Thứ 5, 06/02/2025, 02:02[GMT+7]

Những ngày cuối cùng của thực dân Pháp ở Thái Bình

Thứ 6, 20/12/2013 | 15:04:51
11,856 lượt xem
Thái Bình góp phần kìm chân địch, hỗ trợ đắc lực chiến trường chính. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương luồn càn bảo toàn lực lượng. Dân quân du kích phối hợp nhịp nhàng, hạn chế thiệt hại do pháo địch gây ra trong chiến đấu đến mức thấp nhất.

Lực lượng vũ trang xã Nguyên Xá - Ðông Hưng kọp bàn rút kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối tháng 12/1953, trên địa bàn Thái Bình, quân Pháp còn đóng 97 đồn binh, quân số 9.219 tên. Số đồn giảm một nửa so với thời cao điểm năm 1951. Hầu như các đồn ở ngoại vi Xéc – tơ (Khu quân sự) Thị xã đều bị bộ đội và dân quân du kích vây hãm. Ðịch phải dùng máy bay, đại bác oanh tạc ngoài hàng rào. Có khu vực bị bắn phá 15 đêm liền. Các làng Tu Trình, Lưu Ðồn (Thụy Anh) bị 100 quả bom làm thương vong hơn trăm người. Nhiều vùng căn cứ du kích và du kích trong tỉnh thường xuyên bị pháo kích.

Năm 1953, vùng tự do ở Thái Bình chiếm 80% đất đai, xã nối xã, huyện nối huyện, thông sang các tỉnh bạn, nhiều vùng lấn đến tận chân bốt. Lực lượng vũ trang của tỉnh và 12 huyện gồm 3.184 chiến sĩ trang bị ngang bộ đội chủ lực năm 1950. Toàn tỉnh có 162 xã, mỗi xã ít thì một trung đội, nhiều thì một đại đội, du kích tập trung được làng nuôi, trang bị 15 - 20 súng trường.

Một số xã có liên thanh, phóng lựu mìn, lựu đạn đủ dùng, chất lượng bảo đảm hơn trước. Chông, bẫy, đạp lôi dồi dào, thừa bàn chông cung cấp sang tỉnh bạn. Ðịch ráo riết dồn làng đuổi dân, lập vành đai trắng ven đường, quanh đồn, bắt lính, thu thuế trong các làng tề. Nhân dân chống đối quyết liệt. Cán bộ, đảng viên, bộ đội qua chỉnh huấn, chỉnh quân, lập trường tư tưởng vững. Vùng căn cứ, tiến hành giảm tô, tạm cấp ruộng đất vắng chủ, tiếp tục chia công điền. Nông dân hồ hởi phấn khởi.

Bước vào đông  - xuân 1953 – 1954, quân dân Việt Namon> – Lào đánh mạnh khắp các chiến trường. Ðịch bị phân tán lực lượng mà vẫn dành quân cơ động chủ công mở hai cuộc càn lớn ở Thái Bình. Trận càn “Con trâu” (Lơ Buýpphlơ) ba GM (binh đoàn cơ động) đánh các huyện nam Trà Lý. Vừa chuyển quân đến ngã ba Ðọ - Ðông Quan, bị đánh phủ đầu, thua đau. Sang Kiến Xương, Tiền Hải bị thiệt hại nặng.

Ngày 4/12/1953 chỉ huy mở cuộc hành binh đóng tại sân vận động Thị xã, cạnh Nhà thương viện trợ Mỹ bị Trung đoàn (E) 50 bộ đội chủ lực khu tả ngạn tập kích. Gần trăm tên thương vong. Tên chỉ huy trận càn trúng đạn. 25 tên bị bắt áp giải ra ngoài. Trận càn phải bỏ dở. Một tuần sau, địch huy động sáu GM, hơn 12.000 quân chủ lực tinh nhuệ hợp sức với quân chiếm đóng tại chỗ với số đại bác gấp đôi trận trước, nhiều loại pháo bầy hạng nặng bắn liên thanh, thêm hai hạm tài và không quân yểm trợ bắn không tiếc đạn.

Ðó là trận càn lớn nhất kéo dài 40 ngày và dài nhất từ trước đến giờ, tên gọi “Chim Ưng” – Chim săn mồi, do tướng Gin chỉ huy, càn quét cả hai vùng nam, bắc sông Trà. Về  phía ta, chủ lực chỉ có một trung đoàn (E50) của khu tả ngạn. Ở tỉnh, một tiểu đoàn, hơn chục đại đội bộ đội địa phương, 162 đơn vị du kích tập trung. Ba thứ quân áp dụng các chiến thuật tập kích, phục kích, đánh vận động nhằm vào đường giao thông trên bộ và đánh thôn trang chiến, phát huy mọi thứ hỏa lực từ chông mìn, cạm bẫy đến các cỡ súng bộ binh phi cơ giới, chặn đánh địch khắp 12 huyện kiên cường linh hoạt, khác hẳn thời kỳ cầm cự trước kia. Vũ khí của địch được hiện đại hóa cao. Quân ta trang bị khá nhưng so với địch, khoảng cách vẫn rất xa.

Tuy nhiên tinh thần tiến công cao hơn, trình độ tác chiến tinh xảo. Táo bạo độn thổ phục kích, đánh vận động quy mô tiểu đoàn. Mười ngày trung tuần tháng 12/1953 (quân dân Kiến Xương, Tiền Hải đánh 89 trận, diệt 1.377 tên, phá 29 xe cơ giới. Hơn 1/3 số địch bị diệt, do thụt hố chông, đạt mức kỷ lục 500 tên. Bộ đội Kiến Xương, một buổi sáng đánh liền ba trận. Du kích Vân Trường (Tiền Hải), vùng mới giải phóng đông giáo dân, 5 ngày đánh 27 trận. Du kích An Ninh (Tiền Hải), một nữ thôn đội phó chỉ huy đánh đuổi một tiểu đoàn địch. Tiểu đoàn Giang Bắc phối hợp với CRIO đại đội đường Mười (Thư Trì) và dân quân du kích tấn công toàn quân địch trên đường từ Nam Ðịnh sang, phá hủy 5 xe, diệt, bắt gần 200 binh sĩ Ngụy và Âu Phi.

Tiểu đoàn Giang Ðông và bộ đội tỉnh phục kích trên đường 39, Duyên Hà diệt 1 tiểu đoàn địch. Bộ đội huyện Quỳnh Côi tập kích giữa ban ngày vào nơi trú quân của địch ở Rãng - Thông - Cao Bạt Nụ (Kiến Xương) diệt gần 2 đại đội địch, bắt sống 32 tên, thu 3 đại liên, 4 trung liên, 18 tiểu liên, 205 súng trường. C146 bộ đội tỉnh, C50 Vũ Tiên cùng du kích Văn Môn tập kích nơi trú quân, ban đêm của 2 đại đội ngụy. Hơn 100 tên bị thương vong, 23 tên bị bắt. Ta thu 3 trung liên, nhiều súng trường và tiểu liên. Lực lượng dân quân du kích cũng giành thế chủ động, chuyển từ thế phòng ngự sang quấy rối, có những trận luồn ra ngoài nổ súng vào trong làng, hoặc truy kích địch rất hiệu quả ở Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Tiên, Thư Trì...

Hai lần, 50 ngày đối phó với hai trận càn “Con trâu” và “Chim ưng”, quân dân Thái Bình và Trung đoàn E50 đã loại khỏi vòng chiến 5.000 tên địch, tương đương quân số hai binh đoàn mạnh, chiếm hơn 35% lực lượng đi càn quét trong đó 20% bị bắt sống, 11 xe tăng, 2 xe cóc, 101 xe vận tải, 6 khẩu pháo bị phá hủy, phá hỏng. Ta thu hàng trăm súng liên thanh các cỡ và súng trường.

Thái Bình góp phần kìm chân địch, hỗ trợ đắc lực chiến trường chính. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương luồn càn bảo toàn lực lượng. Dân quân du kích phối hợp nhịp nhàng, hạn chế thiệt hại do pháo địch gây ra trong chiến đấu đến mức thấp nhất. Ở tỉnh, tiểu đoàn 53 và huyện đội Duyên Hà được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Nhiều đơn vị vũ trang được Quân khu tặng bằng khen. Cuối 1953, quân dân Thư Trì được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Vũ Tiên được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

Sau hai cuộc càn lớn, một số đồn bốt địch buộc phải rút để tránh bị vây hãm. Số còn lại được tăng cường binh lực vẫn bị dân quân du kích làm khốn quẫn, ngoại trừ  Xéctơ, đóng ở Thị xã, địch để lại Thái Bình duy nhất GM8, gỡ thế bí cho quân chiếm đóng, bảo vệ Thị xã, đường giao thông huyết mạch. Mưu đồ kiềm chế hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bọn GM8 cơ động và bọn GM4 đóng cố định bảo vệ tuyến sông Hồng cũng không cứu nổi những đồn bị cô lập, thậm chí phải dùng máy bay tiếp tế.

Tiểu đoàn 53 của tỉnh và đại đội Kiến Xương, giữa ban ngày đột nhập chợ Bặt, sát thương và bắt sống hơn một trăm vệ sĩ nhà thờ Thân Thượng, giải tán trại tập trung, giải phóng bốn vạn đồng bào, thu 3 trung liên, 2 tiểu liên, nhiều súng trường. GM8 chuyển lối đánh bao vây tấn công khu vực nhỏ, khủng bố điển hình vào một vài làng xóm. Dân quân du kích và bộ đội huyện đối phó linh hoạt, kết hợp rải truyền đơn, gọi loa gây hoang mang khiến địch chẳng thể trụ lâu. Tháng 2/1954, quân dân toàn tỉnh đánh 141 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 700 tên, trong đó bắt sống gần 200, phá 2 xe tăng, 9 xe vận tải, 4 khẩu pháo, nhiều phương tiện khác.

Tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô diễn ra sôi nổi. Cán bộ, bộ đội, nhân dân họp mặt xem triển lãm, liên hoan mừng thắng trận, đoàn kết lương giáo, nâng cao lòng căm thù giặc và ý chí quyết chiến. Công tác địch vận, tổ chức cho thanh niên cam kết chống bắt lính, vận động gia đình binh sĩ ngụy đòi chồng con sôi sục khắp vùng tạm chiếm. Phong trào tuyển mộ tân binh bổ sung cho quân đội, đóng thuế cho Nhà nước, phong trào mở trường lớp phổ thông, bình dân học vụ, bổ túc văn hóa lan rộng vùng căn cứ sang vùng tạm chiếm. Toàn tỉnh thu được hơn hai vạn tấn thóc thuế nông nghiệp vượt chỉ tiêu năm 1953 và còn truy thu hai năm trước được 3.526 tấn nữa. Thuế Công Thương thu về 227 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 1954, thu gần 200 triệu. Tiền ngân hàng mới phát hành, đẩy lùi tiền Ðông Dương. Quân dân Thái Bình đã kìm chân địch, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường chính.

Ngày 13/3, chiến dịch Ðiện Biên Phủ mở màn. Cũng ngày 13/3, bộ đội tỉnh dùng chiến thuật tập kích bí mật không nhân mối, tiêu diệt bốt quận lỵ Vũ Tiên. Ở Duyên Hà, hai vị trí ụ Cô Tiên và An Xá bị uy hiếp phải ra hàng. Trước đó, khu D – Vũ Tiên chống càn lật đổ một xe quân sự, diệt và làm bị thương 86 tên. Ðại đội huyện Ðông Quan và dân quân du kích đẩy lùi 200 tên địch càn quét vùng Cát – Hộ diệt 40 tên. Tiền Hải rảnh tay, cho bộ đội sang chiến đấu ở huyện bạn và mặt trận Ðường số 5 – Hải Dương. Bộ đội hai huyện Thụy Anh, Phụ Dực diệt địch vị trí phân khu Kha Lý, bức hàng địch ở Thọ Cách, bức chúng rút khỏi Ðình Bền, Bát Nạo, Vân Am. Trên các trục đường bộ, 150 xe cơ giới, hơn chục khẩu pháo lớn của địch bị phá hủy, phá hỏng. Tháng 5/1954, toàn tỉnh đánh du kích 238 trận, diệt và làm bị thương 160 tên, phá 2 xe tải, 2 pháo 105 ly.

Sau thất bại ở Ðiện Biên Phủ, đầu tháng 6/1954 địch rút tiểu khu Ðình Thượng, các bốt Kim Bôi, Ðồng Cống, nhà thờ Riền (Tiên Hưng, Duyên Hà). Trên địa bàn Thái Bình, còn 78 vị trí, trong đó có các vị trí bảo vệ tuyến sông Hồng, đường Mười, đường 223 (Thư Trì, Vũ Tiên, Phụ Dực, Ðông Quan). Lúc này, một số đơn vị của 3 trung đoàn chủ lực E42, E64, E52 đã trở lại tìm địch. Chớp thời cơ, 3 thứ quân tăng cường hiệp sức hoạt động quân sự trên đường cùng toàn đội, kết hợp binh vận làm tan rã hàng ngũ địch, thúc đẩy chống địch bắt lính, tiến hành đấu tranh chính trị làm áp lực cho hội nghị Gie-ne-vơ. 150 cuộc đấu tranh, mỗi cuộc hàng trăm người liên tục sôi sục vùng tạm chiếm.

Ngày 14/6/1954, hơn 500 đồng bào nội ngoại thị kéo vào Dinh Tỉnh trưởng buộc chúng phải thả 95/97 thanh niên bị chúng bắt. Ngày 21/6, hơn 2.000 người kéo vào đưa mấy trăm kiến nghị tại Dinh Tỉnh trưởng phản đối thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ, đả đảo bù nhìn Bảo Ðại, đòi hòa bình, đòi chồng con. Hơn 500 đồng bào các vùng, nhiều lần sang Nam Ðịnh đòi thả thân nhân bị địch bắt giam. 80 - 90% truyền đơn bằng tiếng Việt, tiếng Pháp được phát tán tận tay binh sĩ địch mà bọn chỉ huy không can thiệp nổi. Không ngày nào, Dinh Tỉnh trưởng vắng những đoàn người đến đòi chồng con, 80% gia đình ngụy quân tham gia. 2.539 binh sĩ ngụy bỏ về nhà. Từ ngày 27/6 đến ngày 01/7, gần 1.000 ngụy quân, ngụy quyền ra hàng hoặc đào ngũ, đào nhiệm. Nhiều nơi ra hàng loạt. Có làng một ngày đón 70 người.

Ðường Mười anh hùng vùng lên ngày 23/6/1954, bộ đội tiêu diệt vị trí ngã tư Gia Lễ, ngày 25/6 diệt đồn La Uyên, ngày 27 một toán quân từ Dụ Ðại, Ðồng Cừ rút về tiểu khu Ðông Các. Ngày 29, bọn địch ở Cầu Nguyễn,  Phong Lôi, Ðông Các, Trực Nội tháo chạy. 7 đại đội, 40 xe cơ giới được phi pháo yểm trợ ác liệt. Bộ đội chủ lực và Bộ đội các huyện Ðông Quan, Tiền Hải phục kích diệt 1 tiểu đoàn, phá 11 xe, 2 đại bác 103. Máy bay địch dội bom các thôn Tự Tân, Dụ Ðại, Thái Hòa, Tống Khê, Long Bối. 40 người ở lại Tự Tân phục vụ chiến đấu hy sinh. Cùng ngày, các bốt Tràng Sinh, Bến Sú, Ô Mễ, Nghĩa Chính, Cầu Kìm, Niềm Hạ, Ðông Quý chạy lọt về Thị xã, các bốt Tống Văn, Cổ Việt tập kết về Cầu Cọi.

Ngày 30/6 địch dội bom, bắn phá các thôn xã ven đường 39 và 223 (Vũ Tiên). Làng Ðông Vinh, xã Cao Thắng, gần 100 đồng bào hy sinh. Bộ đội và dân quân du kích đánh tan một tiểu đoàn địch đi trên đường, thu 9 súng cối, 20 trung liên, 2 xe súng đạn. Ðến ngày 30/6, một tiểu đoàn khinh quân ở Kiến Quan, Phụ Dực bị E42 tập kích diệt gần hết. Thị xã Thái Bình, đêm ngày 30/6 lúc 21 giờ 30 phút, địch đốt kho đạn của Xéc tơ Thái Bình, nổ mìn phá sập hai nhịp cầu Bo. Toàn bộ quân binh chia bốn đoàn lặng lẽ theo đường 223 (Vũ Tiên) rút ra bến Thái Hạc tập kết sáng hôm sau theo đường thủy về Hải Phòng. Ở quãng Cọi Khê, 2 đại đội địch bị đánh tan, quân ta thu 2 ÐKZ, 4 súng cối hạng nặng, 163 súng trường, phá 2 xe tải.

Sáng mồng 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên tầng cao Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền.

Lê Trọng

(Xã Tự Tân, Vũ Thư)

  • Từ khóa