Thứ 5, 01/08/2024, 17:18[GMT+7]

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Một vị tướng có những đóng góp xuất sắc trên mặt trận nông nghiệp

Thứ 4, 11/12/2013 | 09:30:02
1,912 lượt xem
Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp với đời sống, sự no đói của hàng chục triệu người.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người ngoài cùng bên phải) về thăm HTX nông nghiệp Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), năm 1960. Ảnh tư liệu.

Những năm đầu của thập kỷ 60, miền Bắc nước ta bước vào xây dựng theo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đề ra. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc diễn ra với nhịp độ khẩn trương và thực sự trở thành phong trào cách mạng rộng lớn, có hiệu quả của quần chúng nhân dân. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tình hình sản xuất trên mặt trận nông nghiệp gặp những khó khăn, nảy sinh nhiều vấn đề lớn cần giải quyết trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở nông thôn.

 

Cuối năm 1960, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Đây là một công việc mới mẻ, phức tạp và rất nặng nề đối với đồng chí. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp với đời sống, sự no đói của hàng chục triệu người. Khi giao nhiệm vụ, Bác Hồ đã căn dặn: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. Thời gian được Đảng giao trọng trách làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương không dài, nhưng đồng chí đã có những đóng góp không nhỏ vào việc củng cố hợp tác xã và phát triển nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý và những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ và đồng bào trên mặt trận kinh tế hàng đầu này.

 

Hợp tác hóa nông nghiệp là một vấn đề khó khăn và phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng chí đã đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá thực trạng nông nghiệp nước ta; chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của phong trào hợp tác hóa: “Ruộng đất ít, kỹ thuật lạc hậu và lao động nông nghiệp phân bổ chưa hợp lý, vì thế tiến hành hợp tác hóa đã nhanh chóng thành công nhưng nay phải củng cố”; “có nơi đã tổ chức nông dân vào hợp tác xã quá ào ạt mà thiếu sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức”; “công tác quản lý hợp tác xã còn yếu và kém; việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật còn ít; dân chủ trong hợp tác xã còn thiếu, thậm chí có cán bộ quản trị độc đoán, thô bạo với xã viên, tư tưởng làm chủ của xã viên chưa cao và việc giáo dục chính trị làm chủ chưa tốt, nạn lãng phí còn nhiều”... Những khuyết điểm đó kéo dài đã hạn chế đáng kể hiệu quả làm ăn của hợp tác xã.

 

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn, đồng chí đã xác định phải tiếp tục xây dựng hợp tác xã trên ba mặt: Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và nâng cao đời sống xã viên. Sau đó, Đảng ta đã mở ba cuộc vận động lớn (1963), trong đó có cuộc vận động cải tiến hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật. Đảng ta cũng đã tập trung suy nghĩ tìm tòi hình thức, bước đi, quy mô và mô hình cũng như cách thức quản lý của hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy tác dụng rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Trong việc giải quyết vấn đề mở rộng diện tích và thâm canh, đồng chí cho rằng, khai hoang mở rộng diện tích đối với miền Bắc nước ta là “một phương hướng quan trọng và bức thiết trước mắt”, nhưng chỉ trong giới hạn nhất định. Vấn đề cốt yếu và về lâu dài là phải đẩy mạnh “thâm canh, tăng năng suất cây trồng”. Thâm canh trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất lương thực nói riêng là phương pháp quan trọng hàng đầu. Nếu khả năng khai hoang mở rộng diện tích canh tác là có thể làm được nhưng cũng chỉ có hạn thì khả năng thâm canh trên cơ sở đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lại là một hiện thực rất to lớn. Muốn tăng năng suất, đồng chí đã chỉ ra: “Các biện pháp quan trọng và cấp bách nhất là thủy lợi, phân bón, cải tiến công cụ và về lâu dài thì chúng ta cần xây dựng một nền khoa học nông nghiệp nhiệt đới ở nước ta”. Sau này, trong quá trình lãnh đạo phát triển nền nông nghiệp, Đảng ta rất coi trọng vận dụng các biện pháp cơ bản đó.

 

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh không chỉ đề ra phương hướng tiếp tục củng cố, xây dựng hợp tác xã mà còn lặn lội cùng bà con nông dân trên đồng ruộng, trực tiếp đi xuống hợp tác xã của nhiều tỉnh để tìm hiểu những khó khăn, yếu kém; xem xét thực tế việc lãnh đạo, quản lý và canh tác để phát hiện những nơi sản xuất khá; lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, xác định phương hướng phát triển sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất lúa, cây trồng. Từ nghiên cứu thực tế, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra cái mới, cách làm hay, làm tốt, giới thiệu những bài học quý rút ra từ các điển hình và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trong đó, có hợp tác xã Đại Phong của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại Phong là hợp tác xã nhỏ, có dân số và ruộng đất ít. Đồng chí đã nêu khẩu hiệu với hợp tác xã là: “Phá xiềng xích ba sào” mà xã viên đã đưa vào hợp tác xã lúc gia nhập và giúp đỡ hợp tác xã quản lý, phân công lao động hợp lý, vừa khai hoang, vừa thâm canh, tăng vụ, tăng nghề phụ. Chỉ trong gần ba năm, Đại Phong đã tăng diện tích lên rất nhiều, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển, đời sống của xã viên được nâng lên cao hơn trước.

 

Lấy Đại Phong làm điển hình, theo đề nghị của đồng chí, Đảng ta đã phát động một phong trào thi đua lao động sản xuất: “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” rầm rộ và rộng khắp nông thôn toàn miền Bắc. Ngọn gió Đại Phong đã thổi mạnh vào các hợp tác xã ở miền Bắc nước ta, tạo nên "luồng gió mới" trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lịch sử và tâm trí của hàng triệu con người Việt Nam còn in đậm phong trào "Gió Đại Phong" - một mô hình nông nghiệp thời chống Mỹ mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dày công nghiên cứu, tổng kết và chỉ đạo. Nhờ đó, hơn 10 triệu nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp đã phấn đấu đưa sản lượng nông nghiệp đến năm 1963 cao hơn hai lần so với năm 1939 là năm phát triển cao nhất thời Pháp thuộc và trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giúp củng cố và phát triển nông thôn - một địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của hậu phương lớn miền Bắc, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị - tinh thần của cả miền Bắc, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, bảo đảm hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh ngày càng vững mạnh.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày