Thứ 6, 04/07/2025, 14:18[GMT+7]

Ngày Quốc tế người cao tuổi 1 tháng 10

Thứ 3, 01/10/2013 | 14:32:34
10,385 lượt xem
Vấn đề người cao tuổi đã vượt tầm cỡ từng quốc gia, cần có sự hợp tác, thống nhất hành động giữa các nước và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy năm 1990 Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định từ năm 1991, hàng năm lấy ngày 1 tháng 10 là Ngày Quốc tế Người cao tuổi.

Ảnh minh họa.

I. Lịch sử ngày Quốc tế Người cao tuổi 1 tháng 10

 

Thế kỷ 20 thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng về trường thọ. Già hoá dân số, một hiện tượng mang tính toàn cầu, xảy ra ở khắp nơi và ảnh hưởng đến mọi quốc gia, dân tộc. Già hoá dân số ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện của cuộc sống con người. Tốc độ gia tăng dân số cao tuổi trên thế giới ngày càng mạnh và nhanh hơn các nhóm tuổi khác.

 

Trong giai đoạn hiện nay, tốc độ tăng dân số cao tuổi là 2% mỗi năm. Tỷ lệ này sẽ là 2,8% /năm trong giai đoạn 2025- 2030.

 

Bước vào thế kỷ 21, thế giới có 590 triệu NCT, gấp 3 lần con số 50 năm trước. Đến giữa thế kỷ 21 sẽ có khoảng 2 tỷ NCT. Tỷ trọng NCT trong dân số thế giới ngày càng lớn, từ 8,6% năm 1950 tăng lên 9,7% năm 2000. Dự báo tỷ lệ này là 14% vào năm 2025. Liên hợp quốc quy ước: Nước có NCT chiếm 10% dân số là nước dân số già.

 

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề già hoá dân số, tháng 10/1982 Liên hợp quốc tổ chức  Đại hội thế giới lần thứ nhất bàn về vấn đề người cao tuổi, họp tại Viên - Thủ đô nước Áo. Hơn ba nghìn đại biểu của các nước, các tổ chức phi chính phủ đã đến dự.

 

Sau khi phân tích sâu sắc mọi mặt tình hình người cao tuổi, Đại hội Viên đã chỉ ra những tiềm năng quý giá của người cao tuổi và khẳng định tuổi thọ tăng, người cao tuổi là một nhân tố quan trọng của sự phát triển, vì vậy “Cần bảo đảm không một hạn chế nào mọi quyền lợi của người cao tuổi theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc” (tuyên bố của Hội nghị). Hội nghị đã đề ra một chương trình dài hạn về người cao tuổi.

 

Vấn đề người cao tuổi đã vượt tầm cỡ từng quốc gia, cần có sự hợp tác, thống nhất hành động giữa các nước và các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy năm 1990 Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định từ năm 1991, hàng năm lấy ngày 1 tháng 10 là Ngày Quốc tế Người cao tuổi.

 

Đây là một quyết định có tầm quan trọng quốc tế để thống nhất hành động vì quyền lợi của người cao tuổi và cũng vì sự tiến bộ chung của nhân loại. Trong thông báo của Liên hợp quốc về quyết định này đã ghi rõ: “Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Liên hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về người cao tuổi, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự  phát triển cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là già hoá dân số và trong tương lai không xa về kỷ nguyên của người cao tuổi”.

 

Từ đó đến nay, hàng năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức ở hầu hết các quốc gia. Tại Hội nghị quốc tế Người cao tuổi lần thứ II họp tại Madrid- Tây Ban Nha từ ngày 8-12/ 4/2002 có hơn 5000 đại biểu của các nước, các tổ chức quốc tế dự. Tuyên bố chính trị của Hội nghị đã nhấn mạnh “Tiềm năng của người cao tuổi là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của người cao tuổi không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống của toàn xã hội”… “Tất cả các quốc gia phải  mở rộng các cơ hội, đặc biệt là các cơ hội cho người cao tuổi thực hiện được tiềm năng sẵn có để tham gia vào tất cả các mặt cuả đời sống xã hội”.

 

Hội nghị đã đề ra chương trình hành động về Người cao tuổi xuất phát từ 3 quan điểm:

 

“1- Đánh giá cao sự gia tăng tuổi thọ, xem đó như là một thành tựu quan trọng của loài người. Khẳng định khả năng, kinh nghiệm, tri thức và nguồn lực của NCT là một tài sản vô giá cho sự phát triển của các lứa tuổi đang trưởng thành.

 

2- Cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với NCT. Thừa nhận NCT phải được hưởng một cuộc sống đầy đủ, có sức khoẻ, được an toàn và được tham gia đầy đủ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục.

 

3-Khẳng định thế giới hiện đại đã đạt được sự giàu có và năng lực công nghệ chưa từng thấy, đang tạo ra các cơ hội phi thường để đảm bảo cho con người đạt được một tuổi già mạnh khoẻ hơn, với cuộc sống đầy đủ hơn và được phát huy mọi khả năng đóng góp vào quá trình phát triển xã hội”.

 

II. Việt Nam với Ngày Quốc tế Người cao tuổi

 

1. Quyết định của Liên hợp quốc lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế Người cao tuổi phù hợp với truyền thống “Kính lão trọng thọ” của dân tộc Việt Nam, với tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng ta .

 

 Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc, ngày 1-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định “Chăm sóc và phát huy người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta”.

 

Ngày 17-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế Người cao tuổi, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế Người cao tuổi cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”.

 

Từ ngày thành lập nước đến nay, Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

 

- Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945 (sau 19 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Namon> dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận, nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”.

 

Trong lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề …Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui ”.

 

Người lại nói: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức  “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước  bắt chước và để hùn sức giữ  gìn  nền độc lập của nước nhà”.

 

Như vậy ngay những ngày đầu  thành lập nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe doạ, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của NCT, đồng thời để khai thác tiềm năng phát huy vai trò NCT thì việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định mà lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”.

 

Nguồn hoinguoicaotuoi.vn

  • Từ khóa