Thứ 6, 11/10/2024, 09:20[GMT+7]

Điện khẩn số 25 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành

Chủ nhật, 10/11/2013 | 10:29:47
1,871 lượt xem
Theo tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 05 giờ ngày 10/11/2013, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh họp nghe tình hình triển khai đối phó với bão số 14. Ảnh nguồn thaibinhtv.vn

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Đến 04 giờ ngày 11/11/2013, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 11/11/2013, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 12/11/2013, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt – Trung. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

 

Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng rộng và còn diễn biến phức tạp khó lường.

 

Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ, Ban chủ huy phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành:

 

1. Thực hiện nghiêm nội dung Điện khẩn số 23 ĐK/CLB hồi 10 giờ 00’ ngày 08/11/2013; Điện khẩn số 24 ĐK/CLB hồi 10 giờ 00’ ngày 09/11/2013 của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.

 

2. Nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền không được ra khơi, tham gia các hoạt động trên sông, trên biển. Khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn; tiếp tục kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh, trú bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; không để các tàu, thuyền lớn neo đậu ở gần mái kè, các cầu, cống.

 

3. Tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 15 giờ ngày 10/11/2013; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện về Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

 

4. Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển, nếu phát hiện thấy công trình không đảmbảo an toàn trong lũ, bão phải chủ động huy động nhân lực, phương tiện, vật tư để tu bổ, củng cố ngay; chủ động thả phai dự phòng, phai băng két, cửa khẩu trên đê trước khi bão vào. Tổ chức chằng, chống nhà cửa, cơ quan, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình đang xây dựng…, cắt tỉa cây lớn đảm bảo an toàn trong bão.

 

5. Chủ động có phương án vận hành các trạm bơm tiêu, khơi thông các dòng chảy, giải phóng vật cản, kết hợp hiệu quả với tiêu tự chảy hạ thấp mực nước trên các trục sông tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng hoa màu và cây vụ Đông.

 

6. Chỉ đạo các biện pháp đảm bảo giao thông thông suốt trước, trong và sau bão; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng nhiệm vụ chỉ huy của các cấp, các ngành; bảo đảm cấp điện đầy đủ cho các hoạt động phòng, chống lụt bão, nhất là phục vụ công tác thông tin tuyên truyền và bơm nước phòng úng và tiêu úng.

 

7. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Thành viên ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, cán bộ kỹ thuật được phân công làm công tác phòng chống lụt bão đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống bão, lụt.

 

8. Các lực lượng vũ trang trong tỉnh rà soát phương án bố trí lực lượng, phương tiện giúp các địa phương hộ đê, xử lý ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp, tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

 

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện nghiêm túc Quyết định 17/2011/QĐ-TTg ngày 14/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tăng thời lượng phát sóng các bản tin dự báo, diễn biến của bão theo tin cập nhật của Trung tâm Khí tượng thủy văn; Công điện của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh; chủ động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các đài truyền thanh các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền các hoạt động phòng , chống, khắc phục bão của các cấp, các ngành và nhân dân. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn kịp thời cập nhật thông tin về cơn bão để truyền tải kịp thời tới các cơ quan, đợn vị qua mạng văn phòng liên thông và tới các xã, phường, thị trấn qua thư điện tử phục vụ công tác thông tin cơ sở.

 

10.Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày