Nữ anh hùng và cây cầu lịch sử
Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển. Ảnh: internet
Thiếu tá Lê Văn Cấp công tác tại Ban CHQS thành phố Thanh Hóa dẫn tôi tìm đến nhà nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển đúng vào dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, căn nhà số 310 đường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa nép mình bình yên giữa phố xá ồn ào, náo nhiệt. Sau tiếng gõ cửa, cả hai ông bà tuổi đã gần 70 vồn vã ra đón khách. Với gương mặt đã in dấu nhiều nếp nhăn nhưng đôi mắt vẫn còn rất tinh anh, hồi ức của bà đã đưa chúng tôi trở về những ngày tháng hào hùng một thời đánh Mỹ.
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng sức tàn phá của cuộc chiến và quy luật của thời gian đã in dấu lên sức khỏe của người nữ anh hùng; cô dân quân Nam Ngạn ngày nào giờ đã 66 tuổi, tóc bạc nhiều, dáng bà đi hơi lệch do đau khớp và cột sống. Bà đã nghỉ hưu với quân hàm Trung tá cách đây 12 năm. Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946 tại làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn), thành phố Thanh Hóa trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, lúc bé hàng ngày bà theo cha mẹ đi làm đồng, lớn lên lại theo các anh chị đi bốc vác thuê ở khu vực Hàm Rồng, sau đó được giác ngộ cách mạng rồi tham gia dân quân làng Nam Ngạn. Vào dân quân, cô gái Ngô Thị Tuyển mới được huấn luyện cách sử dụng các loại súng bộ binh, súng 12,7 ly, súng cao xạ 37 ly và cách băng bó vết thương…
Theo dòng hoài niệm của người nữ anh hùng, các trận đánh và những kỷ niệm một thời máu lửa như ùa về, giọng chậm rãi, bà kể với chúng tôi mà như đang tâm sự với chính mình: Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch tiếp vận cho chiến trường miền Nam. Trong hai ngày 3, 4 tháng 4 năm đó tại khu vực Hàm Rồng, địch huy động 454 lượt máy bay, ném 627 quả bom, 58 quả bom nổ chậm, bắn hàng trăm tên lửa và rốc két xuống các trọng điểm giao thông trong toàn tỉnh Thanh Hóa.
Riêng cầu Hàm rồng bị ném 350 quả bom, bắn 149 quả rốc két; nếu tính bình quân thì mỗi mét chiều dài cầu Hàm Rồng trong 2 ngày đã chịu hơn 2 quả bom và gần 3 quả rốc két, song cây cầu vẫn hiên ngang vắt qua dòng sông Mã như thách thức kẻ thù. Cũng 2 ngày này, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái.
Một hôm đoàn xe chở đạn từ thị xã Thanh Hóa ra tiếp tế đạn cho các trận địa pháo bên bờ Bắc cầu Hàm Rồng và tàu Hải quân của ta, đoàn xe phải dừng lại ở làng Nam Ngạn. Để kịp thời có đạn tiếp tế cho các trận địa bên bờ Bắc và tàu Hải quân của ta đánh trả máy bay Mỹ ngăn không cho chúng đánh phá cầu, lúc đó ta phải huy động dân làng Nam Ngạn ra vận chuyển đạn qua bờ Bắc và đưa đạn xuống tàu Hải quân để kịp thời chiến đấu.
Các trận địa pháo của ta đang đánh trả máy bay Mỹ ném bom, đạn pháo 37 ly gần cạn kiệt, nếu ngừng bắn trả là cầu Hàm Rồng có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào, việc phải chuyển ngay một số hòm đạn để tiếp tế là rất cấp bách. Khi chuyển đạn có hai hòm đạn dính vào nhau nặng 98 kg, tình thế gấp rút mà gỡ ra từng hòm lại mất nhiều thời gian không kịp cho bộ đội chiến đấu. Lúc đó như có một sức mạnh thần kỳ nào đó, cô dân quân Ngô Thị Tuyển đã nhờ hai nữ dân quân đỡ hai hòm đạn lên vai rồi vác luôn hai hòm đạn chạy băng qua đê ra sông tiếp đạn cho bộ đội khi máy bay địch đang gầm rú trên bầu trời. Lúc đó bà Tuyển mới 19 tuổi và cân nặng chỉ có 42 kg. Chính bà cũng không ngờ lúc đó lại vác được hai hòm đạn nặng 98kg băng qua hào sâu, dưới mưa bom để tiếp đạn cho bộ đội.
Khoảng hai tháng sau sự kiện người nữ dân quân nặng 42kg vác hai hòm đạn nặng 98kg tiếp tế cho bộ đội, các nhà báo Liên Xô và Đức đã tìm đến tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu thực hư, họ bảo: “Chúng tôi không tin khi Hàm Rồng còn chiến tranh ác liệt, cô gái Ngô Thị Tuyển nặng có 42 kg lại vác một lúc hai hòm đạn nặng 98 kg, hôm nay chúng tôi đề nghị làm lại”. Bà đã quyết tâm làm để trả lời cho họ biết thế nào là Phụ nữ Việt
Thêm một kỷ niệm không thể nào quên đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, vào ngày 26 tháng 5 năm 1965, lúc đó hai chiếc tàu Hải quân ta đi đánh tàu biệt kích Mỹ ở ngoài khơi vào muộn, bị máy bay Mỹ phát hiện, tàu của ta vừa di chuyển lên cụm pháo bảo vệ Hàm Rồng vừa phải chiến đấu với máy bay Mỹ từ cửa Lạch Hới vào, khi hai chiếc tàu đến địa phận làng Nam Ngạn, phát hiện thấy trên tàu phát tín hiệu cần hỗ trợ, lúc đó bà Tuyển đang trực chiến gần đó đã kịp thời bơi ra tiếp cận được tàu, thấy nhiều chiến sĩ của ta bị hy sinh và bị thương, trong đó có một chiến sĩ bị thương nặng, rách cả một đoạn bụng, bà đã sơ cứu tại chỗ sau đó lại bê một chiến sĩ bị thương lên trên boong tàu ra hiệu cho trên bờ biết để ứng cứu.
Với những hành động dũng cảm phi thường trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng hai Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì và được chọn là đại biểu của tỉnh Thanh Hóa đi dự Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 1967, khi vừa tròn 21 tuổi, nữ dân quân Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huy hiệu Bác Hồ…
Nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý đã được tặng nhưng hạnh phúc lớn nhất với bà Ngô Thị Tuyển là kỷ niệm được gặp Bác Hồ tại Đại hội Liên hoan Anh hùng đầu năm 1967, lần đó bà tham gia Đoàn Chủ tịch, được ngồi cạnh và trò chuyện với Bác, lúc đó Bác hỏi: “Cháu Tuyển có gia đình chưa và học hành thế nào”. Sau đó Bác đề nghị các đại biểu dự Đại hội phát biểu ý kiến. Cô dân quân Nam Ngạn mạnh dạn phát biểu về quan điểm “hai nên” và “hai chớ” (nên học tập, khiêm tốn; chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng). Phát biểu xong Bác nói: Các cháu nên học tập “hai nên, hai chớ” như cháu Tuyển vừa phát biểu. Chính lời dặn đó của Bác Hồ đã theo bà suốt cuộc đời quân ngũ cũng như khi về hưu sau này.
Mấy dòng cuối, tôi xin mượn lời trong cuốn sách “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của nữ nhà văn người Mỹ Karen Tuner đã viết về nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển: “…hình ảnh một cô gái đứng cao lồng lộng nhìn chăm chú vào khoảng không, vai khoác súng - một người lính mẫu mực đến từng mi-li-mét”.
Theo quandoinhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Uzbekistan 07.04.2025 | 16:25 PM
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
-
Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J