Thứ 5, 25/04/2024, 18:38[GMT+7]

Chiếc Ăng gô một kỷ vật thời khói lửa

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:28:40
9,243 lượt xem
Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng ban liên lạc Thanh niên xung phong (TNXP) C206 Ðường sông đưa tôi xem chiếc ĂNGGÔ đã cũ, sơn tróc gần hết, nhưng ngược theo hành trình của chiếc ĂNGGÔ ấy là biết bao câu chuyện tưởng như còn mới.

Ảnh tư liệu

Ra đời cuối năm 1965, C206 Ðường sông nằm trong đội hình Ðoàn vận tải 3 do Cục vận tải Ðường sông thuộc Bộ Giao thông trực tiếp quản lý. C206 được biên chế gần 300 nam thanh niên cường tráng của huyện Thụy Anh, Thái Ninh và Ðông Quan cũ có tên “Ðại đội Ðường sông” bởi C206 đặc trách dùng thuyền vận chuyển lương thực, dầu mỡ, nhu yếu phẩm từ Thanh Hóa theo Kênh nhà Lê vào Hà Tĩnh. Những con thuyền gỗ do chiến sĩ TNXP C206 sử dụng có sức chở trên dưới 10 tấn rất cơ động. Thuyền được đóng hoàn  toàn bằng đinh gỗ nhằm vô hiệu hóa bom từ trường của giặc Mỹ. Mỗi con thuyền biên chế 5 chiến sĩ. Khi gió xuôi có thể giong buồm. Gặp lúc lặng gió, anh em bảo nhau xoay trần oằn lưng hết chèo lại chống sào. Gặp dòng nước ngược chảy xiết, chỉ trừ người cầm lái còn tất cả phải nhảy lên bờ bò rạp kéo dây. Chỉ thời gian ngắn sau, giặc Mỹ nhận ra lợi hại của Kênh nhà  Lê, chúng cấp tập huy động máy bay và pháo hạm đánh phá hết sức ác liệt. Chèo chống con thuyền vận tải trên Kênh nhà Lê lúc bấy giờ được coi ngang hành vi cảm tử.

 

Chặng đường thủy Thanh Hóa – Hà Tĩnh chỉ 300 cây số, do trắc trở mưa bom bão đạn, cả đi lẫn về mất 1 tháng. Suốt hành trình xuôi ngược Kênh nhà Lê chiến sĩ C206 phải thường trực đối mặt với đạn 20 ly rốc két, bom bi, bom phá, pháo tầm xa và đặc biệt là thủy lôi từ trường. Trong số lũ giặc trời nguy hiểm phải kể đến máy bay AD6 của hải quân Mỹ. AD6 bay chậm nhưng vô cùng tinh quái. Chúng lừ lừ một mình soi mói mục tiêu. Phần thân AD6 được bọc lớp cao su dày rất khó bắn thủng vì vậy nó ngạo mạn làm mưa làm gió ngay trên đầu các chiến sĩ vận tải.

 

Ngày 5/8/1967, khi đang thực thi nhiệm vụ, thuyền trưởng Lê Xuân Ðình người xã Thụy Liên (nay thuộc huyện Thái Thụy) bất ngờ đối đầu với một chiếc AD6. Trên đoạn kênh trống trải, cả tốp thuyền của C206 hiện ra lộ liễu trước con mắt kẻ thù. Trong khoảnh khắc một mất một còn, vốn sẵn bản lĩnh tiến công kẻ thù, Lê Xuân Ðình bình tĩnh lên đạn khẩu K44, đứng thẳng tư thế tác chiến. Thằng giặc trời vừa chạm tầm ngắm, Lê Xuân Ðình xiết cò trút gọn ổ đạn về hướng mục tiêu. Bị đánh vỗ mặt, thằng giặc hung hãn xả rốc két trùm lên con thuyền bé nhỏ, Lê Xuân Ðình anh dũng hy sinh.

 

Sau vụ Lê Xuân Ðình đánh trả AD6, mọi con thuyền trên dòng Kênh nhà Lê đều trở thành mục tiêu truy sát của máy bay Mỹ. Biện pháp ứng phó mới lập tức ra đời: Ban ngày thuyền ngụy trang tìm nơi tránh trú. Thủy thủ lên bờ náu mình dưới lùm cây hoặc hầm hố tự tạo. Ðể hạn chế thương vong, mọi hoạt động phải nhanh gọn, kín đáo vì vậy  hình thức hậu cần không thể tập trung mà phải chia nhỏ theo từng thuyền thậm chí từng cá nhân. Mỗi chiến sĩ C206 Ðường sông được cấp phát một chiếc ĂNGGÔ dùng làm “dụng cụ bếp núc đa năng”.

 

ĂNGGÔ được chế tạo bằng loại nhôm đặc chủng gồm 2 phần: thân và nắp. Gắn liền với nắp là một chiếc “vít” to bản, chắc chắn. Khi đậy nắp, chiếc “vít” ôm chặt vào đáy ĂNGGÔ khiến đồ ăn khô, đồ ăn nước đựng bên rất an toàn cho dù phải di chuyển, vận động liên tục. Một chi tiết thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng hết sức quan trọng đó là chiếc quai của ĂNGGÔ. Bình thường giữ chức năng “quai xách” hoặc đeo vào dây lưng mỗi khi hành quân. Quan trọng là khi nổi lửa, cứ việc mắc quai xách vào giá đỡ dã chiến, ĂNGGÔ nghiễm nhiên trở thành chiếc xoong đun nấu đa năng. Gạo, nước bỏ vào ĂNGGÔ, đậy nắp  lại rồi treo lên đoạn cành cây bắc ngang. Lượm củi khô, rơm rạ châm lửa đun phía dưới. Cơm cạn nước có thể vùi ĂNGGÔ vào than hồng  hoặc dùng cỏ khô, rơm rạ đốt phía trên. Nhờ chiếc nắp rất khít nên cơm nhanh chín và chẳng bao giờ bị tro than lọt vào. Cơm chín rỡ ngay ra, ĂNGGÔ tiếp tục đảm đương chức năng chiếc xoong chế biến mọi món thức ăn.

 

Là TNXP chiến đấu trên Kênh nhà Lê, bắt buộc phải để tâm một điều đã được “luật hóa”: Tuyệt đối không dùng ĂNGGÔ đun nấu ban đêm. Tạo ánh lửa giữa đêm tối rất nguy hiểm chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Ngay cả ban ngày cũng vậy. Phải thuộc lòng quy luật hoạt động của máy bay Mỹ trước khi nhóm lửa nấu ăn nếu không khói bếp sẽ trở thành mục tiêu của hỏa lực Mỹ bất cứ lúc nào. Về khoản này, chiến sĩ TNXP nào cũng đã tích góp được rất nhiều kinh nghiệm xương máu. 5 thủy thủ sống chết với một con thuyền chẳng khác nào “5 anh em trên một chiếc xe tăng”. Khi nổi lửa, các chiến sĩ trước tiên phải dự tính nguồn nước sẵn sàng phi tang vệt khói nếu bất ngờ máy bay ập tới. Ban ngày, 5 chiếc ĂNGGÔ là 5 cái nồi nấu. Khi màn đêm buông xuống, 5 chiếc ĂNGGÔ là 5 chiếc cặp lồng dựng cơm canh, nước uống sẵn sàng tiếp năng lượng cho chiến sĩ thức thâu đêm vận hành con thuyền ăm ắp hàng hóa chuyển ra tiền phương.

 

3 năm làm thủy thủ, các chiến sĩ TNXP C206 Ðường sông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tỏ rõ bản lĩnh “đào núi và lấp biển” của sức trẻ Thái Bình trên tuyến vận tải Kênh nhà Lê máu lửa. 16 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Số còn lại về với đời thường đa phần bị sức ép thủy lôi, mảnh bom đạn đang găm trong người hoặc chịu tật bệnh do di hại chiến tranh.

 

Bom đạn đã chấm dứt gần 40 năm. Hình bóng những con thuyền gan góc ngày nào đã trở thành ký ức. Chỉ có những chiếc ĂNGGÔ nhỏ nhoi - bạc màu thời gian vẫn được một số chiến sĩ TNXP C206 Ðường sông nâng niu gìn giữ bởi đó chính là vật chứng hậu cần ở một thời kiêu hùng không bao giờ lãng quên.

Hoàng Ngọc Khuyến

Khu 3 Thị trấn Diêm Ðiền

 

  • Từ khóa