Thứ 7, 11/05/2024, 11:22[GMT+7]

Kỷ niệm 195 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2013) Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Chủ nhật, 05/05/2013 | 17:05:47
7,738 lượt xem
Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất, đó là con người. Trong suốt hành trình của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin không bao giờ xa rời mục tiêu giải phóng con người, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Ðó là tư tưởng khoa học, mang tính nhân văn cao cả và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Ảnh tư liệu

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, được tổng kết, đúc rút từ sự phân tích toàn bộ lịch sử nhân loại và thực tiễn xã hội thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, kế thừa một cách có hệ thống những giá trị tư tưởng và thành tựu khoa học quan trọng nhất của loài người. Nó cung cấp cho chúng ta một thế giới quan khoa học và cách mạng, những quy luật phổ biến về sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người.

 

Ðặc biệt, về mặt xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật vận động của lịch sử nhân loại và con đường tất yếu tới chủ nghĩa cộng sản - một hình thái phát triển cao của xã hội loài người, trong đó con người được tự do, hạnh phúc, có đủ các điều kiện để phát triển và hoàn thiện một cách toàn diện.

 

Cùng với sự vận động nhanh chóng của thực tiễn thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng có những trải nghiệm thực tế và sự phát triển phong phú, sinh động. Ðó là sự không ngừng đổi mới về nhận thức thế giới trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và những thành tựu khoa học mới để nâng cao năng lực tư duy, năng lực cải tạo thế giới của con người; là sự phát triển nhận thức về thời đại và con đường, phương pháp, mục tiêu cánh mạng thích ứng với những đặc điểm, điều kiện của thời đại; đó là quá trình không ngừng tổng kết những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để đổi mới về mô hình phát triển xã hội, về chiến lược phát triển và duy trì các quan hệ quốc tế tích cực, có lợi cho mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội; là sự phát triển và vận dụng những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng trong những điều kiện lịch sử, thực tiễn vô cùng phong phú của các quốc gia, dân tộc trên khắp thế giới, v.v..

 

Thực tiễn lịch sử của thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI vừa qua là minh chứng không thể chối cãi cho điều đó. Hàng loạt dân tộc với hàng tỷ người đã vùng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là thể hiện khát vọng chân chính, nóng bỏng của nhân loại. Sự thành công và những thành tựu to lớn vào thời kỳ đỉnh cao của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước ở châu Âu, châu Á không chỉ là hiện thực hóa lý tưởng giải phóng con người, xây dựng một xã hội hài hòa, hạnh phúc, mà còn là một động lực quyết định mạnh mẽ cho những biến đổi tích cực ngay cả ở các nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.

 

Ở thời điểm hiện nay, khi mà mô hình XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu thì con đường XHCN vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều dân tộc ở Tây bán cầu và khắp các châu lục khác. Ðặc biệt, khi nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, không ít nhà xã hội học, nhà tư tưởng, trong đó có cả những đại diện của giới tư sản đã trở lại với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà thực chất là trở lại với những nguyên lý căn bản trong quản lý kinh tế - xã hội của học thuyết về chủ nghĩa xã hội.

 

Tại Việt Nam, từ những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác- Lênin thâm nhập vào thông qua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số chiến sĩ cách mạng tiền bối thời bấy giờ và ngày càng được truyền bá rộng rãi. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đem lại cho chúng ta nền tảng tư tưởng vững chắc, những điểm tựa lý luận, phương pháp luận khoa học sâu sắc, giúp chúng ta nâng cao tầm tư tưởng, tầm trí tuệ, tư duy độc lập, sáng tạo, tìm ra con đường và giải pháp đúng để xử lý các vấn đề quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc.

 

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Namon>. Người đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội nhờ có sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm bắt được tinh thần và xu thế phát triển của thời đại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người đã nhiều lần khẳng định rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột và nô dịch, mới giải quyết tận gốc vấn đề giải phóng xã hội, giải phóng con người.

 

Chúng ta đang bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, loài người tiến bộ đang chứng kiến những diễn biến hết sức phức tạp của thế giới. Những xu thế phát triển của thế giới cùng với những biến đổi sâu sắc đang diễn ra trên các lĩnh vực không những trong phạm vi quốc gia - dân tộc mà còn diễn ra ở tất cả các khu vực và trên toàn cầu.

 

Chủ nghĩa xã hội với những bản chất tốt đẹp của nó vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới, những giá trị nhân văn cao cả của nó vẫn đầy sức sống và tồn tại sinh động trong đời sống nhân loại. Sau những biến động lịch sử cuối thế kỷ XX, các nước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Một số nước tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từng bước được phục hồi, có sự tập hợp lực lượng dưới nhiều hình thức mới. Phong trào “cánh tả” ở Tây Âu và Mỹ La-tinh có bước phát triển mới, đặc biệt là phong trào “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” nổi lên ở nhiều nước Mỹ La-tinh.

 

Ðối với nước ta, chúng ta đã thực hiện chính sách đổi mới đã 25 năm nhưng nhiều vấn đề lý luận về sở hữu, về thời kỳ quá độ, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội... vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời thật sáng tỏ.

 

Trong một thế giới sống động và đầy thách thức, chúng ta phải xét tới những mâu thuẫn, đối lập nhau trong trật tự thế giới đa cực, trong quá trình toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối hiện nay để chọn một lối đi thông minh, sáng tạo, có lợi cho sự phát triển. Ðể đạt được mục đích đặt ra mà vẫn giữ vững phương hướng chính trị, không phạm sai lầm về đường lối, đặt ra cho chúng ta yêu cầu cấp bách là không những phải nắm vững, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện, tình hình mới.

 

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của Mác, Ăng-ghen, Lênin; phải đổi mới tư duy để trở về với chính thực chất hệ thống luận điểm của các ông đã hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể, trong đó cần hết sức chú ý đến những bổ sung, phát triển mà chính các ông phác họa trước những thay đổi của thực tiễn.

 

Ðiều quan trọng là phải đặt những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong cả hệ thống như một chỉnh thể, không được cắt xén. Chúng ta phải xác định rõ những luận điểm nào trước đây đúng, nay vẫn đúng và về sau vẫn đúng; những luận điểm nào không còn phù hợp do thực tiễn đã thay đổi; những luận điểm gì vốn đúng, nhưng bị nhận thức và vận dụng sai; những luận điểm mới gì cần được phát triển, cần nhận thức lại, bổ sung vào lý luận cách mạng...

 

Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin phải trên cơ sở khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận thách thức. Không quá câu nệ và không được có thái độ cực đoan đối với những sai lầm cũng như sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Ðông Âu để từ đó phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội; cũng không vì bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội mà biến nó thành giáo điều, xơ cứng, trở thành bảo thủ, coi nhẹ yêu cầu đổi mới và phát triển.

 

Không nên phủ định, vứt bỏ những tiền đề, động lực đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển, mà cần nhìn nhận đó là thành tựu của nền văn minh nhân loại để có cách xử lý, vận dụng một cách hợp lý, có hiệu quả. Và đương nhiên, chúng ta phải cương quyết phê phán những quan điểm đi ngược lại những gì thuộc về bản chất, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội. Ðồng thời, phải dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để đánh giá đúng đắn tính chất, hiệu quả từng bước đi, từng sách lược xây dựng, phát triển đất nước, dám nhìn thẳng vào những sai lầm để khắc phục và hoạch định cho sự phát triển đi lên.

 

Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin  phải trên cơ sở thực tiễn xây dựng đất nước và những điều kiện cụ thể của thế giới đương đại. Trong giai đoạn phát triển mới này, tình hình nước ta đã khác xa so với Liên Xô, Ðông Âu trước đây, hay Trung Quốc hiện nay và cũng khác xa so với tình hình của Việt Nam 25 năm trước. Vì vậy, để nhận thức và đánh giá rõ thực tế Việt Namon> cần phải đặt những thay đổi của Việt Namon> hiện nay trong bối cảnh, xu thế phát triển chung của thời đại. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải luôn tìm tòi sáng tạo những giải pháp đặc thù cho sự phát triển đất nước. Trong khi đòi hỏi phải cảnh giác với nguy cơ chệch hướng, chúng ta cũng cần phải đặt ra vấn đề chống chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ - một thứ nguy cơ có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 

Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất, đó là con người. Trong suốt hành trình của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin không bao giờ xa rời mục tiêu giải phóng con người, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Ðó là tư tưởng khoa học, mang tính nhân văn cao cả và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ðiều đó, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng sáng tạo, hình thành những giải pháp hợp lý, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta để từng bước thực hiện mục tiêu giải phóng và phát triển con người toàn diện.

 

Từ khi ra đời cho đến nay, nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Ðảng ta đã dẫn dắt cách mạng Việt Namon> đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Namon> đã minh chứng hùng hồn: bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn cao cả là nguồn gốc sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin. Công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Namon> đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình và ngày càng thu được những thành tựu to lớn. Kiên định với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Namon> nhất định Ðảng ta sẽ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Namon> xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Website Ðảng cộng sản

 

  • Từ khóa