Thứ 6, 10/01/2025, 08:53[GMT+7]

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII Nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao trước nhân dân

Thứ 2, 08/07/2013 | 08:40:26
1,871 lượt xem
Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và cử tri Thái Bình mong muốn tìm hiểu về kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII, những đổi mới tại kỳ họp, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tại kỳ họp và việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri Thái Bình.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc, trao đổi với cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII..

Ông Phạm Xuân Thường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, sau một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, đạt nhiều kết quả; có nhiều nội dung mới được cử tri quan tâm theo dõi và để lại nhiều ấn tượng. Riêng Đoàn ĐBQH Thái Bình đã phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, hoạt động tích cực, hiệu quả. Đoàn cũng đã tập hợp đầy đủ ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, đồng thời cũng nhận được nhiều văn bản của các bộ, ngành trả lời về ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình tại kỳ họp trước.

 

Ngoài việc tập trung xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2012, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH những tháng đầu năm 2013, nhận rõ những tồn tại, hạn chế, Quốc hội đã nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ những tháng cuối năm là: tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

 

Tại kỳ họp, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận và thông qua 9 dự án luật và một số nghị quyết. Trong đó Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013 khẳng định: khi hết thời hạn sử dụng, Nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành; khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi).

 

Do Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống của người dân, một số nội dung của Dự thảo Luật lại liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên đa số đại biểu nhất trí chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này mà sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6, sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992.

 

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đã đánh giá kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở đó xem xét, thảo luận kỹ việc tiếp thu ý kiến nhân dân để chỉnh lý. Các ĐBQH cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục xin ý kiến nhân dân, kịp thời chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.

 

Nét mới của kỳ họp này là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47/49 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri (2 người giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này nên theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 Quốc hội không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm). Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị và triển khai theo đúng quy định. Kết quả lấy phiếu được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đông đảo nhân dân đồng tình, theo dõi, giám sát. Đây cũng là cơ hội để những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tự nhìn nhận, đánh giá để nỗ lực hơn trong công việc. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội cũng là kinh nghiệm tốt cho HĐND các tỉnh, thành phố nói chung và Thái Bình nói riêng trong thực hiện chức năng giám sát mới và quan trọng này tại kỳ họp HĐND trong thời gian tới.

 

Tại kỳ họp có tổng số 197 ý kiến chất vấn của 89 đại biểu ở 47 đoàn ĐBQH. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội thuộc lĩnh vực của các bộ, ngành. Đoàn ĐBQH Thái Bình đã tích cực tham gia các hoạt động tại kỳ họp nói chung và hoạt động thảo luận và chất vấn nói riêng, trong đó tham gia tổng số 32 ý kiến thảo luận tổ, 17 ý kiến thảo luận tại hội trường và có 3 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường gồm 2 ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 1 ý kiến chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Tại Kỳ họp thứ 4, có 1.487 kiến nghị của cử tri cả nước, trong đó có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình được tổng hợp, gửi đến các cơ quan tổ chức hữu quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết và tính đến Kỳ họp thứ 5 đã trả lời đầy đủ. Đoàn ĐBQH Thái Bình nhận được công văn của 16 bộ, ngành, trả lời 46 ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời đủ 10 ý kiến kiến nghị; Bộ Y tế 3 ý kiến, Bộ Nội vụ 4 ý kiến; Bộ Tài nguyên và Môi trường 4 ý kiến; Bộ Giáo dục và Đào tạo 4 ý kiến...

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa