Thứ 2, 02/12/2024, 22:34[GMT+7]

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị (6/3/1911 - 6/3/2021) Đồng chí Lê Thanh Nghị - một cuộc đời cách mạng bản lĩnh và kiên trung

Thứ 7, 06/03/2021 | 16:55:06
10,020 lượt xem
Suốt cuộc đời mình, không chỉ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; hiên ngang, anh dũng trước kẻ thù, đồng chí Lê Thanh Nghị còn là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, yêu thương bạn bè, bao dung, độ lượng với anh em, cán bộ cấp dưới và gần gũi đồng bào, đồng chí.

Đồng chí Lê Thanh Nghị (1911 - 1989).

Đồng chí Lê Thanh Nghị tên thật là Nguyễn Khắc Xứng (Nguyễn Văn Xứng), sinh ngày 6/3/1911 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thượng Cốc, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cuộc đời hoạt động cách mạng 60 năm phong phú, trải qua nhiều thử thách với 2 lần bị tù đày (11 năm ở Côn Đảo, Sơn La) và liên tục hoạt động trong tổ chức Đảng, khi công khai, lúc bí mật, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao, từ bí thư chi bộ, tỉnh ủy viên đến Bí thư Liên khu ủy, Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí được bầu vào Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ II, III, IV, V của Đảng và là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng.

NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG TIỀN BỐI BẢN LĨNH VÀ KIÊN TRUNG

Sinh ra tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và sớm được sự dìu dắt, giúp đỡ của những cán bộ lớp đàn anh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giác ngộ cách mạng, gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. Là đảng viên lớp đầu tiên và bắt đầu hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân, tháng 5/1930, đồng chí bị địch bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng cùng với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Lương Khánh Thiện và bị Tòa đề hình tuyên án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, Mặt trận dân chủ Pháp lên cầm quyền, ân xá tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được trở về quê nhưng vẫn bị quản thúc. Không bao lâu sau, đồng chí bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở đảng. Cuối năm 1937, đồng chí được cử về hoạt động ở Hải Dương. Giữa năm 1939, đồng chí tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia Ban cán sự liên tỉnh B (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ. Đầu năm 1940, đồng chí bị bắt lần thứ hai, địch kết án 5 năm tù đày tại Sơn La. Đầu năm 1945, ra tù, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ.

Hai lần bị bắt và bị tù đày, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng với các chiến sĩ cộng sản ưu tú khác không chịu khuất phục kẻ thù, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân. Kiên cường vượt lên sự hà khắc của nhà tù, đồng chí và các chiến sĩ cộng sản đã biến các phiên tòa đế quốc thành nơi kết tội chủ nghĩa thực dân và tuyên truyền, giác ngộ cách mạng; biến lao tù đế quốc tàn bạo thành trường học cách mạng, học tập lý luận chính trị (học về chủ nghĩa cộng sản, văn hóa và ngoại ngữ...) và rèn luyện ý chí, đạo đức của người cộng sản.

Tháng 4/1945, tại hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (chiến khu Đông Triều - 1 trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước khi đó), gồm một số tỉnh miền duyên hải và Đông Bắc; đồng thời, vẫn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công...

Đồng chí Lê Thanh Nghị là người cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, vững vàng, tận tụy ở trong nhà tù cũng như lúc hoạt động ở ngoài; là người luôn nỗ lực, tìm tòi và học hỏi để làm giàu tri thức, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Theo Tiến sĩ Lê Thanh Bình, con gái út của đồng chí Lê Thanh Nghị thì “là con thứ tư trong một nhà nho nghèo đông con, ông được học từ nhỏ nhưng sớm phải bỏ học để đi làm. Khi đi làm thợ điện ông chắt chiu tiền để đi học thêm, để đọc được sách kỹ thuật bằng tiếng Pháp; trong tù ông cũng học, học nâng cao trình độ tiếng Pháp, học văn hóa, học lý luận chính trị cách mạng, học làm vũ khí; khi đã làm Phó Thủ tướng, ông tổ chức lớp học tại nhà cùng các cán bộ giúp việc, mời giảng viên Bách khoa đến dạy. Lớp học được tổ chức ở phòng ngay miệng hầm trú ẩn...”[1]

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hải Phòng. Trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí từng đảm nhiệm các vị trí công tác lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở địa phương và Trung ương như: Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III (thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An), Phó Bí thư Liên khu ủy III, Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III, Bí thư Thành ủy Hà Nội...

Được phân công lãnh đạo Đảng bộ Liên khu III và Hà Nội, đồng chí luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng chính trị và quân sự, lãnh đạo quần chúng nhân dân phá tan các âm mưu kìm kẹp của địch, tạo thế mạnh để các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội, phối hợp với các chiến dịch lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trên các cương vị công tác này, đồng chí luôn luôn gắn bó với nhân dân, hướng về cơ sở để nắm bắt tình hình, tuyên truyền, động viên và đôn đốc, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc ở những địa bàn có ý nghĩa chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, dù thực dân Pháp luôn tìm cách đánh phá, bình định ác liệt, song cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các địa phương đồng bằng Bắc Bộ đã kiên cường bám trụ, làm thất bại âm mưu của chúng để không chỉ bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng mà còn tích cực chi viện cho Trung ương ở Liên khu Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NGƯỜI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO SÂU SÁT THỰC TIỄN, LUÔN YÊU THƯƠNG ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG BÀO

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi (1975), đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiều năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí được giao kiêm nhiệm nhiều công việc: Phụ trách ngành Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; phụ trách công tác thi đua - khen thưởng của Trung ương; giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh xây dựng một số luật và pháp lệnh về quản lý kinh tế - xã hội; phụ trách việc vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, trang thiết bị cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta... Song, ở đâu và trong bất kỳ thời điểm nào, đồng chí cũng luôn kiên cường, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Một trong những cống hiến của đồng chí Lê Thanh Nghị là góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong các lần đi đàm phán viện trợ, bằng tinh thần đoàn kết, nhất là với tính cách hiền hòa, đôn hậu, đồng chí luôn nhận được tình cảm của bạn bè quốc tế. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Chính phủ giao dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em để Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước bạn hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Là một cán bộ lãnh đạo, đồng chí không chỉ chú trọng nghiên cứu lý luận, trăn trở về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đặc thù của Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm vấn đề tổng kết xây dựng kinh tế, đặc biệt là ngành Công nghiệp của đất nước. Trước những tình huống khó khăn, phức tạp của thực tiễn, đồng chí luôn hướng về cơ sở, theo sát thực tế để nghiên cứu, hình thành tư tưởng chỉ đạo và mạnh dạn quyết đoán những chủ trương lớn, biện pháp phù hợp để chuyển khó khăn thành thắng lợi. Đặc biệt, đồng chí có đóng góp quan trọng trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm sản xuất, chiến đấu của cả nước, giữ vững huyết mạch kinh tế của đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước suốt 25 năm (1956 - 1980).

Đồng chí luôn ủng hộ tư tưởng đổi mới trong kinh tế như khoán sản phẩm, đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp và với tư cách là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã trực tiếp ký Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (Chỉ thị 100). Đồng thời, chủ trì nghiên cứu, chuyển hướng xây dựng và phát triển công nghiệp trong thời chiến, phát triển công nghiệp địa phương gắn với phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng luôn ủng hộ các hướng nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Châm cứu Trung ương... Đồng chí là người trực tiếp điều hành “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” - B.29 - một “kênh tài chính” đặc biệt chỉ để chuyển tiền cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí là “Ủy viên Bộ Chính trị có trách nhiệm thường trực “đáp ứng các yêu cầu đột xuất - gọi là đột xuất nhưng liên tiếp, từng giờ, từng ngày, thường xuyên, cả về đêm khuya - tại nhà riêng khi có việc khẩn cấp, khi có yêu cầu của quân đội, của miền Nam”[2], góp phần trọng yếu trong việc bảo đảm chi viện cho miền Nam cả về vật chất và tài chính.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác thi đua - khen thưởng Trung ương, đồng chí Lê Thanh Nghị không chỉ xác định trước hết mình phải là tấm gương thi đua yêu nước để động viên, thuyết phục những người khác tham gia và đã gương mẫu thực hiện tốt điều đó mà còn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; nhất là tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng thường xuyên về cơ sở nắm bắt thực tiễn phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các ngành, để từ kinh nghiệm thực tiễn kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ trương đúng đắn về phong trào thi đua yêu nước. Theo ý kiến đề nghị của đồng chí, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (1961), Đại hội tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc (1963), Đại hội thi đua đạt ba điểm cao (năng suất tốt, chất lượng cao, tiết kiệm nhiều) toàn miền Bắc (1965), Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (1965)... Từ trong phong trào thi đua yêu nước những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiều tập thể, cá nhân anh hùng được tôn vinh, có sức lan tỏa lớn trong xã hội như: Bắc Lý trong ngành giáo dục, Duyên Hải trong ngành công nghiệp, Đại Phong trong ngành nông nghiệp, Ba Nhất trong quân đội, Vân Đình trong ngành y tế, Ba cải tiến trong cơ quan hành chính sự nghiệp, Ba đảm đang trong phụ nữ, Ba sẵn sàng trong thanh niên, Ba điểm cao cho mọi ngành...

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác từ khi còn hoạt động bí mật cho đến khi trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ở đâu và khi nào đồng chí Lê Thanh Nghị cũng là một tấm gương về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng và phong cách lãnh đạo gần dân. Từ đồng chí Lê Thanh Nghị, cấp trên, đồng chí, đồng bào đều nhận thấy đó là một con người có khuôn mặt đôn hậu, lối sống bình dị, tính cách trầm tĩnh và chân thành - chịu khó tìm tòi, học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ, học vấn để trở thành một cán bộ chiến lược vững vàng; đồng thời, luôn tìm hiểu, lắng nghe, suy nghĩ để đưa ra những ý kiến, suy nghĩ của riêng mình cụ thể và thiết thực, được đồng chí, quần chúng, bạn bè yêu mến và tin tưởng.

Suốt cuộc đời mình, không chỉ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; hiên ngang, anh dũng trước kẻ thù, đồng chí Lê Thanh Nghị còn là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, yêu thương bạn bè, bao dung, độ lượng với anh em, cán bộ cấp dưới và gần gũi đồng bào, đồng chí. Thời gian đã lùi xa, song không hề làm nhạt đi mà còn tô đậm thêm hình ảnh một người cán bộ lãnh đạo trọn đời gắn bó với cách mạng, tận tâm, tận sức phụng sự Đảng và nhân dân.

Đó là cuộc đời của một người chiến sĩ cách mạng - cuộc đời chiến đấu cách mạng từng vào tù, từng trải qua các thời kỳ cách mạng, không ngừng nghỉ hoạt động cách mạng, cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, cho dân tộc. Đồng chí Lê Thanh Nghị đã đi xa, nhưng hình ảnh của đồng chí, tinh thần của đồng chí luôn luôn sống trong tâm trí những người cán bộ cách mạng hoạt động cùng thời, trong cả những ngày tháng gian lao và vinh quang của nhân dân, của Đảng.

Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, liêm khiết, chính trực. Mặc dù nắm giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, song đồng chí “không lợi dụng để làm lợi cho bản thân và gia đình” đúng như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Vô cùng thương Anh - một người cách mạng đức độ, kiên trinh của giai cấp công nhân”[3].

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ khẳng định đồng chí Lê Thanh Nghị là một cán bộ “lãnh đạo mẫu mực của Đảng, cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp của Đảng. Đồng chí Lê Thanh Nghị mãi mãi là tấm gương sáng trong Đảng”[4].

Nguyên Thường trực Ban Bí thư, Tổng biên tập báo Nhân Dân Hoàng Tùng xúc động ghi những dòng chữ: “Tôi đã cố gắng noi gương Anh, làm một người cộng sản, trung thành, tận tụy. Những cống hiến quý báu của Anh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân mãi mãi tồn tại trong sự nghiệp chung của Đảng Cộng sản Việt Nam”[5].

Đồng chí Hà Huy Giáp, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã viết về đồng chí Lê Thanh Nghị: “Những ngày ở tù Côn Đảo, anh là một trong những người hiếm hoi và công nhân công nghiệp đi theo Đảng của Bác Hồ từ những ngày chuẩn bị thành lập Đảng. Anh rất gan dạ, góp phần giúp nhiều cho sự giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhà tù, thương nhớ anh, lại thương nhớ đến các anh Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Cừ... Anh là một tấm gương sáng cho đời nay và mai sau, đặc biệt là đối với thanh niên”[6].

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê, Phó Tư lệnh Quân khu I đã viết, đồng chí Lê Thanh Nghị là “người chiến sĩ cách mạng thuộc lớp tiền bối đã có công to lớn để góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi và đưa đất nước tiến lên. Chúng tôi là những người lớp sau trong những lần được công tác dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo của anh đã được anh động viên và dìu dắt cho trưởng thành rất nhiều, cho nên đời đời biết ơn anh và nhớ anh”[7].

Đồng chí Vũ Tuân, nguyên Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Tài chính đúc kết xúc động về đồng chí Lê Thanh Nghị - “người lãnh đạo kiên cường của Đảng, nhà nước, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người học trò trung thành và bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ, người đã có những cống hiến to lớn, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã cống hiến toàn bộ tài năng và sức lực của mình để phục vụ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vô cùng thương tiếc người anh kính mến và xin nguyện noi gương phẩm chất cách mạng và đạo đức sáng ngời của anh”[8].

(theo tuyengiao.vn)

[1] Tư liệu gia đình đồng chí Lê Thanh Nghị
[2] Lê Thanh Nghị: Trọn một cuộc đời, Hồi ký, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1991, t.2, tr.68
[3] - 
[8] Trích Sổ tang đồng chí Lê Thanh Nghị: Lễ tang cấp Nhà nước, ngày 19 và 20/8/1989 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.

  • Từ khóa