóng dân tộc. Ngoài tờ báo, Người còn biên soạn nhiều sách, phần nhiều theo thể văn vần và khoảng 30 bài thơ nhằm mục đích giáo dục quần chúng về tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc.

Chỉ đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở đảng: Đây là vấn đề cốt lõi của toàn bộ sự nghiệp cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hết sức quan tâm. Trong đó, tại hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941) đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ đảng từ xứ ủy đến các cấp bộ đảng ở các địa phương. Đó là nhân tố lãnh đạo quyết định thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chỉ đạo xây dựng quan hệ quốc tế: Từ Cao Bằng, nhiều lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sang Trung Quốc bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam và Đồng minh. Tháng 2/1945, Người đi Côn Minh (Trung Quốc) tham dự hội nghị Đồng minh chống phát xít. Người đã trực tiếp liên lạc với quân đội Đồng minh bàn về việc phối hợp chiến đấu chống phát xít nhằm mục đích chủ động đặt quan hệ với Mỹ, tranh thủ sự giúp đỡ vật chất từ phía Mỹ và hạn chế sự phá hoại của Quốc dân Đảng Trung Hoa đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” sau chiến tranh...

Văn Nguyên 

(tổng hợp)