Thứ 6, 10/01/2025, 04:00[GMT+7]

Những lần xa cách

Chủ nhật, 08/08/2021 | 17:50:49
2,711 lượt xem
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Ðạo (8/8/1921 - 8/8/2021), Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyệt Tú, cán bộ lão thành, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, phu nhân Chủ tịch Lê Quang Ðạo.

Ðồng chí Lê Quang Ðạo (thứ hai, từ trái sang) tại chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh năm 1968.

Tôi và anh Lê Quang Ðạo quen nhau năm 1946, khi anh làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và tôi là cán bộ mật mã ở Ủy ban Kháng chiến Hà Nội.

Ðã hơn 70 năm từ lúc khởi đầu một mái nhà tranh và hơn 20 năm từ ngày anh Ðạo, người chồng - người cha của gia đình đã ra đi. Với gia đình nhỏ của tôi, có ba khoảng thời gian không thể quên, khi vợ chồng con cái xa nhau hàng năm. Lần đầu tiên là hai năm 1949 - 1950 trong kháng chiến chống Pháp. Lần thứ hai là thời bình, ba năm 1961 - 1963. Lần thứ ba là thời chiến, những năm 1967 - 1972.

Ðầu năm 1950, anh Ðạo ở chiến khu, là Phó Ban Tuyên truyền Trung ương, phụ trách báo Sự Thật. Tôi ở vùng tự do Hà Tĩnh, cháu gái đầu mới sinh giữa năm 1949. Thư anh gửi ngày 23/4/1950 có đoạn: "...Tối qua anh nhận được thư, ảnh của mẹ con. Úi chà! Thú quá. Anh đọc đi đọc lại, ngắm con rồi nhìn mẹ... Em vừa đi học, vừa nuôi con lại vừa công tác nhưng anh vẫn cứ ngờ là như vậy thì em giữ gìn sức khỏe sao được?".

Cuối năm 1950 anh Ðạo vào quân đội, Bác Hồ ký sắc lệnh bổ nhiệm anh làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị và sau đó, năm 1955, làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Trong ba năm tôi học trường Ðảng cao cấp tại Liên Xô, một mình anh ở Việt Nam nuôi dạy các con. Anh nhắc mỗi con viết thư đều, kể rõ sức khỏe, kết quả học tập và hạnh kiểm... để mẹ yên tâm học. Dù 60 năm đã qua đi, các con tôi vẫn nhớ mỗi tối cuối tuần bố đưa đi gửi thư cho mẹ, mua sách và ăn kem ở Bờ Hồ. Học ở trường Ðảng tôi phải đánh vật với sách triết học. Khi đó tôi hiểu khó khăn của anh khi theo lớp ở Học viện Quân sự cao cấp Voroshilov ở Liên Xô những năm 1960 - 1961.

Khi tôi tốt nghiệp về nước thì bắt đầu chiến tranh phá hoại ở miền bắc. Các con đi sơ tán. Tôi làm phóng viên Báo Nhân Dân, hay đi công tác các tỉnh. Sau giờ làm việc, anh Ðạo đeo ba-lô gạch tập quanh nhà 28D Ðiện Biên Phủ, chuẩn bị đi chiến trường. Tối khuya, theo kế hoạch đọc sách dài hạn anh lại ngồi cần mẫn bên bàn. Anh Ðạo bị viễn thị bẩm sinh, mắt kém nhưng rất chăm đọc. Anh tự mình viết tài liệu, rất chu đáo viết thư đều cho vợ con và mọi người hai bên nội ngoại. Mỗi lần nhắm mắt nghĩ về anh, tôi lại thấy dáng người nhỏ nhắn với cặp kính dầy, cặm cụi ngồi viết, đọc, khi tôi đã đi nằm trước. Anh ghi chép rất cẩn thận, đọc thư các con cũng gạch lề, đánh dấu đã trả lời. Hồi tôi về làm dâu, cụ thân sinh anh Ðạo dẫn vào ngôi nhà ở Ðình Bảng, Bắc Ninh, nơi anh lớn lên. Trong nhà treo ba bức hoành phi răn dạy con cháu sống thanh tao, kỷ cương và hiếu học.

Cuối 1967, Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Lê Quang Ðạo và Tư lệnh Trần Quý Hai nhận nhiệm vụ mở chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh, đòn nghi binh chiến lược, thu hút và tiêu hao lực lượng chủ lực địch cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên toàn miền nam. Lần đó vị trí bộ chỉ huy chiến dịch bị B52 rải thảm. Bom ném vỡ núi đá. Bị đá lấp, cả tiểu đội nữ thông tin trong hang hy sinh. Hai đồng chí bảo vệ Hóa và Oánh nằm che cho anh Ðạo bị đá đập vỡ bụng. Bác sĩ Trung kể lại: "Ðể xua tan không khí lo âu, anh Ðạo đã kể chuyện vui. Chuyện vừa dứt thì tiếng cười bật lên... Ðến địa điểm mới cả đoàn không có gì ăn, chỉ còn bát thính rang từ cơm nguội. Bát thính được chia làm 13 phần, mỗi phần chỉ vài trăm hạt, cho một lần vào miệng lọt thỏm. Cầm phần thính anh Ðạo chỉ nhận phân nửa, còn phân nửa anh đưa tới một đồng chí vừa dứt cơn sốt rét, vì anh biết rằng sau cơn sốt rét cái đói và cái khát càng ghê gớm hơn".

Thư ngày 8/4/1968 anh gửi các con trai có đoạn: "...cũng như cơ thể con người muốn khỏe mạnh, rắn chắc là phải luôn luôn rèn luyện, ăn uống đủ và phải không ngừng chống lại mọi bệnh tật. Cho nên con phải luôn luôn nhớ là không bao giờ được lùi bước trước bất cứ một sự khó khăn, vấp váp nào và cũng không bao giờ được thỏa mãn trước bất cứ một sự tiến bộ, thành đạt nào...". Ngày 20/4/1968 anh viết thư gửi tôi: "Ði đường toàn là đèo, dốc và suối. Dốc không thể tưởng tượng được, hồi ở Việt Bắc không ăn thua gì. Ấy thế mà mình cũng theo được kịp anh em đấy".

Mùa thu 1968, chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh kết thúc, anh Ðạo ra Hà Nội. Mấy hôm sau Bác Hồ gọi anh lên gặp và giữ lại ăn cơm với Người. Nghỉ mươi ngày, anh Ðạo quay lại Quân khu IV làm Chính ủy; Thiếu tướng Nguyễn Ðôn làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 500, với nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa và người cho Bộ Tư lệnh 559. Lúc này từ vĩ tuyến 21 trở ra bom đã ngừng rơi, địch tập trung bom đạn vào vùng Bộ Tư lệnh 500. Tắc đường, xe chở xăng không đi được. Tư lệnh 559 Ðồng Sĩ Nguyên kể lại: "Hồi đó Bộ Tư lệnh 500 có sáng kiến vừa sửa đường vừa cho người cõng từng thùng phuy nhỏ, ba lô lót nilon đựng xăng, đi bộ để tải xăng cho 559. Dù không đáp ứng được nhu cầu nhưng giá trị về quyết tâm thì rất cao và tạo nên sự động viên mạnh mẽ cho 559. Anh Ðạo điện nói chuyện dài với tôi. Anh nói nhẹ nhàng nhưng rất thuyết phục: trước mắt phải gùi thồ xăng dầu sang cho 559". Gần hai năm lãnh đạo chiến đấu căng thẳng liên tục, giữa năm 1969 anh bị cơn đau tim đột ngột khi lội suối đi công tác, phải cấp cứu gấp ra miền bắc.

Ðầu 1971 địch mở Chiến dịch Lam Sơn 719 đánh vào Nam Lào, âm mưu cắt đứt đường vận chuyển từ miền bắc. Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào, anh Lê Quang Ðạo là Chính ủy, anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh. Thư anh gửi con gái ngày 8/2/1971 viết: "À có một điều bố nhắc con là bây giờ bố mới biết hồi bà ngoại mất, con có ở với bà dì mấy tháng được bà dì săn sóc. Con nên có thư thăm hỏi bà dì...". Chiến dịch thắng lợi lớn, đập tan âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của địch.

Ðầu năm 1972 anh Ðạo và anh Tấn lại nhận nhiệm vụ Chính ủy và Tư lệnh, lên đường đi chiến dịch Trị - Thiên. Ðây là chiến dịch ác liệt nhất, anh đi gần một năm. Ở chiến trường anh viết thư về nhà, thăm hỏi và dặn dò tỉ mỉ. Góp ý về chuyện viết văn của tôi, thư đề ngày 3/4/1972 có đoạn: "Trong công tác không phải bao giờ cũng có thể chủ động theo ý mình được. Ðiều quan trọng là khéo thu xếp, biết tranh thủ... để vừa làm tốt nhiệm vụ đồng thời vừa làm những việc khác theo ý muốn của mình. Về sức khỏe, chú ý lúc bình thường đừng chủ quan, lúc đau, yếu gì thì bình tĩnh, chớ nên lo lắng quá...".

Anh Ðạo là con thứ năm nhưng các anh chị đều mất từ rất nhỏ. Khi có mang anh, bà cụ kiêng khem rất kỹ. Anh có lần bị ngất tại chỗ khi đang ở Sở chỉ huy chiến dịch Quảng Trị 1972, thời gian quân ta bảo vệ Thành cổ bị thương vong lớn dưới mưa bom B52. Một lần nữa anh Ðạo bị ngất khi đang tập trung viết bài cho Hội nghị Trung ương lần thứ 21 cuối 1973. Tại Hội nghị, anh Ðạo đã đọc bài phát biểu trong hơn 20 phút, nhận xét thẳng thắn những thành công và nhất là những sai sót trong 20 năm chiến tranh (1954 - 1973). Sau Hội nghị này quân đội ta đã thành lập đồng bộ các quân đoàn chủ lực lớn, lực lượng quyết định thắng lợi của Tổng tiến công Mùa xuân 1975.

Sau khi anh Lê Quang Ðạo ra đi, nhà văn Hữu Mai đã viết cuốn sách ("Người lữ hành lặng lẽ", Giải thưởng Hồ Chí Minh 2017, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản tháng 7/2021) về cuộc đời anh. Sau này nhà văn kể lại: "Có người biết chuyện, nói với tôi là ông Ðạo "tròn" thế sao viết hay được! Năm 1948 tôi học lớp đầu tiên về nghề viết báo, anh là giảng viên về công tác tuyên truyền. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, anh Ðạo là Chính ủy Sư đoàn 308, khi tôi phụ trách báo Quân Tiên phong của Sư đoàn. Nhưng chỉ đến khi tiếp cận các tài liệu để viết sách, tôi mới thật sự hiểu về sự nghiệp và con người Anh".

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa