Thứ 4, 07/08/2024, 04:01[GMT+7]

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 4, 02/10/2013 | 19:35:41
4,942 lượt xem
Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu Chương V tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ việc nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ảnh tư liệu.

Chương V: Cách lãnh đạo

 

1. Lãnh đạo và kiểm soát

 

"Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng".

 

Câu đó nghĩa là gì?

 

Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.

 

Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng.

 

Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người "không quan trọng".

 

Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?

 

Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

Lãnh đạo đúng nghĩa là:

 

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

 

2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

 

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.

 

Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn.

 

Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn.

 

Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại.

 

Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng.

 

Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi.

 

Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.

 

Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo.

 

Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người, cũng phải chú ý:

 

Một là có những người cậy mình là "công thần cách mạng", rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ.

 

Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.

 

Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông. Một thí dụ: Hôm nọ tôi hỏi một cán bộ L:

- Mùa màng năm nay thế nào?

L trả lời: Việc đó tôi đã động viên nhân dân rồi.

Hỏi: Rồi sao nữa?

L trả lời: Tôi đã bày tỏ vấn đề đó một cách rất đầy đủ.

Hỏi: Rồi sao nữa?

L trả lời: Công tác xem chừng khá.

Hỏi: Rồi sao nữa?

L trả lời: Chắc là có tiến bộ.

Hỏi: Nói tóm lại đã cày cấy được mấy mẫu?

L trả lời: Ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu ra đâu cả!

 

Trong Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế.

 

Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.

 

Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.

 

Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.

 

Kiểm soát cách thế nào?

 

Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ.

 

Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế:

 

1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu.

2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan.

3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết.

 

Kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình.

 

Một cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên.

 

Còn ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để.

 

Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng...; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo.

 

(Còn nữa)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày