Đất cát bay
Gọi "Đất cát bay" quả không dấu nổi ý miệt vị bóng gió nhưng ngẫm từ cái góc nghĩa đen thật cứ đúng hết chỗ nói. Diện tích chẳng nhiều nhặn gì chỉ trên dưới 2 cây số vuông. Chịu để ý rất dễ hình dung ra dáng dấp mấp mô đụn cát nối nhau bởi dấu xưa vẫn còn hiển hiện đây đó. Giữa các đụn cát chỉ duy nhất chuỗi ô trũng, ao chuôm nước mặn kinh niên.
Chiếm gọn dải cát bay là 2 làng Diêm Điền và Quang Lang. Không có ruộng cày nên cư dân xứ này được mệnh danh "vô điền sản". Đầu thai làm dân "vô điền sản" nếu không sẵn gan chung sống với cát bay, không đủ sức ngụp lặn thuỷ triều thì đừng hòng có cơ tồn tại.
Vốn là 2 làng nhưng lối sinh nhai lại y như một. Đàn ông dựa mảnh thuyền buồm cánh dơi quanh năm bám biển đánh cá, vận tải. Đàn bà hễ ngơi tay chế biến hải sản lại đòn gánh tốc vai mòn chân chạy chợ bán con tôm con cá. Hết thảy trẻ con đều quần đùi nón mê dắt díu nhau lặn lội ngoài bãi sú vẹt săn tìm con ngao con vọp. Cũng có một bộ phận cư dân theo đuổi nghề muối một nắng hai sương. Hành thứ nghề cực nhọc này cho dù nhiều người đã đủ tiêu chí "nhất nghệ tinh" nhưng mãn đời chẳng thấy ai được hưởng ân huệ "nhất thân vinh".
Cuộc sống ký thác theo từng con nước, sự được thua không thể tách khỏi mỗi mùa mưa nắng bão dông. Hết đời nọ sang đời kia con người nào biết dựa dẫm vào đâu ngoài "ông trời". Trời, biển ban cho vật chất nhưng thẳng tay cướp đi đâu phải ít. Toạ lạc nơi đầu sóng ngọn gió, xưa kia nhìn trước ngó sau độc nhất cảnh nhà tranh vách đất. Sóng thần bão dữ ập đến nhà cửa bị dằng ra từng mảnh, làng xóm lại trơ trụi thứ cát bay như thời hoang sơ.
Tại 2 ngôi làng chài heo hút này không ai nhớ được rành rọt một năm từng có bao nhiêu lần giỗ trận. Chỉ biết rằng những nấm mồ "xương dâu đầu gáo" * ở nghĩa địa quả nhiều đến vô kể. Riêng trận cuồng phong năm Kỷ Tỵ từng cướp đi mấy chục con thuyền và hàng trăm sinh mạng đã trở thành nỗi ám ảnh khắc cốt ghi xương. Đằng đẵng 85 năm cai trị chỉ nghe người Pháp ra rả rêu rao "khai hoá văn minh". Đâu thì chẳng biết chứ tại cộng đồng chài lưới này muốn đưa được mảnh thuyền đi hành nghề chỉ bằng cách dựa vào lá buồm cộng với sức cơ bắp của con người mà thôi. Thuận gió thì giong buồm. Trời lặng đành kẽo kẹt mái chèo mái nụ. Thuyền qua bãi, vào sông lại phải oằn lưng gồng mình vít cong sào đẩy.
Trong khi ngư dân không được tiếp cận bất kỳ phương tiện đánh bắt cơ giới nào, oái oăm thay tàu lớn tàu bé của người Pháp lại thường xuyên lui tới thu mua tận kiết lượng tôm to cá quý. Để yên bề bòn rút thành quả lao động của mấy ngàn con người bần cùng thuộc 2 làng Diêm Điền, Quang Lang, nhà cầm quyền Pháp thiết lập ngay hệ thống cai trị rất bài bản: Đồn khố xanh, khố đỏ, nhà Dây thép **, Đồn Đoan ***... Vậy nhưng sự đời đâu dễ diễn ra như tham vọng của kẻ áp bức. Giữa thế kỷ XIX khi thực dân Pháp ỷ vào tàu đồng, đại bác gây hấn đánh chiếm thành Gia Định từng có một người con Đất cát bay dám nổ thần công chặn đứng bước chân xâm lược. Người đó là tướng quân Phạm Tài. Phạm Tài người làng Diêm Điền.
Trong giây phút giang sơn ngàn cân treo sợi tóc, ông đã chủ động đứng hẳn về phe chủ chiến sát cánh cùng Nguyễn Tri Phương khởi binh đuổi Tây. Sau khi ông qua đời người dân quê hương đã lập đến Thuận Nghĩa ngay bên bờ sông Diêm để ngày đêm hương khói. Đền Thuận Nghĩa với lễ hội 12 tháng Giêng là sự tri ân đối với vị "Khai quốc công thần" Phạm Tài.
Sau khi Phạm Tài qua đời mảnh đất đầu sóng ngọn gió này liên tiếp xuất hiện những ngọn cờ bình Tây mới. Nổi bật trong số ấy phải kể đến Tạ Bá Hiện (Đề Hẹn). Đề Hẹn người làng Quang Lang. Ông nổi tiếng võ nghệ ngay từ thuở thiếu thời. Sau khi đỗ đầu tú tài võ, năm 1885 ông được thăng chức Đô thống quân vụ Bắc Kỳ. Phần vì căm giận giặc Pháp xâm lược, phần vì oán ghét vua quan nhà Nguyễn nhu nhược, Đề Hẹn tập hợp nghĩa sỹ đứng lên kháng chiến.
Đề Hẹn được người bạn chí cốt là cử nhân Nguyễn Đức Triết ở làng Diêm Điền dốc lòng hợp tác nên thanh thế như diều gặp gió. Có thời kỳ Đề Hẹn đã tập hợp được đạo quân đông tới 4.000 nghĩa sỹ tiến về vây hãm thành Nam Định. Hành trình chống Pháp của dân tộc Việt Nam chỉ thực sự có hướng rõ ràng kể từ khi người Việt Nam tiếp cận được với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Hạnh phúc thay giữa thời khắc bản lề lịch sử lại một người con của Đất cát bay bỗng kịp thời có mặt. Con người xuất chúng đó là chàng thư sinh Nguyễn Đức Cảnh. Nguyễn Đức Cảnh rất nhậy bén tiếp thụ chủ nghĩa Mác rồi nhanh chóng trở thành một trong những sáng lập viên kiệt xuất của Đảng, trở thành lãnh tụ đầu tiên của TLĐLĐ Việt Nam. Sau khi Nguyễn Đức Cảnh hy sinh, lớp lớp kế cận nơi này nối tiếp nhau đứng vào hàng ngũ của Đảng. Giữa thời kỳ bí mật, những đảng viên trẻ tuổi như Nguyễn Đức Nhu, Nguyễn Công Phú, Thanh Hồng, Phạm Văn Cần (tức Kịt)... tỏ rõ là những đốm lửa thổi bùng phong trào chống thuế thân, thuế muối, chống hà thu lạm bổ, phu phen tạp dịch làm cho nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ khiến lũ thực dân, phong kiến phải điên đầu.
Đặc biệt vào đầu năm 1941, suốt dọc dải đất ven biển Thụy Anh mà trung tâm là Diêm Điền, Quang Lang đã hình thành đơn vị tự vệ đỏ. Ông Phạm Văn Tấp ở phố Diêm Điền được giao trọng trách bí mật chế tạo vũ khí. Suốt 4-5 năm tồn tại ngôi lò rèn khiêm tốn của gia đình ông Tấp đã kín đáo xuất xưởng không biết bao nhiêu dao kiếm rồi được bà Nguyễn Thị Nhôi (vợ ông Kịt) ngụy trang đưa đi phân phát cho tự vệ các làng ven biển. Số vũ khí bí mật tự chế đã góp phần tạo lên thế lay trời chuyển đất của nhân dân vùng biển trong cuộc nổi dậy cướp chính quyền giữa ngày 20/8/1945.
Sau tiếng súng toàn quốc kháng chiến, tất cả thanh niên trai tráng của Đất cát bay đều tìm mọi cách gia nhập bộ đội bằng được. Nhiều nhà 2-3 anh em tòng quân cùng một ngày. Lại có những tấm gương hiếm thấy như ông Bùi Duy Vực, ông Bùi Hữu Linh động viên cả 5 người con gia nhập vệ quốc đoàn. Nói về lịch sử chiến tranh nhân dân ở Thái Bình chắc hẳn người ta không thể không nhắc đến lực lượng du kích nổi tiếng của 2 làng Diêm Điền và Quang Lang.
Vào ngày 13/8/1948, 36 chiến sỹ du kích Diêm Điền chỉ với mã tấu, mìn, lựu đạn và những khẩu súng trường kiểu cũ đã mưu trí đánh thắng 150 tên thủy quân lục chiến Pháp có phi pháo yểm trợ. Trận đánh có ý nghĩa đến mức, cuối năm 1948, Uỷ ban kháng chiến hành Thụy Anh đã đổi tên Đơn vị chủ lực huyện thành "Đại đội 138" để khắc ghi chiến tích ngày 13/8 của du kích Diêm Điền. Đầu tháng 3 năm 1950 tại làng An Định (nay thuộc xã Thụy Văn) diễn ra trận đọ sức quy mô đầu tiên giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến huyện. Mấy chục đội viên du kích Diêm Điền và Quang Lang đã lập tức có mặt tại An Định góp lửa cho trận đánh.
Những chiến sỹ du kích Diêm Điền, Quang Lang phối hợp với các đơn vị bạn bằng lối đánh cận chiến đã quần đảo với quân giặc tại từng căn nhà, con ngõ. Hàng chục người con ưu tú của Đất cát bay hy sinh anh dũng trong trận huyết chiến với quân thù trở thành tấm gương để quân dân Thụy Anh noi theo trong suốt những năm chiến đấu gian khổ. Thế rồi đúng ngày 7/5/1954 khi quân dân cả nước cùng bầu bạn năm châu tưng bừng trước tin đại hỷ từ lòng chảo Điện Biên, nhân dân mảnh Đất cát bay lại được thêm niềm vui bất ngờ: Người đại đội trưởng tài ba chỉ huy đơn vị tóm gọn tướng Đờ Cát là Tạ Quốc Luật, một chàng trai của làng Quang Lang.
Vậy là trong cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống Pháp, từ thời khắc hiểm nghèo nhất đến giây phút vinh quang nhất luôn luôn có mặt những người con khả kính của Đất cát bay.
Xâu chuỗi pho sử đánh Pháp đuổi Mỹ ai cũng phải sửng sốt trước tên tuổi bao người con ưu tú của mảnh Đất cát bay. Muôn đời chịu tiếng "cát bay", qua hơn một thế kỷ đánh đuổi ngoại xâm nơi đây thật xứng đáng thay bằng đặc danh mới: "Địa linh nhân kiệt". Hôm nay đến đất địa linh đồng nghĩa đến với một trung tâm kinh tế đầy tiềm năng. Đâu chỉ có hàng trăm con tàu hiện đại với sản lượng đánh bắt mỗi năm nhiều ngàn tấn cá, tôm, cua, mực. Đâu chỉ có mấy trăm Công ty Vận tải biển với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Đâu chỉ có những Công ty chế biến rau quả, Công ty chế biến thuỷ hải sản nước ngoài sản xuất tất bật quanh năm. Đâu chỉ có hệ thống đầm cua đầm cá, hệ thống bãi chạt ô nền làm ra hạt muối... Nơi đây còn đang ấp ủ rất nhiều, rất nhiều dự án phục vụ quốc kế dân sinh đầy hứa hẹn.
Từ dải cát bay khô cằn, hôm nay Diêm Điền, Quang Lang đã sáng danh một hợp điểm kinh tế đa dạng. Cứ tin trong tương lai không xa nơi đây chắc chắn sẽ hội thành một đô thị tầm cỡ bởi nó lớn lên trên cái nền rất kiên cố, kiên cố từ truyền thống lịch sử, từ tư thế con người, từ tiềm năng kinh tế biển đặc hữu của huyện Thái Thụy anh hùng!
Hoàng Ngọc Khuyến
(Diêm Điền - Thái Thụy)
Tin cùng chuyên mục
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh 19.05.2024 | 17:39 PM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật