Thứ 6, 09/08/2024, 20:01[GMT+7]

Hoa trên tuyến lửa

Thứ 2, 15/07/2013 | 08:29:57
1,909 lượt xem
Những năm 1965 - 1975, phong trào thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước được phát động mạnh mẽ và sâu rộng. Cũng như tuổi trẻ cả nước, những thanh niên quê lúa Thái Bình hừng hực khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" tình nguyện gia nhập TNXP đi mở đường, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Đại đội 932 Đội 81 TNXP Thái Bình ra hiện trường làm việc. Ảnh tư liệu do Hội TNXP cung cấp

Dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng những chàng trai, cô gái quê hương 5 tấn vẫn "tươi như hoa" "Đón xe đến, tiễn xe đi/ Kể chi đạn nổ, xá gì bom rơi/ Cung đường như mạch máu sôi/ Chẳng than thở dẫu đầy vơi nhọc nhằn" - thơ Lại Tây Dương. Với tinh thần "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm" của những người lính TNXP ngày ấy, các trọng điểm địch đánh phá khốc liệt nhất như ga Phủ Lý, cầu Đò Lèn, cầu Hàm Rồng, đỉnh núi Chà Ang... đã được giữ vững, góp phần bảo đảm các tuyến đường thông suốt phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Lịch sử truyền thống TNXP đã ghi đậm những chiến công, những sự kiện trên các trọng điểm chiến đấu ác liệt. Với ông Đinh Nhật Lệ, nguyên phụ trách đơn vị C895 Đội 89 TNXP đường sắt Việt Nam, ký ức về trận chiến ở Ga Gôi và hình ảnh người đồng đội dũng cảm Nguyễn Thị Hồng Mùi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 C895 không bao giờ phai trong tâm trí. Ông kể: "Trong trận chiến đấu cứu tàu, cứu hàng tại Ga Gôi ngày 20/8/1966, ngay từ những phút đầu tiên sau khi được lệnh của chỉ huy, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Mùi đã lao vào trận địa cõng đồng đội bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm. Hết người này đến người khác, như một con thoi, chị vừa làm vừa hướng dẫn mọi người hô hấp nhân tạo cứu đồng đội. Cứu được 20 người thì bản thân chị cũng kiệt sức và hy sinh khi trên lưng còn đang cõng một đồng đội".

Trong những năm 1966 - 1967, "tuyến lửa" từ cầu Đò Lèn, cầu Tào đến Thị xã Thanh Hóa bị đánh phá ác liệt. Ông Hoàng Công Ánh, nguyên Đội phó Đội 93 TNXP đường sắt nhớ lại: "Cầu Hàm Rồng khi đó sừng sững soi mình trên dòng sông Mã, là "huyết mạch" để vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Vì thế, đế quốc Mỹ không tiếc bom đạn dội xuống khu vực này suốt ngày đêm. Hơn 3 năm dũng cảm bám trụ nơi trọng điểm, mồ hôi và xương máu của 600 TNXP Đội 93 là con em quê hương Đông Quan, Duyên Hà đã đổ xuống góp phần giữ vững mạch máu giao thông nơi cung đường này luôn thông suốt".

Cũng trên tuyến đường này, ngày 11/5/1967 máy bay Mỹ đánh hỏng đường sắt khu vực núi Nấp, núi Nhồi thuộc huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Khi ấy, Đại đội 873 lập tức có mặt khẩn trương san lấp với tinh thần "Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc". Bà Nguyễn Thị Hồng Chiến, cựu TNXP C873 nhớ lại: "Chỉ còn 15 phút là hoàn thành nhiệm vụ thì bất ngờ máy bay Mỹ đánh bom tọa độ. Lúc đó phần lớn lực lượng được rút khỏi công trình chỉ còn lại tổ xung kích C873 và lực lượng cán bộ kỹ thuật đường sắt ở lại làm nhiệm vụ kiểm tra mặt bằng, xiết lại bu lông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn tàu sắp thông tuyến. Bốn quả bom rơi trúng đội hình C873 khiến không ai kịp chạy vào hầm trú ẩn. 13 nữ TNXP tổ xung kích của đại đội đã hy sinh". Tưởng nhớ đến các liệt sĩ, sau này, chính quyền và nhân dân nơi đây đã xây dựng đài tưởng niệm 13 nữ liệt sĩ Thái Bình để mãi mãi "Các em quê ở Thái Bình/ Cũng là con của xứ Thanh anh hùng".

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tuyến đường Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình bị địch đánh phá khốc liệt. Đại đội 953  được thành lập gồm cán bộ, chiến sĩ của ba huyện Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thụy Anh có nhiệm vụ giữ trọng điểm 448 đường 15 miền Tây Quảng Bình. Đây là đoạn đường 2 km cua gấp, vực sâu, không một ngọn cỏ, bóng cây, cả một vùng núi đất đỏ bị bom đạn cày xới. Trên trời luôn có máy bay trinh thám của địch, trời mưa có bom từ trường, trời tối có pháo sáng soi rọi. Nêu cao khẩu hiệu "Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi. Địch phá ta cứ đi", những người lính TNXP C953 với tinh thần và quyết tâm giữ cho tuyến đường luôn thông suốt đã trụ vững trên trọng điểm hàng trăm ngày đêm. Nơi đây, đã có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ bị thương, 18 chàng trai, cô gái Thái Bình mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. 

Ông Hoàng Công Ánh kể: Tinh thần chiến đấu anh dũng của những người lính TNXP còn ghi dấu nơi đỉnh núi Chà Ang trên đường 20 Quyết Thắng. Khi đó, Đại đội 932 TNXP Thái Bình cắm chốt từ K9 đến K14 trong đó có trọng điểm "cuống họng" K12 thuộc đỉnh núi Chà Ang là túi bom vô tận. Trên đỉnh núi Chà Ang trơ trụi ấy có một mỏm đá nhô ra chon von hiểm trở. Đứng ở đó có thể quan sát cả cung đường, nhìn rõ chỗ nào bị tắc, chỗ nào còn bom nổ chậm để báo về cho đơn vị kịp thời xử lý. Thế nhưng, đây là chốt nguy hiểm, đứng ở Chà Ang là đối diện với sự hy sinh. C932 đã dũng cảm nhận nhiệm vụ lên đỉnh núi để trinh sát.

Ngày đầu, TNXP Phạm Thị Nga lên cùng hai bộ đội hướng dẫn trinh sát. Bất ngờ tên lửa của Mỹ từ xa bắn tới, cả ba người hy sinh. Những ngày sau, Đoàn Thị Lơ rồi Đoàn Thị Công lên chốt. Lơ, Công hy sinh, Đoàn Thị Chắn lên thay. Chắn hy sinh, Sửu lên thay. Mặc cho đạn rít, bom gầm, cứ người này ngã xuống người kia lên thay chiếm lĩnh cao điểm quan sát máy bay, đánh dấu bom nổ chậm. Đã 12 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn người cuối cùng là Phí Thị Quyết. Chị đã cắm chốt gần 2 tuần liền cho đến ngày Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá hoàn toàn miền Bắc. Hôm đầu tiên miền Bắc im tiếng bom, chị đã trèo lên chốt lấy mảnh khăn dù đỏ làm cờ vẫy và cười to: "Giôn - xơn, mày chịu thua chưa?". Hình ảnh dũng cảm, kiêu hãnh, kiên cường của những cô gái trẻ trên đỉnh Chà Ang mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất khắc vào núi sông Tổ quốc Việt Nam.

Trong lịch sử đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược, lực lượng TNXP tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của lớp lớp thanh niên. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời biết ơn công lao của các liệt sĩ, thương binh TNXP nói chung và TNXP Thái Bình nói riêng đã hiến trọn tuổi xuân, vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường, các trọng điểm, góp xương máu của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, những TNXP Thái Bình với tinh thần "Đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất kỳ việc gì Tổ quốc cần" đã tiếp tục viết nên những trang sử mới trên các mặt trận lao động, sản xuất, học tập. Các anh chị là biểu tượng sáng ngời, là niềm tự hào không chỉ của các thế hệ thanh niên Việt Nam mà còn của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay vô cùng tự hào và cảm phục chiến công của các anh, các chị - những người lính TNXP, những bông hoa đẹp nhất, bất diệt trong lửa đạn của quân thù.

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày