Thứ 4, 21/05/2025, 02:07[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Nhớ những người đồng đội đã hy sinh

Chủ nhật, 04/05/2014 | 17:55:34
1,162 lượt xem
Xã Ðông Hoàng (Ðông Hưng) có 23 người tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ nhưng tới nay chỉ 12 người còn sống. Ông Lê Thanh Khâm, một trong những người lính Ðiện Biên năm xưa vẫn còn minh mẫn đã kể lại cho chúng tôi nghe về chiến công ngày ấy.

Chiến sĩ Ðiện Biên Lê Thanh Khâm, thôn Thái Hòa 1, xã Ðông Hoàng (Ðông Hưng).

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, ông Khâm hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, ông nói: Ngày đó tôi còn trẻ, chứng kiến cảnh giặc Pháp càn quét ở quê nhà, chúng lập nhiều đồn bốt dày đặc vây quanh quê mình như bốt Tìm, bốt Ngã Tư, bốt Bóng, bốt Gọ, dân ta sống khổ lắm... Lúc đó những người thanh niên như tôi phải lựa chọn, một là tình nguyện đi bộ đội hai là sẽ bị chúng bắt làm lính. Do đó, năm 17 tuổi ông quyết định tình nguyện nhập ngũ.

Ðược ra tiền tuyến là niềm tự hào của thanh niên ngày ấy, mỗi ngày đoàn của ông đi được vài chục cây số, cả đêm ngủ rừng mưa ướt hết nhưng mọi người vẫn cố gắng. Ông được phân công tham gia vào Ðại đội 44, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Ðại đoàn 308. Nhiệm vụ của Ðại đoàn là tiêu diệt các cứ điểm địch, tuy nhiên do thay đổi cách đánh nên các chiến sĩ bất ngờ nhận được lệnh phải lật cánh sang Luôngphabăng (Lào).

Hàng vạn người lập tức xuất quân chỉ sau 1 giờ nhận lệnh với một ít gạo rang và một lượng gạo dự trữ không đầy nửa kilôgam mỗi người. Ðịa hình chưa biết, chiến trường chưa chuẩn bị, tình hình địch chưa nắm được, giao tiếp với nhân dân nước bạn trong tình trạng ngôn ngữ bất đồng, “Bộ đội Việt Nam sang đoàn kết với bộ đội Lào để đánh Tây’’, ông Khâm nói bằng tiếng Lào cho chúng tôi nghe và đó cũng là câu duy nhất các ông biết nói bằng tiếng nước bạn.

Khi mọi công tác chuẩn bị chiến dịch đã đi vào giai đoạn chót cũng là lúc Ðại đoàn của chúng tôi trở về Ðiện Biên Phủ. Vào những ngày chuẩn bị chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ thì tin chiến thắng ở các chiến trường dồn dập bay về đã làm cho tinh thần anh em phấn chấn, quyết tâm tới mức cao nhất. Sau trận đồi Ðộc Lập, ông Khâm cũng như các anh em trong Trung đoàn 36 đã dùng địch vận để hạ cứ điểm Bản Kéo. Tới đợt tiến công thứ 2, Trung đoàn của ông chuyển từ nhiệm vụ dương công sang nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 106, 206 và 311 ở phía Tây Mường Thanh bằng hình thức bao vây đánh lấn nhỏ gọn.

Kể đến đoạn này, ông Khâm nhớ lại hình ảnh các đồng chí đồng đội như anh Lê Minh, anh Phạm Văn Ðức đã gục ngã do trúng đạn của địch. Mỗi khi đêm xuống, Trung đội của ông tiến hành đào giao thông hào dưới mặt ruộng bùn đặc quánh, phía trên là lửa đạn của địch. Ngày nào cũng có chiến sĩ hy sinh, cứ sau mỗi đêm đào hào tới sáng kiểm tra số quân lại thiếu đi rất nhiều. Có những người vừa vào đơn vị buổi sáng thì tối đã hy sinh, anh em chưa kịp biết tên nhau. Những cơn mưa đầu mùa cũng bắt đầu xối xả ngập tới ngang lưng, các chiến sĩ phải nhường nhau chỗ “hàm ếch’’ để nghỉ.

Ông bồi hồi kể tiếp: Trận tiêu diệt cứ điểm 206 là tôi nhớ nhất bởi địch bị tiêu diệt nhanh tới mức tướng địch không biết bị mất cứ điểm và mất vào lúc nào. Do đó sáng sớm ngày hôm sau, địch ở Mường Thanh vẫn còn mang đạn dược, lương thực ra tiếp tế cho cứ điểm 206 và bị quân ta chặn lại mới biết bị mất. Chúng thả xuống thực phẩm và hàng nghìn vũ khí tối tân nhưng đã bị chúng tôi nhanh chóng thu giữ. Sau khi chúng bị mất các cứ điểm 105, 106, 206, toàn bộ phần Bắc và Tây bắc sân bay bị uy hiếp trong khi hai mũi đường hào của ta từ hai hướng Ðông và Tây tiếp tục thọc thẳng vào sân bay. Tới ngày 22/4, sân bay bị chia cắt làm đôi.

Sang tới trận đánh thứ 3, các đơn vị đồng loạt nổ súng, từ nhiều hướng trên cánh đồng, các chiến hào của quân ta đã tiến gần vào Sở chỉ huy của Tướng Ðờ - cát. Thời điểm ấy những lá cờ trắng bắt đầu xuất hiện lác đác rồi mỗi lúc một nhiều. Tranh thủ thời cơ địch đang hoảng loạn, toàn mặt trận chuyển ngay sang tổng công kích vào khu trung tâm Mường Thanh, trong đó Ðại đoàn 308 của chúng tôi từ phía Tây giáp công sang, tiến vào Sở chỉ huy địch, bao vây chặt, đánh thật mạnh không để cho tên nào chạy thoát. Bọn chúng không còn cách lựa chọn nào khác là phải ra đầu hàng, chúng ta bắt sống Tướng Ðờ - cát, Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Sau những trận đánh vẻ vang đó, ông Khâm được điều đi Bắc Giang, Thái Nguyên và tới năm 1958 mới ra quân trở về địa phương tham gia vào Ban Chấp hành Ðoàn xã. Phát huy bản chất người lính Ðiện Biên, năm 1964 ông tái ngũ vào đơn vị Phòng không - không quân ở Ðại đội pháo cao xạ 57. Thời gian này ông tham gia bảo vệ Hà Nội, Nhà máy điện Yên Phụ, cầu Phủ Lý, Nhà máy đường Vạn Ðiểm và tới sân bay Vinh thì ông bị thương được anh em đồng đội đưa về.

Từng đấy năm tham gia cách mạng và công tác trong quân ngũ, trải qua nhiều thăng trầm, buồn, vui nhưng ông Khâm vẫn không thể nào quên được sự kiện ghi nhớ nhất trong đời đó là ngày ông được kết nạp vào Ðảng ngay trên trận địa và những giây phút chứng kiến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

Thu Thủy

  • Từ khóa