Thứ 6, 17/05/2024, 16:56[GMT+7]

Truyền thông thế giới phản ánh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Thứ 3, 12/03/2013 | 09:42:16
2,520 lượt xem
Cách đây vừa tròn 45 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 với vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam, đã gây chấn động lớn trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Sự chấn động ấy được thể hiện sâu sắc qua những trang báo, những ấn phẩm lúc bấy giờ và cả sau này...

Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại thành phố Niu Y-óoc năm 1968. Nguồn: AP

 

Trận tiến công rất đỗi kinh ngạc

 

Trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Namon>, chưa bao giờ có cuộc tiến công đồng loạt, đều khắp và rộng lớn như Mậu Thân 1968. Cuộc tổng tiến công đã đánh vào 4/6 thành phố, 37/46 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam, làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc, khiến báo chí thế giới bàng hoàng. Hãng thông tấn Roi-tơ của Anh, ngày 3-2-1968, đưa tin: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tiến công phối hợp ở Sài Gòn và các trung tâm quan trọng khác tại miền Nam Việt Namon> làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi kinh ngạc”. Tờ Người bảo vệ (Anh) viết: “Người ta không thể tin là một sự kiện như thế lại có thể xảy ra”. 

 

Không chỉ báo chí nước ngoài lên tiếng mà cả những tờ báo danh tiếng tại Mỹ cũng có những nhận định chua chát về chính cuộc chiến do mình gây nên. Tờ Tin tức Oa-sinh-tơn đã viết: “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của Cộng sản ngày 31-1 là một điều đáng kinh ngạc. Mỹ đã phải dùng máy bay lên thẳng đổ bộ xuống nóc nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đang mù mịt trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích”, đã bị Cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để xóa tan những nhận định lạc quan trước đó của Chính phủ Tổng thống Giôn-xơn”.

 

“Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam nói rằng đây là chiến thắng, nhưng thực chất nó chỉ là chiến thắng trống rỗng”, “cuộc tiến công thậm chí còn khiến công luận Mỹ nhận ra rằng, cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam là hành động vô cùng dại dột”… đó là hàng loạt những lời nhận xét xác đáng đăng kèm theo ảnh một số lính Mỹ bị thương trong một cảnh đổ nát ở gần Sài Gòn mà tờ Time nổi tiếng của Mỹ đã đưa ra thời đó. Số ra ngày 31-3-2003, nhân kỷ niệm 80 năm tồn tại của tờ báo này đã dành một phần đặc biệt viết về những ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Trong đó, có 2 ngày đặc biệt mà nhân dân và quân đội Mỹ không bao giờ quên, đó là ngày 31-1-1968 (Tết Mậu Thân) và ngày 30-4-1975. Tờ Time cũng từng nhận định, chính cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã khiến L.B.Giôn-xơn không thể tái ứng cử tổng thống Mỹ.

 

Cú đấm nặng nề

 

Thực tế đã chứng minh chính người dân nước Mỹ là những người cảm nhận rõ nét nhất tác động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong cuốn hồi ký “Thanh gươm và lưỡi cày”, xuất bản tại Niu Y-óoc năm 1972, tướng Mắc-xoen D. Tay-lo (Maxwell D.Taylor), cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và cũng từng là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ L.B Giôn-xơn (L.B Johnson), đã miêu tả: “Ngày 31-1-1968, quân địch (tức Quân Giải phóng) tiến công và chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công đã được báo chí Mỹ tường thuật bằng những hàng tít lớn và chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình. Điều này đã làm cho phần lớn dân chúng và một số quan chức Mỹ kinh hoàng. Thậm chí cho đến mãi sau này, sự kinh hoàng đó vẫn còn trong tâm trí họ”.

 

Về phần mình, tướng Mắc-xoen D. Tay-lo cũng thú nhận, bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho ông không phải việc Quân giải phóng mở một cuộc tiến công lớn mà chính là mức độ mãnh liệt của hàng loạt cuộc tiến công đổ dồn vào thời điểm đó. “Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta phải công nhận, đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”, đó là câu chốt được đánh giá là vô cùng xác đáng trong cuốn “Tường trình của một quân nhân” của Tướng W.C Oét-mo-len (W.C.Westmoreland) - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

 

Sức mạnh có hạn của Mỹ

 

Cuộc tổng tiến công của đối phương vào tận đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn càng cho thấy những bằng chứng về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu USD mà vẫn không bảo vệ được một tấc vuông đất nào ở miền Nam Việt Nam. Thời báo Niu Y-óoc, tờ báo lớn nhất nước Mỹ, đã đăng những dòng như vậy trong số ra ngày 1-2-1968. Cũng tờ báo này, số ra ngày 2-1-1968, đã nhấn mạnh: “Chiến thắng của Việt cộng không những chứng minh sự suy yếu của cơ cấu chính trị Mỹ mà còn đe dọa thủ tiêu hoàn toàn cơ cấu chính trị này”. Tác giả bài báo còn đánh giá: “Hậu quả chính trị do thắng lợi đáng kinh ngạc của Việt cộng gây ra lần này mới là nguy hại nhất”.

 

Còn N. Si-han (N. Sheehan), tác giả Mỹ khi viết cuốn sách “Sự lừa dối hào nhoáng” (A Bright Shining Lie) cũng cho rằng, tướng lĩnh và quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã nói dối trắng trợn nhân dân Mỹ rằng, cuộc công kích Tết Mậu Thân là chiến thắng của Mỹ và quân đồng minh miền Nam. Đó không chỉ là những dòng chữ chát chúa, cay đắng đối với chế độ của Tổng thống Mỹ Ních-xơn mà là những minh chứng hùng hồn về chiến thắng rõ ràng của dân tộc Việt Namon>.

Truyền thông Mỹ đã có tác động mạnh đến dư luận Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm sau Tết Mậu Thân 1968, 16 triệu thanh niên Mỹ đã đốt thẻ và chống lệnh đi quân dịch. Kể cả những lính Mỹ đang ở Việt Namon> cũng công khai phản đối chiến tranh.

 

Qua một số sách báo Mỹ và nước ngoài nói về sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, có thể nhận thấy, dù ở góc độ nào, dưới con mắt của các nhà khoa học quân sự, nhà chính trị, nhà sử học hay nhà báo, từ người dân bình thường đến các tướng lĩnh cao cấp, thậm chí cả Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ lúc bấy giờ, đều phải thừa nhận tác động to lớn của sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

 

Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã từng thú nhận: “Dù so với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì cuộc tiến công Tết cũng là một thất bại quân sự nặng nề” (của Mỹ). Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hen-ri Kít-xinh-gơ (Henry Kissinger) cũng nhận xét: “Việc Tổng thống chúng ta chỉ có thể gặp người lãnh đạo một nước mà hơn 30.000 người Mỹ đã phải chết vì nó trên một hòn đảo hiu quạnh trong một khung cảnh đẹp trời của Thái Bình Dương chứng minh tình hình rối như tơ vò mà chiến tranh Việt Nam đã dìm xã hội chúng ta vào”. Trong cuốn sách “Những năm tháng ở Nhà Trắng”, Hen-ri Kít-xinh-gơ từng viết rằng, ngày nay hầu hết chuyên viên về ViệtNam công nhận đó là một thất bại thảm hại của Mỹ.

 

Chính những thừa nhận này chứng tỏ tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân Việt Nam ở miền Nam. Nó đập tan những luận điểm sai trái và xua đi những nghi ngờ về thắng lợi của quân giải phóng trong Tết Mậu Thân năm 1968.

Nguồn qdnd.vn

 

  • Từ khóa