Thứ 3, 20/05/2025, 14:11[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Điện Biên mãi mãi trong tâm trí tôi

Chủ nhật, 04/05/2014 | 18:01:27
1,201 lượt xem
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trải qua 60 năm, những năm tháng gian khổ nhưng đầy oai hùng, oanh liệt đó được tái hiện, sống lại như mới ngày nào qua lời kể của CCB Vũ Văn Nghĩa, thôn Thanh Nội, xã Minh Lãng (Vũ Thư), người chiến sĩ của Trung đoàn 88, Ðại đoàn 308 anh hùng, mặc dù năm nay đã 87 tuổi nhưng ông còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, giọng nói vẫn hào sảng.

Cựu chiến binh Vũ Văn Nghĩa, thôn Thanh Nội, xã Minh Lãng (Vũ Thư) luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương.

Ðời quân ngũ của ông Vũ Văn Nghĩa đã trải qua nhiều chiến dịch, tham gia nhiều trận đánh khác nhau. Nhưng với ông, những ngày chiến đấu tại Chiến dịch Ðiện Biên Phủ là quãng thời gian đáng nhớ và oai hùng nhất. Ông Nghĩa chia sẻ: Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ vào tháng 7 năm 1949 thuộc Trung đoàn 88, Ðại đoàn 308. Trận đầu tiên được cầm súng chiến đấu là trận đánh Ðông Khê thuộc Chiến dịch Biên giới. Khi đó chúng tôi không ai còn nghĩ đến sống chết, chỉ với một ý chí, lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chiến đấu giành thắng lợi. Chiến thắng Ðông Khê cổ vũ khí thế lập công trên khắp các mặt trận, đánh dấu bước tiến mới về trình độ của bộ đội ta; tạo thế thuận lợi cho chiến dịch, từng bước đánh bại quân địch, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn kết thúc Chiến dịch Biên giới.

Tiếp đến là trận chiến đấu vô cùng ác liệt tại cứ điểm Tu Vũ của giặc Pháp, là một vị trí thuộc cụm phòng ngự then chốt của phân khu sông Ðà do Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh Maroc và được tăng cường một đại đội thuộc tiểu đoàn người Mường. Pháp tổ chức phòng ngự thành 3 khu (khu A, khu B ở Ðông Bắc Ngòi Lát, khu C ở Tây Nam Ngòi Lát). Trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta và địch, pháo binh Pháp bắn phá ác liệt. Nhưng với quyết tâm chiến đấu cao, cán bộ chiến sĩ toàn Ðại đội Tô Văn (Ðại đội 217) đã khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ. Trong trận chiến đấu, ông Vũ Văn Nghĩa với lòng quả cảm vượt lên bom đạn của kẻ thù cõng đồng đội bị thương nặng về tuyến sau. Ðến lần thứ 6 ông bị thương, với thương tật 4/4.

Chiến thắng Tu Vũ mở màn cho Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của Trung đoàn 88 về trình độ tổ chức chỉ huy và ý chí quyết đánh quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Sau chiến thắng Tu Vũ, ông Vũ Văn Nghĩa được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua tại Ðại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (năm 1952).

Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông Vũ Văn Nghĩa nhớ lại: Ông được điều động vào chiến dịch từ 1/4/1954 bổ sung vào Trung đội bộc phá thuộc Ðại đội 241 tham gia trận đánh đồi A1. Ông được giao nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa đào hầm, đặc biệt là đào hầm để đồng đội đưa 1 tấn thuốc nổ vào sát nách địch để phá hàng rào tiến lên đánh đồi A1, phá tan cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Ðiện Biên Phủ.

Cuộc chiến diễn ra ngày một ác liệt, sau nhiều trận đánh gây cho địch nhiều thương vong, địch đã tập trung hỏa lực tấn công, cho quân đánh phá để lấp hào, ném lựu đạn và dùng tiểu liên bắn xối xả vào quân ta. Khói pháo mù mịt, nhiều anh em ôm bộc phá lên chưa kịp cho nổ đã thương vong. Có chiến sĩ bị khói pháo che khuất tầm nhìn, không thấy chỗ rào kẽm gai đã bị phá nên cho bộc phá nổ tiếp. Hỏa điểm bảo vệ các lớp rào kẽm gai do địch bố trí rất nguy hiểm. Mỗi lô cốt chính kèm theo những ụ súng vệ tinh, tạo ra nhiều điểm hỏa chéo cánh sẻ. Ta bị thương vong nhiều là do các hỏa điểm này bắn lướt sườn. Nhưng những ngày “Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” như đã tôi luyện ông và những chiến sĩ Ðiện Biên bản lĩnh kiên định, ý chí quật cường, “Gan không núng, chí không mòn”, tiếp thêm sức mạnh phi thường để khối bộc phá ngàn cân mở toang hàng rào giáp các lực lượng quân đội tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ông Nghĩa trở về công tác tại Trung đoàn 88 làm Trung đội trưởng. Thực tế được thử thách, rèn luyện trong những tháng ngày phục vụ Chiến dịch Ðiện Biên Phủ giúp ông tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường công tác mới. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đã 2 lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên được gặp Bác là sau khi đánh thắng trận Ðông Khê (Chiến dịch Biên giới) là một trong 2 chiến sĩ của trung đoàn đến báo công với Bác.

Tại Ðại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông Nghĩa lại được gặp Bác lần thứ 2. Ðược ngồi cạnh, trò chuyện với Bác, những kỷ niệm được gặp Bác Hồ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của người chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa.

Ðến tháng 7 năm 1966, ông Vũ Văn Nghĩa được về hưu và tham gia công tác tại địa phương. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, luôn xứng đáng là chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa. Ðến nay, ngoài việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông luôn là một người đảng viên (với 64 năm tuổi Ðảng) gương mẫu, góp phần tích cực cùng Hội CCB, Hội Người cao tuổi xã vận động thanh niên lên đường nhập ngũ; vận động nhân dân địa phương thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong xây dựng nông thôn mới, ông luôn đi đầu phong trào hiến đất, phá 16 mét tường dậu để mở rộng đường giao thông đủ tiêu chí giao thông nông thôn mới.

Ngày nay, dù những đồng đội của ông Vũ Văn Nghĩa người còn, người đã mất nhưng những chiến sĩ Ðiện Biên oai hùng mãi đi vào lịch sử của dân tộc, sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam. Hòa bình, ấm no, hạnh phúc của hôm nay được đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt của những chiến sĩ năm xưa. Những trận đánh lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chưa lúc nào phai mờ trong tâm trí người CCB Vũ Văn Nghĩa.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa