Thứ 3, 16/04/2024, 18:55[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa XI (2002 - 2007)

Thứ 5, 15/04/2021 | 08:14:11
4,597 lượt xem
Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19/5/2002 với 498 đại biểu. Cơ cấu, thành phần của Quốc hội khóa XI gồm: trung ương 30,92%, địa phương 69,08%, dân tộc thiểu số 17,27%, phụ nữ 27,31%, đại biểu khóa X tái cử 27,11%, đại biểu tự ứng cử 0,4%, đại biểu trẻ tuổi 11,24%, đại biểu có trình độ đại học và trên đại học 93,37%, đại biểu thuộc khối doanh nghiệp 5,02%, tôn giáo 1,40%.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI bầu và phê chuẩn các chức danh quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 13 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn An làm Chủ tịch. Quốc hội thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại. Quốc hội cũng thành lập 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc gồm: Ban Công tác lập pháp, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện. Trong nhiệm kỳ này, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên đáng kể với 120/498 đại biểu.

Quốc hội khóa XI đã trải qua 11 kỳ họp, 50 phiên họp định kỳ. Với những đổi mới quan trọng về quy trình lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Nội dung các vấn đề được quy định trong các đạo luật đã cơ bản bao quát các lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến tổ chức bộ máy nhà nước, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, Quốc hội đã dành thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật về kinh tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XI tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Kết quả nổi bật là hoạt động đối ngoại đã củng cố, phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu, nghị viện nhiều nước thuộc liên minh châu Âu, đưa các mối quan hệ này đi vào thực chất, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu; khai thông và phát triển quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Phi và các nước Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Nhà nước ta; củng cố và từng bước đẩy mạnh quan hệ truyền thống với các nước Trung, Đông Âu.

Quốc hội khóa XI, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 10 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu chuyên trách. Các đại biểu đã làm tốt vai trò người đại biểu dân cử, góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng pháp luật, động viên xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giám sát và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong nhiệm kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tổ chức tiếp xúc cử tri 20 lần với 166 cuộc ở 902 lượt xã, phường, thị trấn, thôn, cơ quan với trên 21.300 cử tri; đã tiếp thu, tổng hợp 916 ý kiến, kiến nghị; đã có 20 bộ, ngành, cơ quan với 87 công văn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong các kỳ họp Quốc hội, Đoàn đã có 241 ý kiến phát biểu tại hội trường, 160 ý kiến phát biểu tại tổ, đóng góp xứng đáng vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)