Thứ 5, 15/05/2025, 11:30[GMT+7]

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Một huyền thoại có thật

Thứ 4, 23/10/2013 | 15:21:27
3,542 lượt xem
52 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến Đường Hồ Chí Minh trên biển-Đoàn tàu Không số, người dân Việt Nam đều rất đỗi tự hào về con đường huyền thoại-một huyền thoại có thật trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tàu C42 chở vũ khí vào Nam.

Những người làm nên huyền thoại

 

Đã có rất nhiều hội thảo phân tích, đánh giá, làm rõ giá trị to lớn, tầm vóc và ý nghĩa huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là con đường của niềm tin tất thắng, con đường của tầm nhìn chiến lược dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trên con đường ấy, hàng trăm chuyến hàng, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ tham gia vào một trận chiến đấu quyết liệt, gian khó, bất chấp hiểm nguy và đầy hi sinh thầm lặng. Những cán bộ kiên trung, những thủy thủ ưu tú ra đi không biết ngày trở về, nhưng họ vẫn phấn khởi lên tàu ra biển, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lời tuyên thệ của họ giữa biển khơi mênh mông, giữa nghìn trùng sóng gió đã vang lên: Sẵn sàng quyết tử hy sinh!

 

22 giờ 10 phút ngày 11-10-1962, chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí xuất phát từ bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng đi Cà Mau. Chuyến tàu cập bến thành công, đánh dấu cho việc mở đường thắng lợi. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu Không số đã vô cùng anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên biển, khai thông tuyến đường vận chuyển chiến lược-một con đường có một không hai trên thế giới.

 

Những câu chuyện "bây giờ mới kể" của các nhân chứng đã từng thi gan đấu trí với biển cả, với quân thù để đưa vũ khí vào Namon> cho đồng bào đánh giặc là một minh chứng sống động cho con đường huyền thoại có thật này.

 

Trong sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh vẫn lắng lại tình người, tình đồng chí khi chúng tôi nghe bác Năm khói lửa-tức bác Ngô Văn Tân- người thủy thủ của chuyến tàu Không số đầu tiên-Tàu Phương Đông 1.

 

Sự lạc quan trong cuộc sống hiện nay làm cho bác Ngô Văn Tân trẻ thêm mấy tuổi. Nghe ông kể về những khó khăn trong chuyến đi đầu tiên mới thấy hết được niềm khao khát độc lập của tuổi trẻ trên những con tàu không số: Chuyến đi ấy, tàu ông gặp sóng to gió lớn và sự kiểm soát gắt gao, đeo bám của tàu địch. Bất ngờ hơn cả là tàu bị hỏng chân vịt ở gần Côn Đảo, nơi có địch chiếm đóng. Phương án nổ tàu hy sinh là rất lớn. Trong lúc hiểm nguy, cán bộ, chiến sỹ vẫn bình tĩnh xử trí. Cuối cùng, ý chí và sự sáng tạo đã thắng, tàu đã được sửa chữa. Mọi người mừng vui đến rơi nước mắt. 2 ngày sau tàu cặp bến Vàm Lũng thành công.

 

Bác Huỳnh Húa đi 18 chuyến trên Đoàn tàu Không số. Ông đi cả tàu gỗ, tàu sắt và tàu 2 đáy nên kinh nghiệm về "một thời trận mạc" được ông kể một cách rành rọt.

 

Theo bác Húa thì tàu sắt phải đi bí mật, đi bất hợp pháp, phải đi lúc giông bão để tránh sự kiểm soát của tàu địch, không bao giờ cập mạn mà phải ngụy trang đánh lừa địch bằng mọi giá. Có thời điểm, tàu phải chạy ra vùng biển quốc tế, tàu chỉ đi đơn chiếc. Còn tàu 2 đáy thì trọng tải nhỏ hơn, sức chịu sóng kém hơn. Tàu đi hợp pháp bằng căn cước của ngụy. Tưởng là an toàn hơn, nhưng thực ra cũng rất nguy hiểm vì phải đi công khai, mặt đối mặt với kẻ thù, thường xuyên bị khám xét nên phải bình tĩnh, mưu trí cho dù bị địch gí súng vào đầu cũng không được manh động hay sợ hãi. Tàu không được trang bị thuốc nổ như tàu sắt nên khi bị lộ chỉ có phương án tác chiến duy nhất là đánh giáp lá cà và cướp tàu của địch...

 

Bác Húa không thể nào quên những khoảnh khắc trong việc đấu trí với địch khi đi tàu 2 đáy. Đó là chuyện thuyền trưởng Tư Thắng "đọ mắt" cùng lính ngụy. Tàu 2 đáy của ta được đóng ở Quảng Ninh nên không giống ghe Thái Lan đã bị địch vây ở Hòn Khoai. Địch nhảy lên tàu thấy ông Tư Thắng mặc bộ bà ba đen trong khi dân đánh cá miền Tây Namon> bộ thường mặc bà ba trắng. Chúng nghi ngờ và trừng mắt nhìn vào mặt ông Tư Thắng. Ông Tư Thắng cũng trừng mắt nhìn lại. Hai bên đọ mắt mười mấy phút mà ông Thắng vẫn bình tĩnh không đổi thần sắc nên tàu không bị lộ mà thoát vây an toàn.

 

Còn bác Hồ Kiêm, nguyên thủy thủ Tàu 56 luôn nhớ mãi câu nói của đồng chí Chính trị viên Đỗ Văn Sạn, khi Tàu 56 bị địch bao vây: Các đồng chí, chúng ta là đảng viên, đoàn viên. Chúng ta sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Khi nghe câu nói đó, tim bác rừng rực, tiếng kêu gọi tựa như khẩu lệnh của anh hùng Nguyễn Viết Xuân: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" năm nào. Bác cầm chắc vô lăng và sẵn sàng lao tàu vào tàu địch...

 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bác Hoàng Hùng, một người phụ trách quân y vẫn giữ nguyên vẹn chiếc hộp đựng dụng cụ y tế. Điều gì khiến ông giữ chiếc hộp lâu đến vậy?- Đó là những năm tháng không thể nào quên, là những kỷ vật gắn bó với đội quân y chiến đấu với cái chết để giành sự sống cho đồng đội trên Đoàn tàu Không số.

 

Ông Hùng nhớ mãi hình ảnh đồng chí Võ Văn Giảng trước lúc hy sinh, ông đã ôm ông Giảng trên tay. Biết mình không thể sống được nữa, ông Giảng đã thì thào với đồng đội:

 

- Hùng ạ! Cuộc chiến đấu này hết sức ác liệt, anh em phải hết sức cảnh giác... Nếu sau này, Hùng còn mạnh khỏe, bình an trở về, cho mình gửi lời cảm ơn nhân dân nơi bà con đã đùm bọc, chở che để tôi trưởng thành. Rồi anh Giảng từ từ tắt thở. Kể đến đây, ông Hùng đã òa khóc.

 

Bến cảng lòng dân 

 

Sức mạnh làm nên sự kỳ diệu của đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ bởi sự hy sinh và lòng quả cảm của các cán bộ, chiến sĩ tàu Không số mà còn được vun đắp bằng chính những tình cảm thiêng liêng của nhân dân nơi bến bãi. Có người bảo rằng, nếu không có tấm lòng của bà con ở các bến, tàu Không số khó có thể lập nhiều chiến công như thế.    

 

Cho đến bây giờ, ông Ba Quý không thể quên được hình ảnh của mình trên bàn thờ gia đình khi ông đột ngột trở về sau ngày đất nước thống nhất. Sau 4 chuyến đi thành công, chuyến cuối cùng, năm 1966, vào Cà Mau tàu ông bị lộ, phải huỷ nổ phi tang. Thế là Ba Quý cùng anh em đội tàu trở thành người của bến trong suốt 10 năm với nhiệm vụ bảo vệ tàu, bảo vệ bến và con đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển hàng hoá vào nơi tập kết an toàn. Ở Vàm Lũng (Cà Mau), Ba Quý và đồng đội đã trải qua hàng chục trận chiến đấu ác liệt, có những trận không tương quan về lực lượng, anh em tàu chỉ có 5 người nhưng phải chiến đấu với hàng trăm tên địch. Những ngày tháng đó, ông và đồng đội luôn được bà con bến bãi che chở, cưu mang. "Bà con tốt đến lạ lùng! Nếu không có tình dân nơi bến bãi chúng tôi không có ngày hôm nay".

 

Còn ông Lê Xuân Khảm, nguyên thợ máy Tàu 69 không quên chuyến đi đầu năm 1966 vào vùng biển Cà Mau. Khi tàu đến khu vực sát vùng biển Phi-lip-pin, ngang vùng biển Đà Nẵng, Tàu 69 bị tàu Mỹ tuần tra phát hiện ra và đeo bám. Sau khi đã cắt được đuôi tàu địch, Tàu 69 chuyển hướng chạy hết tốc lực vào gần Côn Đảo. Tuy nhiên, do xác định đường đi không chuẩn xác, khi tiếp cận bờ thì mới biết tàu lạc bến quy định đến vài chục kilômét. Lúc đó trời đã gần sáng, du kích ấp Vinh Hoa dẫn tàu vào một luồng nhỏ, rồi nhanh chóng chặt cây nguỵ trang. Rất may, vừa ngụy trang xong thì máy bay trinh sát địch đi tuần tra, không phát hiện được. Tàu trú tại lạch 2 ngày, bà con trong ấp kéo đến ngắm tàu, ngắm anh em bộ đội miền Bắc. Có bà má đến sờ từng người chiến sĩ Bắc, thấy không giống như những gì địch tuyên truyền là ốm đói, 7 người đu một cọng đu đủ không gãy, nên bà con rất ngạc nhiên. Sau khi bắt liên lạc được với bến, tàu đã quay trở lại. Trên đường đi, mặc dù vào buổi tối, nhưng cứ gặp người dân nào, ông Tư Mau (lúc đó là trưởng bến Vàm Lũng) lại đứng trên boong tàu nói to: “Ới đồng bào, thấy sao hay vậy, kín miệng cứu nước nghe!”.

 

Gặp lại anh “bộ đội miền Bắc” Ngô Xuân Khảm sau mấy chục năm xa cách, bà Út Lợi (Phan Thị Lợi) vui mừng khôn xiết. Cô bé hạt tiêu Út Lợi (còn được anh em gọi là Hoa hậu rừng đước) được anh em tàu Không số quí mến bởi tấm lòng của cô và gia đình đối với họ. Ngày đó, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Út Lợi thương xuyên gác tại cửa biển Chim Đẻ gần Vàm Lũng để cảnh giới cho các chuyến tàu Không số từ miền Bắc vào cập bến và bốc dỡ vũ khí và canh gác cửa sông nơi giấu tàu trong một thời gian dài.

 

Không chỉ mẹ con bà Út Lợi, hàng trăm người dân Cà Mau và các bến bãi khác đã nhường cơm sẻ áo, chung tay góp sức cùng quân dân bến bãi ngày đêm chiến đấu bảo vệ những con tàu, bảo vệ bến bãi, vận chuyển hàng hoá tới nơi tiếp nhận, họ thực sự là những chiến sĩ kiên trung, xây dựng nên bến cảng lòng dân, góp phần vào chiến công của con đường biển huyền thoại.

 

Viết tiếp truyền thống

 

Những cựu chiến binh Đoàn tàu Không số năm xưa giờ đã trở về với đời thường, sống cuộc sống bình dị, hòa vào những thăng trầm của cuộc sống nhưng họ vẫn giữ được khí tiết kiên trung và bản lĩnh của người giữ biển. Phẩm chất cao quý ấy được hộ phát huy trong xây dựng quê hương, tham gia các công tác xã hội và nuôi dạy con cháu trưởng thành. Nhiều cựu chiến binh Đoàn tàu Không số hôm nay là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt mọi khó khăn, xây dựng thành công các mô hình làm kinh tế giỏi.

 

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân đã từng nói với cán bộ, chiến sỹ Hải quân hôm nay: Thế hệ cha anh đã viết nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển bằng lý tưởng cách mạng cao cả và sự hy sinh xương máu. Hôm nay, bằng trí tuệ, niềm tin, nghị lực và sự tiếp lửa truyền thống, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện kế tục xứng đáng những thành quả cách mạng của cha anh. Đường Hồ Chí Minh trên biển và các chiến sĩ tàu không số mãi mãi là bài học, là tấm gương sáng về đức hy sinh, dám nghĩ, dám làm, vì niềm tin tất thắng của cả dân tộc Việt Namon>.

Nguồn qdnd.vn

 

  • Từ khóa