Thứ 5, 28/03/2024, 16:55[GMT+7]

Kỷ niệm 151 năm ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/2021) Tấm gương đạo đức vĩ đại, cao đẹp

Thứ 5, 22/04/2021 | 08:11:38
9,291 lượt xem
Vlađimia Ilich Lênin (1870-1924) - lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. V.I. Lênin không chỉ để lại những di sản về lý luận, thực tiễn cách mạng sâu sắc, mà còn là tấm gương đạo đức vĩ đại, cao đẹp. Tìm hiểu sự quan tâm của V.I.Lênin về vấn đề đạo đức cách mạng, càng thấy rõ việc Đảng ta coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đúng đắn, cần thiết.

“Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. V.I.Lênin.

1. Gắn với đảng cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng. Theo Lênin, đảng cầm quyền phải tuyệt đối chống chủ nghĩa quan liêu. Bởi vì, khi nắm được chính quyền, những người cộng sản nếu không cảnh giác, tự giáo dục, rèn luyện, dễ trở thành những tên quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu có thể dẫn các đảng cộng sản cầm quyền đến chỗ đánh mất chính quyền, đi vào con đường tiêu vong.

Lênin nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công việc. Đồng thời, phải gây nên một cuộc vận động đạo đức trong quần chúng gớm ghét, bao vây, ngăn ngừa bọn tham ô, làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo - không sống được. Lênin cũng chỉ rõ sức mạnh của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở tính tối ưu, tối thượng của pháp luật.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Lênin là một tấm gương sáng không chỉ ở thiên tài trí tuệ, mà chính là coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Lênin là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất.

Là lãnh tụ của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Người dạy mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên “Tu thân, chính tâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết, không dính líu gì với vòng danh lợi.

2. Công cuộc đổi mới đi được chặng đường 35 năm với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn tới những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ, phải phòng và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó đặt lên hàng đầu là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ở vị trí thứ ba sau chính trị, tư tưởng và gắn bó chặt chẽ với chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

Đảng chỉ rõ phải kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khi đề cập công tác cán bộ phải thực sự là “Then chốt của then chốt”, Đảng đặt lên hàng đầu yếu tố phẩm chất cùng với năng lực, uy tín trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Trên thực tế, cán bộ có nêu gương thì mới có uy tín, có đạo đức thì năng lực mới được phát huy, phục vụ tốt nhân dân. 

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, trong đó tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. 

Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta chỉ rõ phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn. 

Suy thoái về phẩm chất đạo đức của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là trở lực lớn trên con đường thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta. Vì vậy, cùng với tăng trưởng kinh tế, phải tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị về đạo đức. Đây không chỉ là việc làm nhân kỷ niệm 151 năm Ngày sinh V.I. Lênin mà phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, suốt cả công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo: hanoimoi.com.vn