Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Vinh dự lớn nhất đời tôi là được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Môn (Thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy).
Sinh ra nơi cửa biển Diêm Ðiền trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ tấm bé, ông Nguyễn Ðức Môn đã chứng kiến cuộc sống lầm than, nô lệ của người dân quê mình dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1952, ông trốn gia đình theo một số cán bộ vào phục vụ trong quân đội, tháng 7/1953 chính thức trở thành bộ đội biên chế ở Ðại đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Ông kể: “Ðường hành quân vô cùng hiểm trở với bao núi cao, vực thẳm, vách đứng chênh vênh, đường gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng chúng tôi vẫn vượt núi, băng rừng đạp bằng chông gai, hướng về Ðiện Biên với quyết tâm sắt đá miệt mài sải bước, rất nhiều anh em đã hy sinh. Ðường kéo pháo vào trận địa thấm đẫm mồ hôi và máu của các chiến sĩ nhưng khi pháo vừa vào trận địa thì lại nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch kéo pháo ra khiến ai cũng nản lòng. Con đường kéo pháo ra gian khổ hơn lúc kéo pháo vào. Lá ngụy trang bị héo, địch đã nắm được tình hình nên bắn phá dữ dội. Sức người đã suy giảm sau 1 quãng đường dài. Tháng 4 ở Ðiện Biên mưa nhiều, lũ lớn nên dưới hầm hào, công sự bùn đất bê bết từ đầu đến chân nhưng không tìm đâu ra nước mà tắm gội. Ban ngày, chúng tôi phải ẩn nấp trong các hầm công sự tránh sự phản kích của địch, ban đêm đào hào giao thông. Việc ăn uống cũng rất kham khổ, chỉ có cơm nắm với muối. Ngủ phải ngủ ngồi. Nhưng vì nhiệm vụ cao cả mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, chúng tôi vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Môn cùng đồng đội trong Ðại đoàn 312 được tham gia cả 3 đợt tấn công của quân ta trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Vừa tham gia chiến đấu, ông vừa nhận nhiệm vụ đưa các chiến sĩ hy sinh, bị thương ra ngoài trận địa. Giọng ông chùng xuống khi kể về chi tiết: “Vác anh em trên vai, có những người mất cả 2 chân nhưng lúc bấy giờ trong tôi chỉ một lòng thương đồng đội không hề sợ sệt bất kỳ điều gì, hừng hực chí quyết tâm, lòng căm thù và quyết chí quay lại chiến đấu trả thù cho những anh em vừa ngã xuống”.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, anh dũng, khoảng 17 giờ 35 phút ngày 7/5/1954, ông Môn cùng đồng đội vô cùng sung sướng khi nghe tin chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn và càng tự hào hơn khi chính chiến sĩ Ðại đoàn 312 của mình đã xông vào hầm bắt sống tướng Ðờ-cát. Trước mắt ông, cả đồi A1 là một rừng cờ trắng ngợp trời, từng đoàn lính Pháp tỏa ra các phía đầu hàng. Và chiến thắng từ đồi A1 đó đã mang ý nghĩa quyết định: kết thúc chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ông bảo: “Vinh dự lớn nhất đời tôi được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được đơn vị kết nạp vào Ðảng ngay trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và tham gia đội duyệt binh đón Bác Hồ, Trung ương Ðảng và Chính phủ trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội”.
Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, ông Nguyễn Ðức Môn tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới năm 1979, đến năm 1980 xuất ngũ trở về địa phương. 28 năm trong quân ngũ, cuộc sống đời thường sau đó cũng trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, vui có, buồn có nhưng ông Môn luôn noi gương sáng Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục con cháu mình giữ vững truyền thống cách mạng của gia đình.
20 năm nay, ông vẫn lặng thầm làm công việc trông nom, hương khói tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, trước là để báo hiếu với người chú của mình, sau là tỏ lòng thành kính, biết ơn với vị lãnh tụ của dân tộc. Ông khoe: “Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã mời tôi và một số đồng đội thăm chiến trường xưa. Dù mắt mờ, chân chậm nhưng tôi đang tích cực rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị tư trang đợi ngày trở lại Ðiện Biên. Ðây có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi quay lại chiến trường xưa - nơi đã từng diễn ra những trận đánh làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 60 năm và có cơ hội thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở nơi này”.
Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Uzbekistan 07.04.2025 | 16:25 PM
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
-
Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn