Thứ 7, 11/05/2024, 11:11[GMT+7]

Những tháng ngày không thể nào quên

Thứ 2, 29/04/2013 | 20:43:09
1,568 lượt xem
Cảm giác xúc động xen lẫn niềm tự hào là tâm trạng của nhiều cựu chiến binh mỗi dịp cả nước kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4/1975. Với bác Vũ Văn Cối (nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3), bác Phạm Hải Triều (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định), âm vang về những trận đánh, khí thế những ngày tiến công quét sạch quân thù vẫn còn hiển hiện như mới hôm nào. Đó thực sự là những tháng ngày không thể nào quên.

Cựu chiến binh Vũ Văn Cối và cựu chiến binh Phạm Hải Triều ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng 4/1975 lịch sử.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định của bác Triều được mệnh danh là “quả đấm thép” giữa lòng Sài Gòn - Gia Định. Trong ký ức của mình, bác Triều vẫn nhớ rõ những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, khiến cho quân địch bao phen khiếp đảm. Đó là trận tiêu diệt Phân chi khu Tân Thới Hiệp cuối tháng 12/1974, ta chiến thắng giòn giã chỉ với 12 cán bộ, chiến sĩ; là trận tiêu diệt Phân chi khu An Nhơn – Gò Vấp (nằm sát bộ tư lệnh pháo binh, thiết giáp ngụy) tháng 3 năm 1975…

 

Còn trận đánh Phân chi khu Thới Tam Thôn - Hóc Môn (ngay cạnh Quận lỵ Hóc Môn) lúc 0 giờ ngày 2/4/1975, 16 cán bộ, chiến sĩ đặc công dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Hải Triều chỉ trong chốc lát đã tiêu diệt gọn toàn bộ Phân chi khu cùng 3 lính và 56 cảnh sát ngụy. Những trận đánh của Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định không chỉ làm tiêu hao sinh lực địch mà còn giúp đơn vị thực hành kiểu tác chiến mới, đó là kết hợp giữa đặc công và biệt động.

 

 

Tiểu đoàn trưởng Phạm Hải Triều đang xây dựng phương án đánh cửa mở  Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu gia đình

 

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ trong 5 ngày (từ 21 đến 25/4/1975), Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định đã hoàn thành nhiệm vụ điều nghiên, xác định 2 vị trí cửa mở Sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo quyết tâm chiến đấu lên Sở chỉ huy tiền phương cánh Gò Vấp. Thời gian ngắn, nhiệm vụ nặng nề song cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc.

 

 

Đêm 28, rạng ngày 29/4, Tiểu đoàn dùng 36 quả mìn mở thông 2 cửa mở Sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là hiệu lệnh để cả cánh Gò Vấp đồng loạt tấn công các mục tiêu đã định. Sáng 29/4, lữ đoàn dù 81 của ngụy ra phản kích song đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của ta. Đến chiều 29/4, ta đã giải phóng toàn bộ tuyến đường 15 với khoảng hơn 7.000 dân của 2 xã Thông Tây Hội và Hạnh Thông Tây, bắt gần 3.000 tù binh. 5 giờ sáng ngày 30/4, nhận lệnh tổng công kích từ cấp trên, Tiểu đoàn trưởng Phạm Hải Triều đã tổ chức đơn vị thành 2 mũi thọc sâu đánh chiếm nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời bắt liên lạc với Ban liên lạc quân sự 4 bên tại Trại Đa-vít.

 

9 giờ sáng, nhận lệnh từ đồng chí Trần Mân, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, toàn bộ Tiểu đoàn, với sự dẫn đường của biệt động đã tổ chức đánh chiếm 5 mục tiêu: bệnh viện Vì Dân ở ngã tư Bảy Hiền, ty cảnh sát quận 3, trung tâm huấn luyện cảnh sát quốc gia, cư xá Bắc Hải (nơi ở của sĩ quan ngụy) và khu trung tâm văn hóa Mỹ. Đến 10 giờ 30 phút, các mục tiêu đã bị Tiểu đoàn khống chế toàn bộ và tổ chức lực lượng chốt giữ. 11 giờ 30 phút, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc, toàn thắng đã về ta.

 

Với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân của Tiểu đoàn cũng được biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, ngày 22/2/2010, Tiểu đoàn 4 Đặc công Gia Định đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Trong căn phòng nhỏ, ngồi bên những người đồng chí, đồng đội đã từng một thời cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương nhưng lòng người Tiểu đoàn trưởng năm xưa vẫn không thôi nhớ về những người đã ngã xuống. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả Tiểu đoàn có 7 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương. Vẫn biết chiến tranh là có mất mát, có hy sinh nhưng lòng vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động. Bác Triều cho rằng, mình đã may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống, vì thế phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các đồng chí, để mọi người đều tự hào khi nói đến những người lính Bộ đội Cụ Hồ trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Minh Sơn

 

 

  • Từ khóa