Thứ 5, 09/01/2025, 19:18[GMT+7]

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2022) Nhà lãnh đạo xuất sắc, kiên cường của Đảng

Thứ 3, 06/09/2022 | 14:31:19
9,369 lượt xem
Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại tấm gương suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí làm nhiều thế hệ người cách mạng Việt Nam cảm phục.

Đồng chí Lê Hồng Phong.

Trưởng thành trong các trường học cách mạng

Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Sinh ra ở một vùng quê nghèo, là người thông minh, hiếu học nhưng gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong, khi đó còn mang tên Lê Huy Doãn, đã sớm phải rời làng quê, lên làm việc ở Vinh-Bến Thủy.

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái tìm đường qua Xiêm rồi từ đó sang đến Quảng Châu (Trung Quốc) đầu năm 1924. Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong được Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu giới thiệu và kết nạp vào nhóm Tâm Tâm xã, tập hợp những thanh niên yêu nước.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu bắt liên lạc với Tâm Tâm xã. Lê Hồng Phong là 1 trong số 5 người được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn đầu tiên để lập Cộng sản đoàn(1), là hạt nhân, trước khi Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925.

Những năm 1925-1931, đồng chí Lê Hồng Phong tích cực học tập quân sự và chính trị. Tháng 12/1925, sau khi tốt nghiệp khóa 2 Trường quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong học ở Trường hàng không Quảng Châu.

Tháng 10/1926, với sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong được cử sang Liên Xô học Trường Lý luận quân sự không quân tại thành phố Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg, Cộng hòa Liên bang Nga) và sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong được xét tuyển vào học năm thứ hai Trường đào tạo quân sự (phi công) số 2 ở Borisoglebsk.

Ngày 3/12/1928, Lê Hồng Phong được điều động sang học tại Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông - gọi tắt là Đại học Phương Đông.

Tháng 5/1931, Lê Hồng Phong tiếp tục học năm thứ nhất nghiên cứu sinh. Nghiên cứu của đồng chí tập trung vào những vấn đề kinh tế và chính trị ở Đông Dương có nhan đề: Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương(2).

Do những yêu cầu của cách mạng, đồng chí được cử về Đông Dương “với tư cách là cán bộ của Ban Trung ương Chấp ủy của Đảng”(3). Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, đồng chí Lê Hồng Phong có học vấn cao, được đào tạo chính quy, được tín nhiệm giao giải quyết những vấn đề đang đặt ra với cách mạng Việt Nam.

Những đóng góp xuất sắc cho Đảng

Nhận trách nhiệm trước Quốc tế Cộng sản, tháng 4/1932, đồng chí Lê Hồng Phong về Nam Ninh (Trung Quốc), gây dựng lại cơ sở cách mạng bị khủng bố trắng sau Xô viết Nghệ-Tĩnh.

Tại Nam Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong đã tổ chức được chi bộ đảng với những đảng viên nòng cốt như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi. Các tổ chức đảng ở Cao Bằng, Lạng Sơn rồi ở Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn cũng lần lượt được xây dựng, phục hồi.

Những cố gắng không mệt mỏi của đồng chí Lê Hồng Phong đã đạt nhiều kết quả, góp công lớn cho việc xây dựng, phục hồi tổ chức Đảng. Tháng 4/1934, Ban Lãnh đạo ở ngoài của Đảng được thành lập. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Bí thư và bắt tay vào các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng.

Đại hội Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ 27- 31/3/1935 đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu danh sách Ban Lãnh đạo mới của Đảng(4). Khi đó đồng chí đang ở Moskva chờ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Cho đến năm 1935, Đảng đã vững mạnh, cách mạng ra khỏi giai đoạn thoái trào.

Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1935), báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đã giúp cho Ban Lãnh đạo Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản khác hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Đông Dương và cuộc đấu tranh của những người cộng sản Đông Dương, góp phần cho Quốc tế Cộng sản hoạch định chiến lược chung cho cuộc đấu tranh ở các nước thuộc địa chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

Sự chuyển hướng chiến lược của Quốc tế Cộng sản đã được đồng chí Lê Hồng Phong kịp thời truyền đạt tới những người cách mạng Việt Nam.

Tháng 7/1936, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị đã bổ sung những thiếu sót của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất, kịp thời chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng.

Từ những chỉ dẫn chung nhất của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng thể hiện sự độc lập, sáng tạo trong việc tập hợp lực lượng đấu tranh đòi dân chủ, chống đế quốc và chiến tranh ở một nước thuộc địa, bắt kịp với những diễn biến mới của tình hình, chuẩn bị để hoạt động của Đảng có những bước chuyển lớn trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939).

Từ tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về hoạt động ở Sài Gòn và tham gia chỉ đạo cuộc đấu tranh công khai đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh.

Đồng chí đã viết nhiều bài cho báo Dân chúng - là cơ quan ngôn luận công khai của Đảng. Tên gọi Mặt trận Dân chủ Đông Dương được khẳng định tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1938.

Ngày 20/6/1939, với bút danh Trí Bình, đồng chí Lê Hồng Phong đã hoàn thành tác phẩm Vấn đề phòng thủ Đông Dương, tổng kết một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3/1938 về vấn đề này, uốn nắn những khuynh hướng cả “tả”, cả “hữu”, đấu tranh với những phần tử chống Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng lúc đó.

Tấm gương đạo đức cách mạng kiên cường, bất khuất

Trên những chặng đường cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập không mệt mỏi, hoàn thiện lý luận và trau dồi kinh nghiệm thực tiễn.

Nhận nhiệm vụ quan trọng trong lúc cách mạng bị khủng bố, rơi vào thoái trào, đồng chí Lê Hồng Phong thể hiện nghị lực và lòng tin vào thắng lợi cuối cùng. Niềm tin và nỗ lực của đồng chí đã góp phần quan trọng trong công tác phục hồi, xây dựng cơ sở Đảng, tiến đến phục hồi tổ chức cách mạng ở từng khu vực, từng bước đưa phong trào đi lên, vững mạnh và rộng lớn.

Với đồng chí, với nhân dân, Lê Hồng Phong luôn giản dị, chân thành. Với quê hương, gia đình, đồng chí luôn tình nghĩa, thủy chung. Bước chân Lê Hồng Phong đã in dấu trong xóm lao động vùng chợ Thiếc, vùng Ngã sáu, vùng “vành đai đỏ” mười tám thôn vườn trầu - khi thì là thầy giáo, lúc trong vai công nhân, có lúc lại đóng giả làm thương lái người Hoa đi mua lợn...

Với người vợ yêu quý là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, dù cùng hoạt động ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, không xa cách nhiều về không gian song những điều kiện ngặt nghèo của cuộc đấu tranh không cho phép hai người dễ dàng gặp nhau. Ký ức cách mạng vùng Bà Điểm-Hóc Môn vẫn ghi dấu hình ảnh vợ chồng anh chị “Năm Bắc” thân thương.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt và bị chính quyền thực dân ở Nam kỳ kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc. Hết hạn tù, đồng chí bị trục xuất về quê.

Ngày 20/1/1940 đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lại vào Khám Lớn (Sài Gòn). Ngày 22/10/1940, đồng chí bị kết án 5 năm khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Biết Lê Hồng Phong là lãnh đạo cao cấp của Đảng nên những tên cai ngục ở Côn Đảo đánh đập, hành hạ đồng chí rất dã man. Bất khuất trước mọi thủ đoạn của kẻ thù, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tích cực động viên và chỉ đạo anh em đấu tranh chống đánh đập, chống lại những luật lệ nhà tù hà khắc.

Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù, vì bệnh tật, đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh ngày 6/9/1942 sau khi nhắn lại với các đồng chí của mình: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

-------------------------------------

(1) Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu 1924-1927. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.52-53.

(2) Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Việt và công bố trong sách Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.545–632.

(3) Tiểu sử tự thuật - Dẫn lại từ Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường. Sđd, tr.726.

(4) Theo bản Tiểu sử tự thuật (bản tự khai lý lịch) của đồng chí Lê Hồng Phong tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bằng tiếng Nga (ngày 25/8/1935) thì đồng chí được Đại hội Đảng I họp tháng 3/1935 bầu là Tổng Thư ký (Bí thư) - Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường, Sđd, tr.727.

Theo: nhandan.vn