Chủ nhật, 19/05/2024, 09:03[GMT+7]

Nguyễn Đức Cảnh - Một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng

Thứ 6, 01/02/2013 | 18:45:30
5,820 lượt xem
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú, kiên trung, bất khuất mãi in đậm trong lòng đồng bào, đồng chí quê hương Thái Bình.

Khu lăng mộ đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh tại Thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy).

Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Thân phụ Nguyễn Đức Cảnh là ông Nguyễn Đức Tiết (Cử Tiết), một nhà nho nghèo, năm 1888 thi đậu cử nhân. Vốn là người có tinh thần yêu nước, khẳng khái, bất bình trước sự ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn, ông từ chối không ra làm quan mà ở quê dạy học, góp phần mở mang dân trí. Vào thời gian này, cạnh làng Diêm Điền có ông Tạ Quang Hiện cũng từ quan về quê chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống Pháp. Ông Cử Tiết đã hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa. Là người hiếu học, có uy tín trong làng, ông Cử Tiết được Tạ Quang Hiện giao cho nhiệm vụ chiêu mộ quân sĩ trong vùng tham gia chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa do Tạ Quang Hiện lãnh đạo nổ ra rất mạnh mẽ, quyết liệt làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Do sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Ông Cử Tiết trở lại dạy học, học trò của ông rất đông và có nhiều người đỗ đạt.

Thân mẫu của Nguyễn Đức Cảnh là bà Trần Thị Thuỳ, người làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Theo gia phả thì họ Trần là một họ lớn ở Làng Cổ Am, có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Ông bà Cử Tiết sinh hạ được bốn người con: Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Đức Cảnh và Nguyễn Thị Thừa. Nguyễn Đức Cảnh là con thứ ba trong gia đình. Năm Nguyễn Đức Cảnh lên 7 tuổi, ông Cử Tiết qua đời, cuộc sống gia đình ngày càng sa sút, túng thiếu. Giữa lúc đó, một người bạn cũ của ông Cử Tiết là Nguyễn Đạo Quán, đang làm Tri phủ Thái Ninh, đến Diêm Điền, gặp bà Thuỳ xin được đem Nguyễn Đức Cảnh về nuôi. Bà Thuỳ rất thương con nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải bằng lòng để con đi.

Về ở với gia đình Nguyễn Đạo Quán, Nguyễn Đức Cảnh được đi học. Tuy còn ít tuổi, Nguyễn Đức Cảnh đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, chăm chỉ và có chí học hành, luôn dẫn đầu lớp, được thầy giáo và bạn bè quý mến, khâm phục. Khi Nguyễn Đạo Quán không làm tri phủ Thái Ninh, chuyển đi nơi khác, thì Trần Mỹ, một người bạn của ông Cử Tiết, người làng Cổ Am, làm Tuần phủ Thái Bình lại xin Nguyễn Đức Cảnh về nuôi. Nguyễn Đức Cảnh tiếp tục được đi học. Sau khi học xong tiểu học, Nguyễn Đức Cảnh được Trần Mỹ đưa sang học ở trường Thành Chung - Nam Định.

Vào cuối năm 1925, đầu năm 1926, trong nước dấy lên phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và phong trào để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Ở Nam Định, thực dân Pháp ra lệnh cấm không được tổ chức lễ truy điệu Cụ Phan. Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia vào Ban lãnh đạo bãi khoá. Đốc học Raun Misen đích thân dẫn cảnh binh và mật thám lùng bắt học sinh ở khắp các ngã phố. Nhân dân hăng hái ủng hộ học sinh đấu tranh, đem quà bánh, cơm nước đến tiếp tế, biểu thị sự đồng tình với việc làm của học sinh. Sau lễ truy điệu, nhiều học sinh ở trường Thành Chung bị đuổi học, trong đó có Nguyễn Đức Cảnh.

Cũng trong năm 1926, Thái Bình xảy ra lụt lớn. Đê Hà Lão - huyện Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà) bị vỡ, làm cho nhiều huyện bị ngập sâu trong nước, mùa màng mất trắng, nhân dân lâm vào tình trạng đói khổ. Thông cảm với tình cảnh khó khăn của người dân, Nguyễn Đức Cảnh đã cùng một số học sinh tổ chức diễn kịch lưu động ở thành phố Nam Định và thị xã Thái Bình, lấy tiền giúp đỡ đồng bào bị lụt... Hiểu rõ ý nghĩa của việc mình làm, cùng với khát khao đi tìm lý tưởng, cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội kiếm việc làm để tự nuôi sống mình và tìm tòi, học hỏi.

Lên Hà Nội kiếm sống, lúc đầu Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm tại Hiệu ảnh Hưng Ký, sau chuyển sang dạy học ở trường Công Ích. Học sinh trong trường phần lớn là con em nhà nghèo nên điều kiện học tập hết sức khó khăn. Anh rất thương yêu học trò của mình, say sưa giảng dạy cho các em những kiến thức toán học, những đạo lý làm người..., gieo vào lòng các em tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, căm ghét bọn thực dân, tay sai. Chính vì những bài giảng như vậy, thực dân Pháp buộc Nguyễn Đức Cảnh phải thôi dạy học.

Rời Trường Công Ích, Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm thợ phụ ở Xưởng in Lê Văn Tân, đi lại và kết bạn với nhóm thanh niên tập trung quanh Nam Đồng thư xã, một cơ sở sản xuất tiến bộ do hai anh em Phạm Tuấn Tài thành lập. Tại đây, đồng chí có dịp tiếp xúc với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài, Phó Đức Chính..., những người được coi là linh hồn của nhóm. Trong những buổi gặp mặt, Nguyễn Đức Cảnh được nghe và hiểu thêm về vấn đề mà mọi người bàn tới như: chủ nghĩa Tam Dân và đường lối cứu nước của Tôn Trung Sơn, về Găng đi, hai cụ Phan, về cách mạng quốc gia và cách mạng quốc tế... Tháng 9 - 1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng Lý Hồng Nhật xuất dương sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để vận động hợp tác chống Pháp. Tại đây, đồng chí được tham dự một khoá huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc chủ trương và Hồ Tùng Mậu trực tiếp phụ trách; được học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách có hệ thống, được trang bị vũ khí tư tưởng, chiến lược, sách lược của cách mạng vô sản... Qua khoá huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là phù hợp với yêu cầu và sự vận động của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh ly khai với nhóm Nam Đồng thư xã (lúc này đã phát triển thành Việt Nam Quốc dân Đảng) và xin gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Việc đầu tiên sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức phân công nhiệm vụ xây dựng một cơ quan ấn loát độc lập ở khu phố chợ Đuổi (nay là phố Tuệ Tĩnh - Hà Nội) để in những truyền đơn cách mạng và tài liệu huấn luyện chính trị. Tại đây, đồng chí miệt mài viết những tài liệu cách mạng bằng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu và ngày đêm in để phát về các tổ chức cơ sở làm tài liệu giác ngộ quần chúng.

Cuối năm 1928, đầu năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân phát triển mạnh mẽ, tình thế cách mạng lúc này đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi phải có một tổ chức cao hơn, đó là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số người khác trong “Thanh niên” đã kịp thời nhận thức được đòi hỏi khách quan của phong trào. Đầu tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D - phố Hàm Long (Hà Nội), chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập gồm 7 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau khi thành lập chi bộ Hàm Long, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng.

Với danh nghĩa Kỳ bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, ngày 28 tháng 3 năm 1929, chi bộ Hàm Long triệu tập Đại hội đại biểu toàn xứ Bắc kỳ. Trong đại hội này, các đại biểu tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản và cử 4 đại biểu dự Đại hội “Thanh niên’’ toàn quốc do Tổng bộ triệu tập. Các đồng chí trong đoàn đại biểu được giao nhiệm vụ đề xuất cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đại hội “Thanh niên” toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ chuẩn bị cho việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại ngôi nhà số 312 - phố Khâm Thiên (Hà Nội), các đồng chí trong chi bộ Hàm Long thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, ra Tuyên ngôn, xuất bản báo “Búa liềm” làm cơ quan tuyên truyền của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được thành lập do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên. Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng giới thiệu chủ nghĩa cộng sản và chuyên chính vô sản, phân tích cách mạng thế giới và đề ra đường lối cách mạng ở Đông Dương, đề ra chính sách của Đảng trong cách mạng dân chủ tư sản và xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng.

Từ cuối tháng 6 đến tháng 7 năm 1929, ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tuyển lựa những thanh niên tiên tiến nhất để kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8 năm 1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm ba đồng chí, do cấp trên chỉ định: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn là Ủy viên.

Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng, đặc biệt là của giai cấp công nhân; cổ vũ và đưa phong trào phát triển lên một bước mới trên diện rộng và chiều sâu, nhất là ở Bắc kỳ. Trong bối cảnh đó, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung kỳ cũng lần lượt được ra đời. Tuy nhiên, sự tồn tại và hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng và sức mạnh của phong trào cách mạng bị phân tán. Điều đó không phù hợp với lợi ích của cách mạng và nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, ngày 3 tháng 2 năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu đại diện cho Đông Dương cộng sản Đảng tham dự hội nghị.

Sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về nước thực hiện Nghị quyết Hội nghị thành lập Đảng, đã chuyển Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4 năm 1930) do đồng chí làm Bí thư.

Cuối năm 1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương cử vào bổ sung cho Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong giai đoạn đầy khó khăn. Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào ban Thường vụ Xứ uỷ Trung kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn. Trên cương vị mới, đồng chí đã lăn lộn khắp miền đất lửa, góp phần giữ vững tinh thần quần chúng, củng cố cơ sở, duy trì phong trào và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống khủng bố. Có thể nói, hầu khắp các vùng: Nghi Lộc, Đức Thọ, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Xuân, Hương Sơn... (Nghệ Tĩnh) đâu đâu cũng in dấu chân người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh (bí danh là Bé Con). Bọn mật thám vô cùng căm tức, cùng với việc tập trung lực lượng hòng dập tắt phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, chúng cho tay chân lùng bắt bằng được người mang bí danh Bé Con.

Năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kì bộ Bắc kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp phụ trách Hải Phòng và một số chi hội vùng công nghiệp cảng và mỏ than. Lúc này ở Hải Phòng , trong công nhân mới chỉ bí mật phát triển các tổ chức: Ái hữu, Tương tế, Đồng hương, Kiếm việc làm. Nguyễn Đức Cảnh đã xung phong đi “vô sản hóa” để có điều kiện gần gũi anh, chị em công nhân. Đồng chí làm thợ quai búa ở Nhà máy Ca - Rông, làm phu khuân vác ở bến cảng, thực sự hòa mình với công nhân, học tập được ở họ nhiều đức tính quý báu, đồng thời cũng giác ngộ cách mạng cho họ, gây dựng, củng cố một số cơ sở “Công hội đỏ” và trực tiếp lãnh đạo công nhân đấu tranh.

Chủ trương “vô sản hóa” là một biện pháp sàng lọc, thử thách có hiệu quả đối với các hội viên “Thanh niên”. Nhiều cán bộ đã trưởng thành và trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, một trong những người đó là đồng chí Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng Bí thư của Đảng, thời kỳ 1938 - 1940). Kết quả đó có công sức đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, ngày 28 tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc kỳ tại số 15 Hàng Nón (Hà Nội). Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, xuất bản báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ” làm cơ quan tuyên truyền của Công hội. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời, trực tiếp phụ trách cả báo và tạp chí. Đồng chí đã viết nhiều bài đăng trên báo “Lao động” và tạp chí “Công hội đỏ” để tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn công nhân đấu tranh. Trong thời gian đi “vô sản hóa”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết tập tài liệu “Tổ chức Công hội như thế nào”, giúp các hội viên công hội nắm được phương pháp, hình thức và nội dung để phát triển tổ chức.

Sau Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, tháng 8 năm 1929, đồng chí chủ trì Hội nghị đại biểu Tổng công hội Hải Phòng để bầu Ban Chấp hành, thống nhất sự lãnh đạo tổ chức Công hội đỏ toàn thành phố. Ngay sau hội nghị, Tổng Công hội đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn, điển hình như cuộc bãi công của công nhân hãng dầu Pháp - Á; công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng, công nhân Xưởng cơ khí Ca - Rông...

Đầu tháng 12 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ tại Hà Nội. Hội nghị quyết định việc thống nhất các Tổng Công hội địa phương và bầu Ban Chấp hành chính thức. Tại hội nghị, đồng chí đã đề cử đồng chí Trần Văn Lan, thợ nguội Nhà máy sợi Nam Định làm Hội trưởng; đồng thời, lựa chọn một số đồng chí khác là công nhân tham gia Ban Chấp hành Công hội đỏ Bắc kỳ.

Khi làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng Hải Phòng, là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, làm Bí thư khu bộ Hải Phòng và thời gian công tác ở Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ xuất thân từ công nhân. Với trình độ lý luận, thực tiễn sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng và những trải nghiệm trong phong trào công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã giúp các học viên dễ dàng tiếp thu bài giảng, nắm vững được lý luận, phương pháp và đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, sau khi được huấn luyện, đồng chí phân công học viên vào các xóm thợ, xưởng máy, ra vùng ngoại thành và vùng mỏ để tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Nhiều cán bộ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bồi dưỡng, đào tạo, sau này đã trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của phong trào công nhân.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, phong trào đấu tranh của công nhân khu mỏ lên cao, bên cạnh mặt tích cực cũng xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc: manh động tiểu tư sản, coi trọng việc vận động công nhân thợ cơ khí, xem nhẹ việc vận động công nhân tầng, lò. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kịp thời cử đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến khu mỏ kiểm tra tình hình, bổ khuyết, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót của phong trào, đưa phong trào tiếp tục phát triển đúng hướng. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời đó của đồng chí, phong trào công nhân mỏ đã phát triển nhanh, luôn bám sát đường lối của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những cán bộ tuyên huấn đầu tiên của Đảng ta với nhiều đóng góp xuất sắc. Sau khi dự lớp huấn luyện của Tổng bộ hội Việt Nam Thanh niên cách mạng, đồng chí tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giác ngộ quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, đoàn kết tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng, đấu tranh chống thực dân và phong kiến.

Thời gian làm Bí thư Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5 năm 1929, báo “Cờ đỏ” xuất bản số 2 tuyên truyền cho việc thành lập Đảng Cộng sản; ngày 15 tháng 10 năm 1929, báo “Sao đỏ” số 1 của Đảng bộ Hải Phòng ra đời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách và đảm nhiệm hầu hết các bài viết trên báo. Tháng 1 năm 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra tổ chức in ấn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuốn sách “Sự nghiệp cách mạng của Lênin”. Đây là cuốn tiểu sử, đồng thời cũng là cuốn sách lý luận phân tích chủ nghĩa Mác - Lênin.

Mặc dù bị thực dân Pháp lùng sục, vây bắt nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, truyền đơn, áp phích, cờ đỏ búa liềm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi để chào mừng sự ra đời của Đảng; báo chí và tập san bí mật vẫn lưu hành, những cuộc đình công, bãi công của công nhân vẫn liên tiếp nổ ra. Bên cạnh những khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền sống, là những khẩu hiệu ủng hộ nước Nga Xô viết, phản đối thực dân Pháp khủng bố các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái, phản đối khủng bố “trắng”, đồng chí còn thành lập đội tuyên truyền xung phong gồm những người dũng cảm, có năng lực diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, cổ vũ quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng.

Đồng chí đã viết cuốn sách “Trả lời Kơrôteme”, được in và phát hành rộng rãi để vạch trần bộ mặt thật của bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước.

Thời gian phụ trách công tác tuyên huấn ở Xứ ủy Trung kỳ, Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, trong số đó có nhiều bài in trên báo “Người lao khổ”, báo “Tiến lên”; xây dựng, phát triển hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở. Cơ quan Xứ ủy Trung kỳ, ngoài tờ báo “Người lao khổ” còn có báo “Công nông binh”, “Chỉ đạo”, “Vô sản” và “Tin tranh đấu Trung kỳ”. Tỉnh ủy Nghệ An có báo “Tiến lên”, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có báo “Công nông binh”,  “Bước tới”. Các huyện ủy đều có báo riêng: “Nhà quê” (Thanh Chương), “Gương vô sản ”(Anh Sơn), “Dân nghèo” (Nghi Lộc), “Giác ngộ” (Nam Đàn), “Sản nghiệp” (Quỳnh Lưu), “Tự cứu” (Can Lộc), “Tiếng gọi” (Đức Thọ), “Bước tới” (Cẩm Xuyên)...  Những tờ báo đó và các tài liệu tuyên truyền khác đã góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng, bảo vệ Đảng; chống lại mọi âm mưu và hành động xảo quyệt của địch.
Trong những ngày ở xà lim án chém, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết một số bài về “Gia đình và chủ nghĩa cộng sản”; viết sách “Chuyện nước Tàu”; viết tập “Công nhân vận động”, một trong những tài liệu mang tính tổng kết cao, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn công tác công vận của Đảng vào thời điểm bấy giờ.

Hướng tới kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2013), khắp nơi trong tỉnh đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trên nhiều lĩnh vực. Bằng những hoạt động thiết thực, những việc làm cụ thể, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mãi mãi khắc ghi tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của đồng chí, nguyện phấn đấu học tập tấm gương suốt đời hy sinh cho độc lập tự do, cho hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục con đường mà Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc đã lựa chọn. Tăng cường đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, chung sức đi lên cùng cả nước.

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người con ưu tú, kiên trung, bất khuất mãi in đậm trong lòng đồng bào, đồng chí quê hương Thái Bình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình

  • Từ khóa