Chủ nhật, 18/05/2025, 16:21[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Khó khăn, gian khổ không ngăn được bước chân người chiến sĩ 

Chủ nhật, 04/05/2014 | 18:13:13
1,617 lượt xem
Ở tuổi 82 với gần 60 năm tuổi Ðảng, cựu chiến binh Nguyễn Quang Mộc (thôn Ðông Xá, xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Giọng nói hào sảng, đôi mắt như sáng hơn khi kể cho chúng tôi nghe chuyện binh nghiệp, nhất là những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Hơn 20 năm qua, ông là cầu nối các chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa ở hai xã Quỳnh Hội, Quỳnh Hải.

Những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ luôn được người lính Nguyễn Quang Mộc nâng niu, trân trọng.

Trong căn nhà lúc nào cũng ấm áp, ông dành vị trí trang trọng nhất để treo những phần thưởng cao quý Ðảng, Nhà nước trao tặng như Huân chương Kháng chiến, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang… Những ngày này, bao hồi ức về một thời “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên chiến thắng lịch sử lại sống dậy trong tâm trí người lính già.

Tháng 6/1953, tròn 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ khi vừa cưới vợ được 1 tháng. Trước đó, ông đã từng tham gia du kích địa phương, là 1 trong 4 du kích Hồng Quảng đánh bốt Quỳnh Côi. Ông bồi hồi nhớ lại: Sau 3 tháng huấn luyện, toàn đơn vị hành quân và ăn tết Giáp Ngọ 1954 ở Tuần Giáo, khi đó tỉnh lỵ Lai Châu mới được giải phóng. Ông cùng đồng đội làm đường xe thồ từ Mường Lay lên Ðiện Biên, vừa làm đường vừa tranh thủ bắt cá ở suối, chặt thành miếng, xếp vào sọt để tiếp tế cho Ðiện Biên. Giọng trầm xuống, ông kể với tôi như chuyện kể của người ông với cháu của mình: Chuyển lương thực từ Thanh Hóa lên Ðiện Biên, mỗi người chỉ gánh được 2 thúng, như vậy chỉ đủ cung cấp lương thực cho người đó. Thế nên sáng kiến dùng xe thồ vận chuyển lương thực lên Ðiện Biên nhanh chóng được phổ biến. Khi ấy, đơn vị ông chưa có yêu cầu bổ sung cho chiến dịch.

Có lệnh bổ sung, ông được phân công về Ðại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Ðại đoàn 312. Bắt đầu đợt 2 giải phóng phía Ðông Ðiện Biên, đơn vị của ông trực tiếp tham gia đánh đồi E. Ông nhớ lại: Từ ngày 30/3 đến 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Ðông phân khu trung tâm, dần thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Ðịch ngoan cố, muốn kéo dài thời gian vì Na-va hy vọng đến mùa mưa ta sẽ phải nới vòng vây. Ðây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào.

Qua lời kể của ông, chúng tôi hiểu thêm những khó khăn, vất vả cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội lúc bấy giờ. Ông bùi ngùi: Trước khi hành quân lên Tây Bắc, mỗi người được cấp 2 bộ quần áo bằng vải xô, 1 cái chăn mỏng dùng cho suốt chiến dịch. Khi đào giao thông hào, mỗi ngày một người được 1 nắm cơm với mắm tôm khô, thỉnh thoảng có thêm miếng thịt trâu khô cải thiện, nước thì 3 người chung 1 bi-đông 1 lít.

Ban đầu đào nằm, dần thành đào ngồi rồi sau đó khoét hàm ếch làm chỗ trú ẩn và đào đứng. Ban ngày thì trú ẩn trong hàm ếch vì ta cách địch chỉ vài chục mét đường chim bay. Các cánh quân chia thành nhiều nhánh đào hào để chia cắt sân bay Mường Thanh. Với định mức sâu 2m, rộng 2m/1 người/1 đêm, vì vậy tất cả mọi người phải dốc hết sức làm, càng rút ngắn thời gian càng giảm bớt thương vong. Ðào đến gần sân bay Mường Thanh thì địch phát hiện và phản ứng quyết liệt, chúng dùng pháo binh, không quân thay nhau bắn phá, ném bom, ban đêm chúng dùng dù đèn, dù sáng rực trời, ban ngày thì có xe tăng yểm trợ bộ binh đưa xe ủi đất ra san lấp hào của ta. Ðó là chưa kể thời tiết cũng gây thêm khó khăn cho bộ đội. Những cơn mưa đầu mùa làm cho đất ướt nhão, bám chặt vào xẻng, cuốc, nước từ các quả đồi, cánh đồng cao dồn xuống hào, chúng tôi phải dầm mình trong bùn, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng, muỗi vắt thi nhau đốt.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy các cấp, quyết tâm của chiến sĩ nên càng ngày ta càng siết chặt vòng vây. Có lúc đến sát hầm địch, bọn chúng thả dù tiếp viện cho sân bay còn lạc vào trận địa của ta, các chiến sĩ nhờ đó mà có thêm chiến lợi phẩm.

Ðúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm/Mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn”, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được mình lại có thể sống trong giao thông hào đầy bùn hàng mấy chục ngày trời để đánh giặc mà chẳng quản vất vả, không sợ hy sinh - ông Mộc bộc bạch.

Ðêm 6/5/1954 đánh trận hăng quá, mọi người hầu như không ngủ. Trận đánh ác liệt lắm, đến sáng ngày 7/5/1954 lác đác có những cứ điểm của địch vẫy cờ trắng xin hàng. Ta vừa đánh vừa phát loa phóng thanh chiêu hàng, đến khoảng 5 giờ chiều ngày 7/5 địch đầu hàng, chúng tôi hò reo vang dội rồi rút quân ra theo giao thông hào, áp tải tù binh ra ngoài. Quá trình áp tải tù binh, ông đã gặp ông Nguyễn Bá Ngạch là người cùng làng, được ông Ngạch cho biết các anh của ông là Nguyễn Quang Tần, Nguyễn Quang Lợi, anh vợ là Nguyễn Hữu Mạo, em rể là Lưu Thanh Tòng cũng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Câu chuyện về trận chiến cách đây 60 năm của người lính già sôi nổi hơn khi ông mang ra kỷ niệm về những ngày tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðó là chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Ðiện Biên” mà Bác Hồ tặng, được ông giữ gìn cẩn thận bao năm qua. Có lẽ, những ký ức về cuộc đời người chiến sĩ Ðiện Biên đã giúp ông sống vui khỏe, có ích, làm gương cho con cháu.

Phương Chi

  • Từ khóa