Thái Bình Chặng đường hình thành và phát triển
Lễ hội văn hóa thể thao truyền thống. Ảnh: NGỌC TRÂM
Là người con sinh ra và lớn lên ở quê lúa, có lẽ ai cũng biết Thái Bình là vùng đất cổ, có lịch sử hình thành lâu đời và có nền văn hóa phát triển từ hàng ngàn năm trước; quá trình phát triển đất đai, cư dân, địa vực ở nhiều cấp độ và có nhiều sự thay đổi khác nhau. Song ngày 21/3/1890 là ngày thành lập tỉnh Thái Bình, tính đến nay đã trải qua 123 năm phát triển thì không phải ai cũng biết. Nhân dịp 123 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 – 21/3/2013), Báo Thái Bình căn cứ một số tài liệu về lịch sử, thông tin tới bạn đọc vài nét cơ bản về lịch sử hình thành và về ngày thành lập tỉnh.
VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN
Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, thuộc phía Nam đồng bằng Sông Hồng, là một vùng đất cổ của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đất đai Thái Bình được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình cùng với công cuộc quai đê khẩn hoang, lấn biển của nhiều thế hệ cư dân. Trong công cuộc khai thác, chiếm lĩnh đồng bằng của người Việt cổ (khoảng 6,7 thế kỷ trước Công nguyên), những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Một bộ phận trong đó đã bám theo các triền sông tụ cư trên những dải đất cao ở Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thụy Anh, Thư Trì (cũ). Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ. Đất đai Thái Bình đã được khẩn hoang, khai hóa qua các thời kỳ, các triều đại, hình thành các khu vực tập trung cư dân tạo nên một đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.
Cùng với quá trình hình thành đất đai, cư dân, địa vực Thái Bình đã được đưa vào địa dư hành chính quốc gia với nhiều cấp độ và thay đổi khác nhau. Thời kỳ đầu Công nguyên và qua 5 thế kỷ sau đó, Thái Bình là phần đất cuối cùng phía nam của huyện Chu Diên (Giao Chỉ). Vào thế kỷ thứ 6, phần lớn đất đai phía bắc và tây bắc của Thái Bình thuộc quận Vũ Bình; phần đất còn lại thuộc quận Ninh Hải. Bước vào thời kỳ phong kiến tự chủ (938), đất Thái Bình thuộc Châu Ðằng (Châu Ðằng bao gồm phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình ngày nay). Vào thời Tiền Lê, năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), vua Lê Ðại Hành đổi 10 đạo của cả nước thành Phủ, Lộ, Châu; đến đời vua Lê Ngọa Triều (1005 - 1009), Châu Ðằng được gọi là phủ Thái Bình. Thời Lý (thế kỷ 11) phủ Thái Bình được gọi là hương Thái Bình (phủ Thái Bình sau đổi là Thái Ninh) gồm 4 huyện, Thụy Anh, Quỳnh Côi, Ðông Quan, Phụ Dực.
Thế kỷ 12 - 13 dưới triều Trần, trên mảnh đất Thái Bình, cư dân đã đông đúc, các làng xã đã khá ổn định, Thái Bình lúc này thuộc đất đai của hai lộ (phủ) Long Hưng và Thiên Trường; về sau vẫn thuộc lộ Long Hưng, phần còn lại thuộc hai lộ mới là Kiến Xương và An Tiêm được tách ra từ lộ Thiên Trường. Dưới lộ là huyện, hương (xã). Ðến thời Tây Sơn, Thái Bình thuộc Trấn Sơn Nam Hạ, về địa danh có đổi phủ Thái Bình thành phủ Thái Ninh, còn đơn vị hành chính vẫn cơ bản như thời Lê. Thời Nguyễn (thế kỷ XIX), địa danh cơ bản vẫn như trước. Riêng phủ Thái Ninh được trả lại tên cũ là phủ Thái Bình; đổi Thanh Lan thành Thanh Quan (thời Gia Long); đến thời Minh Mệnh nhập vào phủ Kiến Xương; đến thời Tự Ðức, Thanh Quan lại nhập vào phủ Thái Bình, thời Ðồng Khánh đổi huyện Chân Ðịnh thành huyện Trực Ðịnh. Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), sau cuộc khẩn hoang - Thái Bình có thêm huyện Tiền Hải với diện tích 18.900 mẫu; 2.300 suất đinh; 7 tổng; 40 làng; 27 ấp; 20 trại và 40 giáp.
Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Thái Bình thuộc trấn Nam Ðịnh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), chia thành tỉnh hạt, Thái Bình thuộc phạm vi của hai tỉnh Nam Ðịnh và Hưng Yên, gồm các huyện: Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân (tỉnh Hưng Yên); Thái Bình, Thanh Quan, Kiến Xương (tỉnh Nam Ðịnh). Phần đất còn lại thì đặt phân phủ kiêm nhiếp huyện Kiến Xương, kiêm nhiếp huyện Thư Trì; huyện Chân Ðịnh kiêm nhiếp Tiền Hải; huyện Thái Bình kiêm nhiếp huyện Thụy Anh. Ngoài ra đặt thêm phân phủ Thái Bình gồm 2 huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực.
NGÀY 21/3 - NGÀY THÀNH LẬP TỈNH THÁI BÌNH
Ngày 21/3 hàng năm được ghi nhớ như một mốc son - là ngày thành lập tỉnh Thái Bình bởi cách đây 123 năm, ngày 21/3/1890 (năm thứ hai niên hiệu Thành Thái nhà Nguyễn), toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Ðông Quan, Trực Ðịnh, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc tỉnh Nam Ðịnh) và huyện Thần Khê (thuộc tỉnh Hưng Yên). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Ðến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là một tỉnh - đơn vị hành chính độc lập - bao gồm 3 phủ với 12 huyện.
Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, ngày 10/4/1946, chấp hành quyết định của Quốc hội, HĐND tỉnh quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này được chia thành 12 huyện. Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện: Hợp nhất hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực thành huyện Quỳnh Phụ; Hưng Nhân và Duyên Hà thành huyện Hưng Hà; Ðông Quan và Tiên Hưng thành huyện Ðông Hưng; Vũ Tiên và Thư Trì thành huyện Vũ Thư; sát nhập một số xã của huyện Vũ Tiên vào huyện Kiến Xương; sát nhập một số xã của huyện Kiến Xương vào huyện Tiền Hải. Năm 1982 và 1986 Hội đồng Bộ trưởng quyết định sát nhập một số xã ở Vũ Thư và mở rộng địa giới hành chính của thị xã Thái Bình. Năm 2004, Thị xã Thái Bình được công nhận là Thành phố thuộc tỉnh theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP ngày 29/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Thái Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 7 huyện và một Thành phố; có 286 đơn vị cấp xã gồm 10 phường, 10 thị trấn và 266 xã. Diện tích 1.546,54 km2, dân số trên 1,8 triệu dân. Trung tâm tỉnh là Thành phố Thái Bình, cách Thủ đô Hà Nội 110km về phía đông nam, cách thành phố Hải Phòng 70km về phía tây nam. Thái Bình tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố: phía bắc giáp Hải Dương, phía tây bắc giáp Hưng Yên, phía đông bắc giáp Hải Phòng, phía tây giáp Hà Nam, phía tây và tây nam giáp Nam Định. Phía đông là biển Đông (vịnh Bắc Bộ).
Hà Anh (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục
- Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Uzbekistan 07.04.2025 | 16:25 PM
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
-
Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác chuẩn bị khai mạc Tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ thành phố Thái Bình
- Thái Bình lựa chọn được nhà thầu xây dựng cao tốc Nam Định - Thái Bình với vốn đầu tư 19.784 tỷ đồng
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước