Thứ 3, 03/12/2024, 00:32[GMT+7]

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) Sự kiên định của Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam

Thứ 7, 05/06/2021 | 06:53:45
5,113 lượt xem
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Việt Nam chiến đấu hết sức anh dũng chống quân xâm lược. Triều đình phong kiến đã tổ chức kháng chiến, nhưng vì lợi ích giai cấp cho nên đã phải từng bước nhượng bộ, cầu hòa và cuối cùng là đầu hàng quân xâm lược. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.

Bác Hồ về thăm Đền Hùng và nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Giếng (Ảnh tư liệu).

Sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có những thay đổi lớn. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trùm lên phương thức sản xuất phong kiến lỗi thời, làm xuất hiện các giai cấp mới và phân hóa các giai cấp cũ. Kết cấu giai cấp - xã hội mới ở Việt Nam làm cho mâu thuẫn xã hội phức tạp và ngày càng sâu sắc hơn. Người Việt Nam chịu hai, ba tròng áp bức. 

Nhận thức đúng thực tiễn của đất nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm thấy rõ yêu cầu của dân tộc đầu thế kỷ XX. Theo Người, công cuộc giải phóng ở Việt Nam không chỉ là giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức thống trị của ngoại bang mà còn giải phóng người lao động khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Ðây chính là mục tiêu hành động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhận thức và hành động đúng đắn nêu trên đã làm nên sự khác biệt giữa Người với các sĩ phu yêu nước tiền bối.

Nhằm thực hiện mục tiêu cách mạng nêu trên, với ý chí, nghị lực phi thường, khát vọng lớn lao, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quyết định rời Tổ quốc ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước. Nói về mục đích ra nước ngoài của mình, Người nhớ lại khi trả lời một nhà báo Nga: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Ðối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy" (1).

Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), lấy tên là Văn Ba, Người rời Tổ quốc ra nước ngoài với mong muốn tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân đân khỏi mọi sự áp bức bóc lột. Trong thời gian từ năm từ 1911 đến 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục. Người vừa phải tìm việc làm để kiếm sống, vừa tự học tập và tham gia hoạt động yêu nước ở nước ngoài. Ðây cũng là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc dành nhiều thời gian, tâm trí khảo sát cuộc sống của nhân dân các dân tộc bị áp bức và nghiên cứu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới. Ở đâu Người cũng quan sát, so sánh, nhận xét, đi sâu tìm hiểu thực chất, không dừng lại ở hình thức bên ngoài. Vì thế, điều mà nhiều người yêu nước Việt Nam lúc đó không phát hiện được thì Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra: Ở đâu trên thế giới cũng có kẻ giàu, người nghèo, cũng có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, bị áp bức. Ở các nước chính quốc hay các nước thuộc địa vẫn có những người Pháp, người Mỹ tốt và cũng có những người Pháp, người Mỹ không tốt; cũng có người da trắng áp bức, bóc lột và những người da trắng bị áp bức, bóc lột. Sau một thời gian sống và hoạt động ở nước ngoài, chứng kiến cuộc sống của nhân dân lao động ở nhiều nước trên nhiều châu lục, Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận quan trọng: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản" (2).

Nghiên cứu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy ở cách mạng Mỹ có một số giá trị tích cực, nhưng vẫn nhận xét đó là cuộc cách mạng "không đến nơi", không triệt để vì đã không giải phóng cho nhân dân lao động khỏi sự áp bức bóc lột. Nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Người tìm thấy được một số giá trị tích cực, nhưng cũng phê phán tính chất nửa vời, không triệt để của nó. Người viết: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy" (3).

Nghiên cứu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở cuộc cách mạng vĩ đại này mô hình của con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam. Người viết: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin"(4). Người tìm thấy ở cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga hình mẫu cho cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Mô hình cách mạng đó không chỉ đáp ứng yêu cầu giải phóng dân tộc mà còn đáp ứng yêu cầu giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức bóc lột. Theo Người đó chính là điểm ưu việt của cách mạng Nga so với các cuộc cách mạng tư sản.

Tháng 7-1920, sau khi đọc đi, đọc lại nhiều lần Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã khẳng định: "Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"(5). Luận cương đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc cơ sở lý luận quan trọng cho những kết luận mà Người rút ra từ khảo sát thực tiễn dân tộc cũng như thực tiễn thế giới về con đường giải phóng và phát triển dân tộc.

Tháng 12-1920, Người tham gia Ðại hội lần thứ XVIII Ðảng Xã hội Pháp. Tại đây Người đã tích cực tham gia tranh luận về việc Ðảng xã hội Pháp ủng hộ Quốc tế thứ II hay Quốc tế thứ III và biểu quyết tán thành đứng về Quốc tế III. Ngày 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng với các đảng viên cánh tả trong Ðảng Xã hội Pháp tổ chức Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Pháp. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước thành người cộng sản.

Từ 1920 đến tháng 2-1930 là thời kỳ hết sức quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ðây là thời kỳ hoạt động thực tiễn và lý luận cực kỳ sôi nổi và phong phú của Người để hình thành những vấn đề lý luận nhằm hiện thực hóa con đường cứu nước mà Người đã lựa chọn: chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Ðầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Người trực tiếp soạn thảo các văn kiện của Hội nghị: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình và Ðiều lệ vắn tắt của Ðảng. Các văn kiện này, cùng với hai tác phẩm Người hoàn thành và xuất bản trước đó là Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Ðường Kách mệnh (1927), đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Ðó là: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (6).

Con đường giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn và được khẳng định tại Hội nghị thành lập Ðảng là con đường duy nhất đúng đắn. Nó không chỉ đáp ứng các yêu cầu của dân tộc là đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi sự áp bức bóc lột mà còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm 30 của thế kỷ XX còn có những nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và con đường cứu nước mà Người đã lựa chọn. Mặc dù vậy, trong thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia các hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ đạo cách mạng Việt Nam, kiên định quan điểm của mình. Những diễn biến của thực tiễn những năm đó đã phản ánh quy luật của cách mạng Việt Nam, sự kiên định và niềm tin tưởng tuyệt đối của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động do Người và Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn: Ðộc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.

Ðầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng nhằm hiện thực hóa những mục tiêu cách mạng mà Người và Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra trong Cương lĩnh đầu tiên của Ðảng. Tháng 5-1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám. Hội nghị đã thảo luận tình hình trong nước, thế giới và quyết định nhiều vấn đề quan trọng: Ðặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết; tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng điền địa; xóa bỏ vấn đề Liên bang Ðông Dương; lập ra mặt trận Việt Minh, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở công nông liên minh.

Thực hiện các quyết sách quan trọng nêu trên, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập dân tộc. Ðây là thắng lợi đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định sự đúng đắn của con đường cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn.

Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước đưa cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Ðảng, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử: Ðất nước từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức; thế và lực của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; nền độc lập dân tộc được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Một trong những nhân tố làm nên những thành tựu nêu trên chính là sự kiên định của toàn Ðảng, toàn dân trong quá trình thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn: Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI, với những thành tựu vĩ đại mà cách mạng Việt Nam đã đạt được một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và kiên định lãnh đạo cả dân tộc thực hiện. Ðó không chỉ là con đường giải phóng dân tộc mà còn hướng tới giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Con đường đó không chỉ đáp ứng với yêu cầu của dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế vận động và phát triển của nhân loại tiến bộ.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 1, tr.461.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.287.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.296.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.304.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.562.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.1.


TS, Giảng viên cao cấp Ðặng Văn Thái (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Theo: nhandan.com.vn