Chủ nhật, 19/05/2024, 06:42[GMT+7]

Bác Hồ khai bút đầu xuân

Thứ 4, 13/02/2013 | 15:38:06
1,569 lượt xem
Mỗi người Việt Nam ta, ai cũng còn nhớ và giữ kỷ niệm đẹp vào giờ phút thiêng liêng nhất của một năm, quây quần bên chiếc rađiô để đón nghe giọng nói chúc Tết của Bác Hồ, nao nức đến lạ kỳ về những bài thơ “vần thắng vút lên cao” của Bác. Ai cũng cảm thấy như Bác đang vẫy gọi, động viên, truyền đến cho mình nguồn sinh lực mới đầu xuân để hòa vào hào khí đánh giặc và dựng xây đất nước.

Ảnh tư liệu

Ngoài những thư và thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đầu xuân Bác thường khai bút bằng những bài báo với nhiều bút danh khác nhau, khi thì C.B, T. Lan hoặc Trần Lực (T.L). Thường mỗi Tết, Bác viết từ một đến hai bài báo. Ðặc biệt có Tết (năm 1960) Bác viết tới 4 bài báo. Chủ đề Bác viết rất phong phú, bài viết ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu. Có bài Bác viết tố cáo kẻ thù xâm lược, bị nhân dân lên án nên “Mỹ không mừng xuân” (T.L 1961).

Khi phê phán tệ nạn lãng phí xa hoa, lấy tiền công quỹ để chè chén lu bù, trong ngày lễ, ngày Tết - Bác viết bài: “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào” (T.L 1960). Bác lên án những kẻ “đục khoét” của dân là những kẻ bất nhân, có tội với dân. Ðồng thời Bác khen ngợi cán bộ của hai HTX vì dân mà không những không chè chén mà còn biết động viên dân ăn Tết tiết kiệm, lấy tiền dự định liên hoan đầu tư vào sản xuất và trích thưởng tăng năng suất. Bác kết luận, như vậy cán bộ ở đó biết nâng cao đời sống cho dân và làm cho dân yêu quý HTX, tin tưởng ở cán bộ hơn. Bác nhắc nhở tiết kiệm là quốc sách, làm giàu đất nước, tạo cho con người nếp sống văn minh lành mạnh, làm việc vì mọi người, khi ăn uống biết nghĩ đến người nghèo. Trong bài viết khai bút đầu xuân, Bác đề xướng phong trào “Tết trồng cây”, giữ mãi trong chúng ta hình ảnh đẹp đẽ đầu xuân Bác đi trồng cây. Trong di sản những bài báo bút danh, Bác dành nhiều bài cổ vũ Tết trồng cây. Bác nêu gương những người trồng cây giỏi, như cụ Vũ Văn Lân ở Hưng Yên tuy đã 104 tuổi, tự mình trồng và chăm bón cây tốt. Anh Cao Xuân Nhĩ ở Vĩnh Phúc, tuy kém cả hai mắt nhưng vẫn trồng được 6.000 cây. Bác khen những địa phương có phong trào trồng cây tốt như Lạc Trung, Ngọc Long (Vĩnh Phúc), Vĩnh Thành (Nghệ An), Nà Vó (Hòa Bình), Vinh Quang (Phú Thọ), Lê Hồng Phong (Hà Tĩnh)…

Bác khen Ðoàn thanh niên thực sự là đội quân chủ lực của phong trào trồng cây. Riêng năm 1963, Ðoàn thanh niên đã trồng được hàng triệu cây. Thanh niên tỉnh Hải Dương đã biến 1500 héc ta đồi trọc thành rừng cây. Bác khích lệ: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây” để có gỗ làm nhà, có củi đun, có bóng mát, góp phần cho bầu không khí trong lành. Trồng cây có lợi xuất khẩu, cho công nghiệp như cây keo lá chàm, cây trẩu, quế, hồi… Trồng cây chắn sóng, chắn cát, chắn gió. Trồng cây cho quả ăn, tăng thu nhập kinh tế gia đình như cam quýt, mận, mơ, nhãn, vải… mang lại lợi ích gần gũi với người dân. Ðặc biệt, Bác động viên không những đồng bào miền xuôi trồng cây mà đồng bào miền ngược cũng phải tích cực trồng cây, phủ xanh đồi núi trọc, có rừng cây xanh giữ nước tránh lụt, giữ đất tránh khỏi bạc màu. Bác kết luận, lợi ích trồng cây là cho hôm nay và cho cả mai sau. Bác mong muốn thiết tha là phong trào trồng cây phải được giữ gìn, phát huy mãi mãi, vì nó luôn gắn với sự tồn vong và phồn vinh của đất nước.

Có bài khai bút đầu xuân, Bác nhắn nhủ vui xuân mới không quên xuân cũ, những cái Tết thiếu thốn, gian khổ, ác liệt đã qua. Bác nhắc nhở mỗi một chúng ta ăn Tết sung sướng hôm nay là nhờ những ngày gian khổ hôm qua, không được quên đi quá khứ, không được quên đi lịch sử. Bác nhắc nhở không được quên nhân dân lao động vì cách mạng mà nay vẫn còn thiếu thốn, nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” là lẽ sống của người cách mạng.

Lương Sơn (tổng hợp)
(Huyện Văn Lâm – Tỉnh Hưng Yên)
 

  • Từ khóa