Thứ 2, 19/05/2025, 20:12[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Mỗi mét chiến hào đổi bằng mồ hôi và máu

Chủ nhật, 04/05/2014 | 18:05:52
1,429 lượt xem
Ðã 60 năm trôi qua nhưng những hình ảnh về “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm” để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” như vẫn còn mới nguyên trong trái tim, trí óc của người Tiểu đội phó phụ trách Tiểu đội Phạm Văn Liểu, thôn Sơn Ðồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ).

Cựu chiến binh Phạm Văn Liểu (Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ).

Căn nhà nhỏ mái ngói đã xuống cấp của 2 vợ chồng Tiểu đội phó Phạm Văn Liểu năm xưa những ngày đầu tháng 4 này luôn rộn rã tiếng cười nói của đồng chí, đồng đội, bà con họ hàng, chòm xóm đến cùng chung vui. Bởi với sự hỗ trợ từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền địa phương, anh em họ hàng, bà con làng xóm chỉ ít ngày nữa ngôi nhà mái bằng kiên cố rộng gần 40m2 sẽ được khởi công.

Năm nay, ông Liểu đã 81 tuổi, sức khỏe yếu, giọng nói run run nhưng trong những câu chuyện về năm tháng chiến tranh khốc liệt vẫn rất rành mạch, rõ ràng. Những kỷ niệm “vào sinh ra tử” cùng đồng đội trong Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ đã được ông tái hiện lại bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

 Ngày đó, khi vừa tròn 17 tuổi chàng thanh niên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “Tiếng trống Sơn Ðồng” nổi tiếng với phong trào toàn dân rào làng đánh Pháp đã viết đơn tham gia quân tình nguyện, trở thành chiến sĩ bộc phá của Trung đoàn 57, Sư đoàn 304. Những bước chân của chàng thanh niên quê lúa trải khắp Chiến dịch Thu Ðông đến Thượng Lào, Ðiện Biên Phủ, rồi quay trở về giải phóng Sơn Tây. 

Tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ khi vừa tròn đôi mươi, cái tuổi tràn trề nhựa sống và hừng hực khí thế, với ông, những con đường đã từng đi qua, những địa danh đã từng đến, những niềm vui, nỗi buồn, nhớ mong, chờ đợi, những mất mát, hy sinh… đều là những kỷ niệm ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời. 

Ông Liểu bùi ngùi xúc động kể: “Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đơn vị tôi trực tiếp đánh trận Hồng Cúm. Ðây là cứ điểm có hệ thống giao thông hào và chiến hào kiên cố, nằm trên địa hình bằng phẳng. Mục đích của Pháp khi lập ra cụm cứ điểm này là để làm cho Mường Thanh không bị trơ trọi, để hai cụm cứ điểm có thể che chở, yểm hộ cho nhau bằng pháo binh, xe tăng và cả bộ binh. Ðây cũng là nơi tiếp nhận quân tăng viện và đồ tiếp viện từ Hà Nội trong trường hợp sân bay Mường Thanh bị uy hiếp. Khi tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó là cái “cửa sau” mở đường chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu. Do vậy, ngoài việc bố trí lực lượng hùng hậu (2.000 lính) còn có bãi dây kẽm gai và mìn từ 50 - 70 mét. Muốn cắt đứt Hồng Cúm ra khỏi Mường Thanh, bộ đội ta phải “quần nhau” với địch giữa cánh đồng bằng phẳng dưới tầm hỏa pháo dày đặc và các loại máy bay chiến đấu của Pháp giữa ban ngày, trong khi về thực lực thì chẳng những kém Pháp về trang bị vũ khí, mà về quân số ta cũng không có ưu thế.

Vì vậy, trước khi tấn công, đơn vị phải hoàn tất việc đào hào. Việc đào hào chỉ diễn ra vào buổi tối nên vô cùng vất vả, khổ cực, nhất là những hôm mưa to, gió lớn. Ðất ở Hồng Cúm rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ. Hơn nữa, vừa đào, vừa phải ngụy trang, vừa dùng lùm rơm làm lá chắn trước làn đạn của địch và lấy sức bằng những nắm cơm vắt.

Ðường hào càng vươn dài vào lòng địch, cuốc xẻng và tay người càng mòn dần đi. Lúc này, mỗi mét hào không chỉ đổi bằng mồ hôi, mà cả bằng máu. Ðơn vị tôi phải bám sát trận địa và chiến đấu giành giật từng tấc đất với địch suốt 36 ngày, đêm. Mặc dù chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, bom đạn ác liệt, giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng tình đồng chí, đồng đội vẫn gắn bó, luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Sau khi dành chiến thắng ở Hồng Cúm, đơn vị được lệnh tổng công kích đợt cuối cùng tại đồi A1”.

Trong câu chuyện đầy xúc động, hào hùng, người chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa không quên quay lại cảm ơn người vợ đã một đời tần tảo, cần mẫn chăm sóc chồng con, nhất là những khi trái nắng trở trời, vết thương cũ lại hành hạ. Nhấp ngụm trà nóng, câu chuyện cuộc đời như những thước phim chầm chậm đi qua tiếp tục được ông Liểu hồi tưởng lại.

Năm 1953, khi đang tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Thượng Lào, tôi nhận được thư của gia đình giục về cưới vợ - người vợ cùng thôn đã được gia đình 2 bên hứa hôn trước khi tôi vào bộ đội. Nhưng lúc đó cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt, vì nhiệm vụ thiêng liêng, tôi không thể về quê để cưới vợ. Ai ngờ, ở nhà các cụ vẫn tổ chức đám cưới vắng chú rể.

5 năm kể từ ngày cưới dù người chồng vẫn biền biệt trong quân ngũ, người vợ - bà Ðoàn Thị Mùa vẫn tận tình chăm sóc, hiếu thuận với bố mẹ chồng và mòn mỏi chờ mong ngày chiến thắng để vợ chồng sum họp.

Cuối năm 1957, do sức khỏe yếu vì sức ép của bộc phá, ông Liễu đã giải ngũ trở về quê hương sống trọn nghĩa vợ chồng với người vợ đã hết mực vì chồng, vì con. Nhưng do vết thương hành hạ nên có năm số ngày ông nằm viện nhiều hơn ở nhà. Mọi việc trong gia đình dù lớn, dù nhỏ đều một tay người vợ sớm tối tần tảo lo toan. Với số tiền trợ cấp bệnh binh loại 2 chẳng thấm vào đâu nên đến nay 2 vợ chồng ông vẫn sống trong ngôi nhà mái ngói xuống cấp. 3 người con của ông đều nghèo và khó khăn nên cũng không giúp gì nhiều cho bố mẹ ngoài sự động viên về mặt tinh thần.

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông Liểu 60 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Ðây chính là nguồn động viên lớn nhất đối với gia đình người chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa, bởi chỉ ít ngày nữa thôi ông bà sẽ không còn lo lắng mỗi khi mưa nắng.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa