Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Thà chết cũng không rời pháo
Ông Đào Xuân Lâm, nguyên chiến sĩ trực tiếp tham gia kéo pháo trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bên những kỷ vật chiến tranh mà ông sưu tầm được.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Ðào Xuân Lâm, nguyên chiến sĩ trực tiếp tham gia kéo pháo trong Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ, thôn Thanh Lãng, xã Minh Hòa (Hưng Hà) những ngày này luôn rộn rã tiếng cười nói của những người đồng đội năm xưa. Họ cùng nhau ôn lại 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” cách đây tròn 60 năm. Những mái đầu đã bạc, dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như trước nhưng ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng oai hùng ấy vẫn sáng rõ như mới ngày nào. Những địa danh thân thuộc như: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... với những người lính ấy không chỉ gợi nhớ về miền Tây Bắc tươi đẹp mà còn ẩn chứa bao kỷ niệm gian khó mà anh dũng.
Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Ðào Xuân Lâm vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông bồi hồi nhớ lại và kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng tuổi trẻ của mình.
Ðầu năm 1951, lúc bấy giờ chàng trai trẻ Ðào Xuân Lâm mới ngoài 20 tuổi đã viết đơn tình nguyện tham gia bộ đội địa phương, làm nhiệm vụ chống càn, tiễu phỉ trừ gian tại Trung đội 23, Ðại đội 112 của Huyện đội Duyên Hà (Hưng Hà cũ). Ðầu năm 1952, ông được bổ sung sang bộ đội chủ lực, tham gia huấn luyện tại Trung đoàn pháo cao xạ 367 và được cử đi Trung Quốc học 1 năm về pháo cao xạ để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch.
Ðầu tháng 9 năm 1953, ông cùng các đồng đội được đưa về nước để chuẩn bị cho Chiến dịch Trần Ðình (ký hiệu bí mật của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ). Tháng 10 năm 1953, Trung đoàn 367 của ông được lệnh cấp tốc hành quân lên Lai Châu tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ông bồi hồi nhớ lại: “Dọc đường hành quân, chúng tôi gặp hàng ngàn, hàng vạn người, người gánh, kẻ gồng, hoặc đẩy xe đạp thồ chở hàng hóa, vũ khí ra mặt trận. Chứng kiến khí thế ra trận của bộ đội ta như vậy nên bước chân của mỗi chúng tôi như nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Ðường hành quân rất gian khổ nhưng chúng tôi luôn giữ vững ý chí chiến đấu”.
Hành quân đến nơi, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. “Những sợi dây dùng để kéo pháo đều là những sợi dây tời to bằng cổ tay, buộc vào càng pháo, khi kéo chúng tôi nắm chặt dây, xoạc chân chèo, nghe khẩu lệnh của người chỉ huy. Tất cả gồng sức kéo, bánh pháo nhích đến đâu, chèn ngay thanh gỗ đến đó. Những người ở bên trên ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to, người bên dưới cố hết sức đẩy lên từng tý một. Kéo pháo vào đã vất vả, kéo pháo ra còn gian khổ, hiểm nguy gấp bội, bởi lúc này địch đã phát hiện ra đường hành quân của ta.
Những khẩu hiệu “Còn người, còn pháo”, “Thà chết cũng không rời pháo”, trở thành quyết tâm sắt đá của bộ đội lúc bấy giờ. Khi pháo được kéo vào đến nơi, đơn vị lại nhận được lệnh phải kéo pháo ra. Lúc bấy giờ, chúng tôi ai cũng rất lo lắng nhưng là người lính, chúng tôi phải chấp hành theo quân lệnh. Sau này tôi mới biết chính Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã chuyển từ chiến lược “Ðánh nhanh thắng nhanh” sang thành “Ðánh chắc, tiến chắc”. Ðây là chiến lược đúng đắn, đầy sáng suốt góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông Lâm nhớ lại.
Với giọng nói ấm áp, hào sảng, ông kể lại cho chúng tôi nghe những trận chiến “vào sinh ra tử” của ông cùng với các đồng đội trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử: “...Chiến dịch Ðiện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh cứ điểm Him Lam. Ðúng 17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, pháo binh của ta đồng loạt trút bão lửa xuống cứ điểm Him Lam, Mường Thanh, sân bay Mường Thanh làm cho quân địch bất ngờ khiếp đảm. Chiều ngày 14/3, quân ta tiếp tục tấn công vào trung tâm đề kháng độc lập. Ðúng 17 giờ, trọng pháo của ta bắn vào sở chỉ huy Mường Thanh, các trận địa pháo và sân bay đồng thời bắn phá hoại công sự trong cứ điểm Ðộc Lập. Ðến 15 giờ, ngày 17/3, pháo binh của ta bắn 20 quả đạn vào Bản Kéo. Mặc dù bọn chỉ huy người Pháp ra sức khống chế nhưng binh lính người Thái đã lợi dụng lúc bọn chỉ huy chui xuống hầm ẩn nấp, mang cả vũ khí ra hàng. Kho xăng bốc cháy, 5 máy bay bị phá hủy, địch bị thiệt hại nặng nề. Sau chiến thắng của trận đánh mở màn, bộ đội ta dành hơn 10 ngày cho anh em nghỉ ngơi, xây dựng trận địa bao vây và tiến công trong đợt 2. Ðể giữ bí mật, việc xây dựng trận địa chỉ tiến hành vào ban đêm, làm tới đâu ngụy trang luôn tới đó. Mặt khác, đề phòng địch đánh phá vào ban ngày khi chúng phát hiện được, nên toàn thể mặt trận triển khai cùng một lúc nhằm phân tán hỏa lực của địch. Sau cuộc chiến đấu kéo dài 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, chiến đấu cực kỳ anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của bộ đội ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Tướng Ðờ-cát và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch ở Ðiện Biên Phủ đã bị ta bắt sống. Gần 1 vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng ra khỏi hầm xin hàng...”. Trong giờ phút lịch sử ấy, bộ đội ta như vỡ òa trước niềm hạnh phúc của chiến thắng. Từ khắp mọi nơi, bộ đội hân hoan kéo về sân bay Mường Thanh để diễu hành lực lượng và ăn mừng chiến thắng.
Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, Trung đoàn của ông tiếp tục tiến quân về tiếp quản Thủ đô rồi sau đó ông tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cống hiến và đóng góp to lớn, ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý của Ðảng và Nhà nước.
Sáu mươi năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của những người lính Trung đoàn Pháo cao xạ 367, với ông và nhiều đồng đội khác, họ vẫn luôn tự hào khi được tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử, đóng góp một phần sức mình làm nên chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Phạm Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Uzbekistan 07.04.2025 | 16:25 PM
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
-
Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình