Thứ 7, 17/05/2025, 10:23[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Cất tiếng hát để át tiếng bom, đạn

Chủ nhật, 04/05/2014 | 18:26:40
2,106 lượt xem
Ngày 2/1/1952, cựu chiến binh Nguyễn Ánh Sáng (số nhà 2, ngõ 33, tổ 30 phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình) khi ấy mới 20 tuổi đã quyết tâm xa quê hương và gia đình đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tham gia Trung đoàn 44, ông Sáng cùng đồng đội đóng quân tại Nghệ An, chuyên đi xây dựng các công trình. Ðến năm 1953, ông chuyển sang đơn vị C321 D99 E176 F316 để chuẩn bị tham gia vào Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Ánh Sáng (phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình)

Ngày ấy, đơn vị ông Sáng được phân công chiến đấu ở Hồng Cúm, cách sân bay Mường Thanh chừng 3 – 4 km. Diễn ra từ ngày 31/3 đến ngày 7/5/1954, Hồng Cúm là trận đánh quan trọng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mục tiêu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận này là bao vây cô lập (nhưng không đánh dứt điểm) Hồng Cúm (phân khu Nam Ðiện Biên Phủ), để ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho phân khu Trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào.

Bồi hồi nhớ lại những ngày đã qua, ông Sáng xúc động cho hay: “Ðể tránh đạn của quân giặc, mỗi người trong đơn vị chúng tôi phải đào nhanh một hố cá nhân có diện tích chưa đầy một mét vuông, rồi từ hố cá nhân ấy đào dài ra thành chiến hào. Khổ nhất là những ngày mưa, nước mưa chảy xuống ngập cả hầm mà không dám lên vì sợ trúng đạn. Không những thế, chúng tôi còn phải ăn cả gạo mốc với muối. Muỗi, vắt, bọ chó thì nhiều vô kể, có khi sáng thức dậy còn không mở được miệng vì bị vắt chui vào”. Ðối với dụng cụ cá nhân, ông Sáng cùng đồng đội phải tự chẻ giang đan mũ rồi trùm vải dù lên, chặt đoạn nứa khoét sâu bên trong rồi đựng nước, luồn cơm vào mang đi chiến đấu, quần áo thì rách tả tơi, đến đôi giày cũng không có mà đi. Có những khi ông Sáng và đồng đội phải lấy áo bọc chân vì đi trên đường đồi lại nhiều cỏ gianh.

Trong khi ở phân khu Trung tâm trận đánh đang diễn ra ác liệt thì ở Hồng Cúm, anh em trong đơn vị thậm chí phải ém quân mất vài ngày để chờ lệnh tiến quân, chính vì thế cũng có đôi lúc làm lung lay tinh thần chiến đấu của anh em. Trước tình thế đó, phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, ông Sáng đã tích cực khuyên giải anh em giữ trọn lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong bất kể tình huống nào cũng không quản ngại gian khó quyết tâm xông lên chống lại quân thù.

Ông Sáng cho hay: “Cũng may, trước khi bước vào chiến dịch, năm 1953, tại Mộc Châu (Sơn La), toàn đơn vị đã được tham dự lớp chỉnh huấn chính trị nhằm phát động căm thù đế quốc phong kiến, kết hợp với địa phương chống đế quốc phong kiến và cải cách ruộng đất, chia ruộng đất cho nhân dân nên đã củng cố thêm lòng căm thù giai cấp bóc lột cho anh em trong đơn vị”. Không những được chỉnh huấn về chính trị, ông Sáng cùng đồng đội còn truyền tai nhau từng chi tiết về diễn biến chiến dịch. Ngày đó, hệ thống thông tin liên lạc còn chưa được hiện đại như bây giờ, thông tin được truyền đến cấp trên bằng đường dây điện thoại được đặt tại các binh trạm, rồi sau đó anh em tự truyền tai nhau. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng cứ hễ có phút giây nào rảnh rỗi là họ lại cất lên tiếng hát để át đi tiếng bom đạn.

Sau giải phóng Ðiện Biên, ông Sáng trở về công tác tại vùng Kiến Xương, Tiền Hải (Thái Bình), sau đó vào Nga Sơn (Thanh Hóa) làm hậu thuẫn cho cải cách ruộng đất. Ðến năm 1957, ông Sáng quay trở lại Ðiện Biên xây dựng nông trường quân đội và đến năm 1967, ông Sáng ra quân trở về địa phương.

Ðến nay, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng những chi tiết về chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ dường như đã ăn sâu vào trong tâm trí của người lính bộ binh năm xưa. Trở về với đời thường, ông Sáng cũng như bao người dân khác, sống một cuộc sống giản dị đúng với bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ và tham gia tích cực các phong trào ở địa phương.

Minh Hương

  • Từ khóa