Thứ 3, 03/12/2024, 00:57[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa X (1997 - 2002)

Thứ 4, 14/04/2021 | 08:50:29
5,461 lượt xem
Quốc hội khóa X là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quốc hội khóa X có trọng trách tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh và Chiến lược của Đảng; cụ thể hóa đường lối, chính sách mà Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX đã đề ra.

Cử tri dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình) tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, tháng 7/1997.

Ngày 20/7/1997, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu 450 đại biểu Quốc hội khóa X. Cơ cấu, thành phần gồm: phụ nữ 26,2%, dân tộc thiểu số 17,33%, đại biểu khóa IX tái cử 27,34%, ngoài Đảng 15%, tuổi trẻ 18,6%, các lực lượng vũ trang nhân dân 12,2%, MTTQ và các tổ chức đoàn thể 14%, tôn giáo 0,17%, giáo dục 4,88%, y tế 4%, công nghiệp 4,66%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 3,77%.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Đức Lương làm Chủ tịch nước. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội thay đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quốc hội cũng đã bầu Hội đồng Dân tộc, Hội đồng Quốc phòng và An ninh và 7 ủy ban của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ, qua 11 kỳ họp và 50 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành 32 bộ luật và luật, 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ mười Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế. Trong đó, chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới...

Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa X ngày càng chú trọng và chủ động trong việc xem xét, quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết về kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) và thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm tiếp theo (2001 - 2005); thông qua nghị quyết về tiêu chuẩn các công trình trọng điểm quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thảo luận và quyết định thực hiện các dự án quan trọng: Dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, dự án khí - điện - đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Sơn La...

Hoạt động giám sát tại các kỳ họp của Quốc hội được đổi mới. Nội dung giám sát ngày càng phong phú, được thảo luận dân chủ hơn. Thời gian dành cho việc xem xét các báo cáo cũng được bố trí thỏa đáng hơn. Các phiên chất vấn đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tập trung giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, ngân sách nhà nước, về dân tộc, miền núi...

Trong nhiệm kỳ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương như: Liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hiệp hội các nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP)...

Quốc hội khóa X, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 10 đại biểu. Kế thừa, phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định. Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng như các đại biểu Quốc hội cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm cuối thế kỷ XX.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)