Chủ nhật, 05/01/2025, 10:11[GMT+7]

Quan điểm chiến tranh nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp xây dựng nền Quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc

Thứ 2, 01/01/2024 | 16:56:22
13,917 lượt xem
Thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và bằng tư duy nhạy bén, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam với những nội dung đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị - quân sự song toàn.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam cùng các đồng chí đang nghiên cứu bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum, 1964. Ảnh tư liệu.

Qua một số tác phẩm và chỉ đạo thực tiễn của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bài viết góp phần làm rõ thêm một số nội dung cơ bản, khẳng định những giá trị lý luận về chiến tranh nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Phát huy sức mạnh của toàn dân, của lực lượng vũ trang ba thứ quân trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Kế thừa truyền thống “dân vi bản”, “nước lấy dân làm gốc” của dân tộc, thấm nhuần nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, ngay từ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước tình hình mặt trận Huế “bị vỡ”, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Mất đất chưa phải mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Chúng ta không để mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”(1). Đồng chí căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải giữ vững kỷ luật, kiên trì trụ bám, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giúp đỡ nhân dân bằng những việc làm thiết thực. Năm 1951, trong bài Tranh thủ nhân dân, đồng chí đúc kết: “Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì: Còn dân thì còn nước. Mất dân là mất nước”(2); nhân dân chính là lực lượng, là nền tảng, cội nguồn sức mạnh của chiến tranh nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Một dân tộc nhỏ muốn bảo vệ Tổ quốc trước các đội quân xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh thì không chỉ dựa vào lực lượng quân đội chính quy mà phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân với hai quả đấm: Quả đấm chính quy và quả đấm du kích. Không ai đánh địch lại chỉ dùng một tay, phải dùng cả hai tay. Đại tướng phân tích, chỉ rõ: Trong chiến tranh hiện đại, quy mô chiến tranh, lực lượng sử dụng sẽ lớn hơn. Điều đó càng đòi hỏi chúng ta phải quán triệt tư tưởng vũ trang toàn dân, tổ chức toàn dân đánh giặc, “không những quân biết đánh giặc mà dân cũng biết đánh giặc, không phải đánh giặc ở một mặt mà phải đánh tất cả mọi mặt, không phải đánh bằng một quả đấm mà đánh bằng hai quả đấm”(3). 

Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:  “Chiến tranh sau này dù trình độ chính quy hiện đại nhưng bản chất vẫn không có gì thay đổi. Đối với địch đó là chiến tranh xâm lược phản nhân dân, phản cách mạng. Đối với ta vẫn là chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc của toàn dân. Muốn giành được thắng lợi phải phát động toàn dân tham gia, phải có quân đội thường trực, bộ đội địa phương, dân quân du kích”(4). Đồng thời phê phán, chấn chỉnh tư tưởng cho rằng, kháng chiến thì cần đến dân quân tự vệ, còn trong chiến tranh hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển thì “miếng võ” dân quân tự vệ đã “lạc hậu”, không còn tác dụng nữa. 

Để đánh thắng quân đội nhà nghề Mỹ có sức mạnh quân sự hơn ta gấp nhiều lần, Đại tướng nhấn mạnh phải “mở rộng và đưa cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện lên mức độ cao”(5). Phát động toàn dân tích cực, chủ động tham gia kháng chiến, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng của chúng ta càng ngày càng có tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc, quyết liệt và bền bỉ. Xây dựng, củng cố cả ba thứ quân, cùng phối hợp hoạt động chặt chẽ và thúc đẩy nhau cùng tiến lên không ngừng. Củng cố và mở rộng hậu phương của chiến tranh về cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, huy động nhân tài, vật lực cung cấp ngày càng nhiều cho tiền tuyến. Dựa vào con người, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng(6)... Đi đôi với phát huy sức mạnh toàn dân, phải đặc biệt chú trọng xây dựng quân đội - lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân; xây dựng những “quả đấm” chủ lực mạnh, có sức cơ động cao, bố trí ở những địa bàn xung yếu, có khả năng giáng những đòn tiêu diệt lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Chỉ trên cơ sở phát huy được sức mạnh của chiến tranh nhân lên một trình độ cao, ta mới giữ vững được quyền chủ động chiến lược, liên tục tiến công địch, càng đánh càng mạnh. 

Quan điểm về vai trò, sức mạnh chiến tranh nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ đã xuất hiện nhiều loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật công nghệ cao, dẫn đến sự thay đổi về phương thức tiến hành chiến tranh, hình thái chiến tranh, không gian, thời gian tác chiến; tác động đến nhân tố con người, tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang, nghệ thuật quân sự… Thế nhưng đối với Việt Nam, đúng như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhận định: Chiến tranh sau này dù trình độ chính quy hiện đại nhưng đối với ta vẫn là chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc của toàn dân. Trong Chiến lược Quân sự Việt Nam thời kỳ mới, Đảng ta tiếp tục nhất quán kiên định đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đảng ta khẳng định, sức mạnh của nền quốc phòng Việt Nam là sức mạnh toàn dân, toàn diện, của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó là nền quốc phòng “vì dân, của dân, do dân”, “lấy dân làm gốc”. Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, đối ngoại, khoa học và công nghệ... Chú trọng xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị - tinh thần, ưu thế tuyệt đối của chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc làm cơ sở để xây dựng các tiềm lực khác. Tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và toàn dân. 

Vận dụng, phát triển lý luận về xây dựng quả đấm “chính quy và quả đấm du kích”, Đảng đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng cân đối, đồng bộ, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” làm nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân; chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo hướng “vững mạnh và rộng khắp”, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm về tổ chức, biên chế, trang thiết bị vũ khí, quản lý chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là cơ sở quan trọng để giữ vững, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân.

2. Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp, chủ động tiến công địch

Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trong chiến tranh giải phóng cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phải xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, rộng khắp, thực hiện ở đâu có dân là ở đó có người đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng khẳng định: Phải xây dựng, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc trên chiến trường toàn quốc, ở miền núi, đồng bằng và đô thị; ở cả hậu phương, vùng tự do và vùng địch hậu… tạo nên thế trận chiến tranh nhân vững chắc, rộng khắp. Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; giữa hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ với tác chiến của bộ đội chủ lực; giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch; giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp, liên tục tiến công địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở chiến trường miền Nam, Đại tướng đúc kết, nhờ dựa vào thế trận toàn dân đánh giặc trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, đô thị); dựa vào hệ thống căn cứ địa cách mạng, thế trận chiến tranh nhân dân được tổ chức ngày càng chặt chẽ, tạo thế cài xen giữa ta và địch trên một không gian rộng lớn, không phân rõ đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương. Trụ cột vững chắc của thế trận chiến tranh nhân dân chính là lực lượng vũ trang ba thứ quân, lực lượng chính trị và quân sự, tạo nên một thế trận chiến lược hiểm hóc, vừa thực hiện được chia cắt, vây hãm địch, vừa tạo ra thế chủ động tiến công địch rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược. Đây là cơ sở để quân và dân giữ vững thế chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch.

Khi quân viễn chinh Mỹ nhảy vào miền Nam, Đại tướng chỉ đạo quân và dân ta phát huy ưu thế tuyệt đối của nhân tố chính trị - tinh thần, quyết tâm trụ bám, chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng hệ thống “vành đai diệt Mỹ” nhằm bao vây, tiến công địch ngay tại căn cứ xuất phát tiến công của chúng. Bằng nghệ thuật tạo lập thế trận toàn dân đánh giặc, biết triệt để khai thác các yếu tố“thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đánh giặc, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã tạo thành “tấm lưới thiên la địa võng” thường xuyên uy hiếp, vây hãm, khiến quân Mỹ rơi vào những mâu thuẫn không sao gỡ nổi, đó là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa đánh nhanh và đánh kéo dài, giữa phòng ngự và tiến công, phải đánh theo cách đánh của ta, làm cho chúng tuy đông nhưng không mạnh, tuy nhiều vũ khí tối tân nhưng không phát huy được hiệu quả, càng đánh càng bộc lộ sơ hở, càng đánh càng bị dồn vào thế bất lợi.

Trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, cùng với bố trí những “quả đấm” chủ lực mạnh phù hợp trên từng địa bàn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng và thế trận tại chỗ, bởi theo ông: “Không có lực lượng cơ động nào nhanh hơn lực lượng tại chỗ”(7). Đặc biệt, mùa khô 1966 - 1967, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ bằng cách tổ chức từng cơ quan đóng thành xã, huyện. Các cơ quan quân sự Miền hình thành các huyện đội; toàn bộ cán bộ, nhân viên trong căn cứ hình thành lực lượng vũ trang tại chỗ. Đây là cách tổ chức lực lượng độc đáo, sáng tạo, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân khắp ba vùng, với ba thứ quân để đánh Mỹ.

Sau chiến thắng Đông - Xuân 1966 - 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết 5 bài học thành công của việc chỉ đạo chiến lược chiến tranh nhân dân, đó là: 1 - Tìm hiểu quyết tâm chiến lược, phán đoán đúng quy luật và khả năng hoạt động của địch mới xác định quyết tâm chiến lược và cách đánh của ta. 2 - Giữ vững và phát triển thế tiến công liên tục, nắm chắc và mở rộng quyền chủ động trên chiến trường, buộc quân địch đánh theo ý muốn của ta. 3 - Nắm vững và giải quyết đúng đắn mối liên hệ giữa tiêu diệt địch với giữ và phát triển quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh việc kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận. 4 - Không ngừng nâng cao hiệu suất chiến đấu, hiệu quả chiến dịch và hiệu lực chiến lược của cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân. 5 - Coi trọng việc xây dựng và phát triển hai lực lượng, ba thứ quân, giải quyết đúng đắn mối liên hệ giữa số lượng và chất lượng(8).

Những luận điểm đó không chỉ góp phần phát triển lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam và được vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn nguyên giá trị đối với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh hiện nay. Ngày nay, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng xây dựng, tổ chức thế trận quốc phòng toàn dân vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu, bảo đảm hợp lý trên từng địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm, hướng chiến lược, biên giới, biển đảo. Kết hợp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, lực lượng của địa phương và lực lượng của Bộ; giữa các quân chủng, binh chủng, ngành… tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, bảo đảm khả năng tác chiến trên bộ, trên không, trên không gian mạng, trên biển, đảo, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng thời bình và chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. 

Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo thế và lực cho thế trận quốc phòng toàn dân ở từng địa phương, khu vực và trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, “xây dựng cơ sở xã, phường, an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết những kinh nghiệm xây dựng thế trận chiến lược, thế trận toàn dân đánh giặc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; đồng thời, nắm chắc diễn biến của tình hình làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn chỉnh lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, đủ sức đánh bại các cuộc chiến xâm lược của kẻ thù dưới mọi hình thức và quy mô. 

3. Phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả

Trong tư tưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, để tiến hành chiến tranh nhân dân thắng lợi, phải luôn quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công; luôn giành giữ quyền chủ động tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ; tiến công liên tục, rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược. Trong quá trình chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đi đôi với xây dựng tinh thần tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta, Đại tướng nhấn mạnh, phải biết vận dụng và kết hợp thật chặt chẽ, linh hoạt các hình thức, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân phù hợp với yêu cầu đấu tranh cách mạng của từng thời điểm, giai đoạn, gắn với từng địa bàn và từng đối tượng cụ thể. Theo Đại tướng: “Cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam có những đặc điểm của nó, không hoàn toàn giống với các cuộc chiến tranh nhân dân khác. Nó có phương thức và biện pháp đấu tranh xuất phát từ đặc điểm và quy luật của cả chiến tranh giải phóng và của cách mạng”(9). Quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường miền Nam, Đại tướng chỉ đạo: Phải kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; đánh địch cả quân sự, chính trị và kinh tế; “lấy việc ra sức kết hợp đấu tranh quân sự với chính trị, tấn công bằng ba mũi quân sự, chính trị và binh vận làm phương thức đấu tranh cơ bản”(10); phối hợp tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chiến trường, giữa ba thứ quân; giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động của chủ lực; kết hợp đánh nhỏ, đánh phân tán của du kích với đánh lớn, đánh tập trung, chính quy của bộ đội chủ lực… 

Khi quân Mỹ nhảy vào miền Nam, trên cơ sở phân tích khoa học về so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, nhất là thấy được những điểm mạnh cơ bản của ta và những mâu thuẫn, hạn chế không thể khắc phục được của đế quốc Mỹ, Đại tướng khái quát thành tư tưởng, phương châm chỉ đạo tác chiến chiến tranh nhân dân Việt Nam rất độc đáo, sáng tạo: “bám thắt lưng địch mà đánh”, “ở gần đánh gần”, “đánh Mỹ ngay tại căn cứ của chúng”, buộc Mỹ “phải đánh theo cách của ta”... Đồng thời phát động toàn dân đứng lên đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong tay; đánh địch ở mọi quy mô, ở mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều mưu kế sáng tạo; thực hiện tiêu diệt để làm chủ, làm chủ để tiêu diệt, đẩy quân địch lâm vào thế bị động, lúng túng đối phó, bị tổn thất ngày càng lớn về lực lượng.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những quan điểm, đúc kết từ thực tiễn chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân vẫn mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta không giới hạn một phương nào mà luôn khẳng định phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang; kết hợp bảo vệ với xây dựng, lấy xây dựng đất nước giàu mạnh là gốc của bảo vệ; là ngăn chặn không để xảy ra chiến tranh, phát triển đất nước về mọi mặt; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; phát huy sức mạnh nội lực, sức mạnh của chế độ chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. 

Chiến tranh là cuộc đọ sức quyết liệt, toàn diện giữa các bên tham chiến, trong đó quân sự giữ vai trò quyết định. Cùng với đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận của quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế, tăng cường dự trữ cơ sở vật chất cho quốc phòng, vận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại; coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo, nhất là dự báo chiến lược, dự báo các thách thức, các tình huống quốc phòng, an ninh, các hình thái chiến tranh có thể xảy ra; phát triển lý luận tác chiến chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc nhằm đối phó hiệu quả với các loại hình tác chiến mới xuất hiện: tác chiến bảo vệ biển, đảo; tác chiến phòng thủ; tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực; tác chiến tiến công tổng hợp; tác chiến trên không gian mạng ….

Có thể khẳng định, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường mà từ thực tiễn sinh động đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm, luận điểm mới, góp phần phát triển lý luận chiến tranh nhân dân Việt Nam. Hiện nay, quân và dân ta đang thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu hệ thống, toàn diện quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chiến tranh nhân dân nhằm đóng góp thêm cơ sở lý luận để tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Thượng tá, TS TRẦN ANH TUẤN - Trưởng phòng Lịch sử quân sự thế giới, Viện lịch sử quân sự

-----------------------

(1) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 180.

(2) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 48

(3) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb QĐND, 2009, H, tr. 375

(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập, Nxb QĐND, 2009, H, tr. 334-335

(5) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 624

(6) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 462 - 463.

(7) Nhiều tác giả (Hồi ký), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.100.

(8) Nhiều tác giả, Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2 - Cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2014, tr. 573 - 609.

(9) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 633.

(10) Nguyễn Chí Thanh, Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 635.

Theo: qdnd.vn