Thứ 2, 02/12/2024, 22:39[GMT+7]

Viết tiếp trang sử vàng truyền thống

Thứ 2, 15/03/2021 | 08:51:18
7,340 lượt xem
Ngày 15/7/1950, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tầm nhìn chiến lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức thành lập “Đội Thanh niên xung phong công tác” đầu tiên. Quyết định lịch sử đó đã khai sinh ra lực lượng thanh niên xung phong phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc và đào tạo cán bộ vừa hồng vừa chuyên theo tư tưởng “Trường học lớn - TNXP” của Người.

Đại đội 932, Đội 81, TNXP tỉnh Thái Bình trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Ngày 28/3/1951, trong chuyến công tác, Bác Hồ đến thăm Liên phân đội TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi, động viên, căn dặn và tặng TNXP bốn câu thơ:

“Không có việc gì khó

 Chỉ sợ lòng không bền

 Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Bốn câu thơ Bác Hồ tặng TNXP từ ngày đó đến nay mãi mãi là chân lý, là phương châm sống, cống hiến, rèn luyện của tuổi trẻ Việt Nam, là niềm tự hào của các thế hệ TNXP Việt Nam. Bốn câu thơ Bác Hồ tặng TNXP đã trải qua các thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc, có sức sống trường tồn, lan tỏa cho toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua 70 năm rèn luyện, cống hiến theo lời dạy của Bác Hồ, các thế hệ TNXP Việt Nam đã nối tiếp nhau “chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, lập công xuất sắc”, viết nên những trang sử truyền thống hào hùng, để lại những bài học quý báu cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau; xứng đáng là “biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu”.

Được sinh ra trên quê hương Thái Bình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó…”, ngay từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, từ trong căn cứ du kích, 180 đoàn viên, thanh niên cứu quốc - đơn vị TNXP đầu tiên của tỉnh Thái Bình đã vượt suối, băng đèo lên chiến khu Việt Bắc với ý chí “gan không núng, chí không mòn”, làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, thu dọn chiến trường…, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tiếp nối truyền thống Điện Biên, trên 6.000 đoàn viên, thanh niên Thái Bình được rèn luyện trong “Trường học lớn - TNXP” đã có mặt ở những nơi gian khổ nhất, lao động quên mình để làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, với tinh thần “Bắt núi cúi đầu” mở đường chiến lược 12B Hòa Bình, xây dựng công trình thanh niên đại thủy nông Nậm Rốm (Điện Biên) và lò cao khu gang thép Thái Nguyên… là những dấu ấn không phai mờ của phong trào “xung phong tình nguyện, vượt mức kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội” (1961 - 1965).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ phong trào “Ba sẵn sàng”, lớp lớp thanh niên “quê lúa, đất nghề” lại ra trận với tinh thần “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trên 30.000 TNXP Thái Bình tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại với những chiến công đẫm máu hy sinh ở những cung đường: 10, 12, 15, 20 - Quyết thắng, ở những trọng điểm: Cổng Trời, bến phà Long Đại (Quảng Bình), ga Gôi (Nam Định), cầu Hàm Rồng, núi Nhồi (Thanh Hóa)... Ở hậu phương - ngay trên mảnh đất quê hương, Tổng đội TNXP Thái Bình ra đời đã thể hiện rõ vai trò đội quân xung kích của thanh niên, hàng nghìn TNXP đã ngày đêm thường trực canh giữ, sửa chữa những tuyến đê trọng yếu ven sông Trà, sông Luộc, sông Hồng, bảo vệ công trình đại thủy nông: cống Trà Linh, cống Lân..., góp công dệt nên mùa vàng - bài ca 5 tấn và kiêu hãnh gửi ra tiền tuyến, đóng góp to lớn sức người, sức của vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, với ý chí quyết tâm “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Tổ quốc đẹp giàu, đâu cũng là quê hương”, trên 22.000 lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới vào các tỉnh phía Nam, đã có hàng nghìn thanh niên Thái Bình tình nguyện gia nhập các đội TNXP tập trung làm nhiệm vụ xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng kinh tế mới, phục vụ chiến đấu, chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trải qua các thời kỳ cách mạng vẻ vang của  dân tộc, 500 TNXP đã anh dũng hy sinh, trên 3.000 người bị thương tật và nhiễm chất độc hóa học..., hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ TNXP Thái Bình được tặng thưởng huân chương, huy chương, được kết nạp vào Đảng, bổ sung lực lượng cho quân đội, đi học tập, đào tạo trở thành sĩ quan quân đội, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, doanh nhân tiêu biểu... của các ngành ở trung ương và địa phương.  Do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho: Lực lượng TNXP tỉnh Thái Bình - năm 2018; Tiểu đội xung kích Đại đội 873 - Đội 87 - năm 2010; Đại đội 895 - Đội 89 và liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi - năm 2013; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Cựu TNXP công trường 12B Hòa Bình - Vũ Tiến Đề và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới  Hoàng Thị Nhâm - cựu TNXP thuộc Tổng đội Lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới (1976 - 1980)  Đắk Lắk.

Phát huy truyền thống anh hùng, ngày nay, toàn thể cán bộ, hội viên Hội cựu TNXP tỉnh Thái Bình với tinh thần “Tuổi trẻ xông pha, tuổi già gương mẫu, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Đoàn kết, tâm huyết, xây dựng hội vững mạnh -  vì nghĩa tình đồng đội, tiếp tục rèn luyện, giữ gìn và phát huy phẩm chất TNXP - phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, sống trọn nghĩa với nước non, vẹn tình với đồng đội, nêu gương cùng con cháu góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặng Văn Bộ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa