Thứ 2, 02/12/2024, 18:55[GMT+7]

Nỗi niền những người viết báo nghiệp dư

Thứ 3, 31/08/2010 | 10:38:14
2,749 lượt xem
Hiện nay, trong cả nước, lực lượng viết báo nghiệp dư phải tới con số hàng vạn, bao gồm đủ các lứa tuổi, từ thiếu niên đến các bậc cao niên. Họ là những người tâm huyết, có sở trường viết báo, viết văn, làm thơ; là các nhà báo chuyên nghiệp nghỉ hưu, là những người đã qua trường đào tạo nghề, chưa có công ăn việc làm...

Hội báo Xuân. Ảnh Thành Tâm

Động lực để viết báo của họ, chủ yếu là do “máu nghề nghiệp”, sở thích. Với lớp người cao tuổi, coi việc viết báo là môn “thể thao đầu óc”. Lực lượng viết báo nghiệp dư trở thành mạng lưới cộng tác viên (CTV) rộng khắp trong cả nước, cộng tác với các loại hình báo chí từ tỉnh đến Trung ương.

Hoàn cảnh, điều kiện và quá trình “tác nghiệp” của những người viết báo nghiệp dư rất đa dạng, phong phú và cũng rất... nỗi niềm. Lớp người cao tuổi, ở nông thôn, khi đi “thâm nhập thực tế” rất đơn giản.

Một cuốn sổ, một chiếc bút bi. Và một chiếc xe đạp cà tàng. Rất hiếm người có máy ảnh hoặc máy ghi âm. Khi viết và hoàn chỉnh bản thảo, chỉ có một số ít thuộc loại khá giả thì dùng máy vi tính; một số tận dụng cỗ máy chữ đã thành cổ lỗ, lỗi thời; phần lớn phải mang bản thảo đến hiệu thuê đánh vi tính, in ấn; thậm chí cũng còn những người viết bài bằng tay.

Nhìn chung, quá trình lao động của những người viết báo nghiệp dư khá nhọc nhằn, vất vả và lạc hậu. Tuy vậy, để đạt được kết quả của sự mong muốn, theo lề luật muôn thuở là “viết  lách”, ở thời cơ chế thị trường, với những người viết báo nghiệp dư, còn lắm truân chuyên, khổ ải, nỗi niềm!

Đi lấy tư liệu, viết bài đã khó. Bài được báo đăng còn khó hơn nhiều. Và từ lúc bài được đăng đến lúc nhận được thành quả còn khó gấp bội phần. Được những tờ báo quan tâm, thương quý, thực hiện chế độ nghiêm túc, gửi báo biếu, tiền nhuận bút kịp thời, đầy đủ, người viết thật vô cùng hạnh phúc tăng thêm nhiệt tình, sự gắn bó với tờ báo mà mình cộng tác.

Tuy nhiên, trong thực tế còn không ít những tờ báo trong đó có những tờ thuộc loại “tầm cỡ”, công tác bạn đọc còn nhiều bất cập. Ví như: có những tờ, bài đã in tới vài tháng vẫn chưa gửi báo biếu, nhuận bút cho tác giả. Có những tờ báo không bao giờ gửi báo biếu, nhuận bút, chỉ đến khi CTV có thư hỏi mới giải quyết. Có tờ khi gửi báo biếu, nhuận bút lại ghi sai tên tác giả hoặc địa chỉ xã thôn. Xảy ra tình trạng báo thì mất, còn tiền nhuận bút thì bưu điện không phát, phải hoàn lại tòa soạn.

Những trường hợp gửi quá muộn, hoặc không gửi hoặc ghi sai địa chỉ... CTV phải viết thư hỏi đi, hỏi lại tới hai, ba lần mới được giải quyết; có trường hợp “bặt vô âm tín”! Tác giả bài viết này đã gặp không ít những trường hợp như trên. Trong đó có trường hợp tòa soạn gửi tiền nhuận bút, ghi sai tên xã, bưu điện không phát tiền; sau bốn lần viết, gửi thư cho các phòng ban của tòa soạn, nhưng kết cục vẫn “móm nặng”!

Đối với đội ngũ viết báo nghiệp dư, hầu hết lấy cái nghề làm nguồn động viên, niềm vui trong cuộc sống chứ không thể làm kinh tế được. Niềm vui mừng, phấn khởi và hạnh phúc nhất đối với họ là, khi bài được đăng, được tòa soạn quan tâm, thương quý động viên kịp thời, chu đáo, góp phần gắn bó mật thiết tình cảm và sự cộng tác giữa tòa soạn với CTV.

Là một trong hàng vạn người viết báo nghiệp dư, mạnh dạn bày tỏ tâm tư nỗi niềm về nghề để chia sẻ cùng đồng nghiệp và mong được các tòa soạn báo chí quan tâm, thương quý!

Anh Nguyên

Quỳnh Hồng -Quỳnh Phụ

  • Từ khóa