Thứ 5, 25/04/2024, 11:49[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021) Thái Bình: 60 năm thực hiện chính sách dân số

Thứ 2, 27/12/2021 | 08:36:37
17,736 lượt xem
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trải qua 60 năm triển khai thực hiện chính sách dân số, Thái Bình luôn là một điểm sáng của cả nước với những kết quả nổi bật.

Tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi xã Thụy Liên (Thái Thụy).

Năm 1961, giữa lúc đất nước đang thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định số 216-CP, ngày 26/12/1961 về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Đây là dấu mốc, đặt tiền đề cho sự ra đời của ngành dân số Việt Nam. Thời điểm này, Thái Bình là 1 trong 6 tỉnh, thành phố ở miền Bắc có quy mô dân số hơn 1 triệu người và có tốc độ tăng quy mô dân số thuộc loại cao (1,17%), cũng là tỉnh thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch sớm nhất trong cả nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1975 đã xác định cuộc vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch là một trong bốn hướng phấn đấu cơ bản của tỉnh với mục tiêu hướng tới quy mô gia đình 3 con, đẻ thưa, đẻ muộn nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ, nuôi dạy con cái được chu đáo, bảo đảm hạnh phúc và sự hòa thuận của gia đình. Thực hiện thành công mục tiêu của Đại hội, Thái Bình giảm tỷ lệ sinh từ 4,7% (năm 1961) xuống còn 3,22% (năm 1975).

Bước sang giai đoạn 1976 - 1990, công tác dân số Thái Bình được triển khai toàn diện nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương luôn coi công tác dân số - KHHGĐ là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cuộc vận động trong giai đoạn này là đẻ ít (từ 2 - 3 con), đẻ muộn (từ 22 tuổi trở lên) và đẻ thưa (cách nhau từ 3 - 5 năm). Với những nỗ lực thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ phát triển dân số tại Thái Bình có xu hướng giảm dần. Năm 1981, tỷ lệ sinh của tỉnh ở mức 2,89%, tới năm 1985 giảm xuống còn 2,31% và năm 1991 giảm còn 2,17%. Tỷ lệ người sinh con thứ ba trở lên giảm mạnh từ 38% năm 1981 xuống còn 22% năm 1991. Cùng với việc chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, Thái Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác dân số - KHHGĐ.

Giai đoạn 1991 - 2000, đặc biệt từ năm 1993 đến năm 2000, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đã có những bước phát triển vượt bậc. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và Chiến lược dân số - KHHGĐ Việt Nam đến năm 2000, UBND tỉnh đã xây dựng Chiến lược dân số - KHHGĐ giai đoạn 1993 - 2000 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2000 dân số toàn tỉnh đạt mức dưới 2 triệu người để tiến tới ổn định quy mô dân số vào những năm đầu thế kỷ XXI. Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, khuyến khích các cặp vợ chồng nên có 1 con. Chiến lược dân số - KHHGĐ đã thực sự lan rộng và được đông đảo nhân dân trong tỉnh tự nguyện hưởng ứng. Tỷ lệ sinh ở Thái Bình giảm nhanh. Đến thời điểm tháng 4/1999, dân số toàn tỉnh có 1.785.600 người. Tốc độ tăng dân số trung bình hàng năm thời kỳ 1989 - 1999 là 0,9%, giảm 0,77% so với thời kỳ 1979 - 1989. Đặc biệt, toàn tỉnh có 28 lượt xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên.

Bước vào thế kỷ XXI, công tác dân số - KHHGD không chỉ chú trọng mục tiêu giảm sinh mà được chuyển hướng nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Năm 2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về công tác dân số - KHHGĐ với mục tiêu tổng quát là: Duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc, tiến tới ổn định quy mô dân số vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XXI. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Thái Bình, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bám sát nội dung Nghị quyết và các văn bản quan trọng do HĐND, UBND tỉnh đề ra, Thái Bình giữ vững việc duy trì mức sinh thay thế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 0,92% năm 2001 xuống còn 0,85% năm 2010. Quy mô dân số từng bước ổn định. Chất lượng dân số dần được tăng lên, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75 tuổi; chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 14 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Huyện Đông Hưng tổ chức tuyên truyền lưu động kỷ niệm 60 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021).

Nối tiếp những thành công của công tác dân số những giai đoạn trước, giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân số và sức khỏe sinh sản và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, công tác dân số - KHHGĐ Thái Bình xác định mục tiêu tổng quát là: Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; duy trì mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số; giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, quy mô dân số toàn tỉnh được duy trì ở mức ổn định. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình hàng năm dưới 0,9%; chất lượng dân số từng bước được nâng lên, tuổi thọ trung bình cao đạt 75,4 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm thấp 10,1% (năm 2019); tỷ suất tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều thấp hơn bình quân chung cả nước, trở thành một trong những tỉnh điển hình về làm tốt công tác dân số trong cả nước.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, công tác dân số - KHHGĐ tại Thái Bình luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, sâu sát, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong 60 năm qua, ngành dân số Thái Bình đã và đang tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhằm phát triển bền vững công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với các biến đổi của dân số Việt Nam trong tình hình mới.

Thu Hoài