Thứ 7, 10/05/2025, 11:48[GMT+7]

Hồi ức chiến sĩ Điện Biên Nhớ Him Lam, trận đánh mở đầu chiến dịch

Thứ 2, 05/05/2014 | 15:45:09
3,410 lượt xem
Là trận đánh mở đầu, trận đánh Him Lam thực sự là bước đệm quan trọng tạo đà để quân ta tiến đánh và giành thắng lợi ở những cụm cứ điểm tiếp theo trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ông Vũ Văn Hải (ở giữa) thăm lại chiến trường xưa. Ảnh do nhân vật cung cấp

60 năm kể từ ngày Chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi (7/5/1954), ở độ tuổi ngoài bát thập, mái tóc đã bạc, đôi chân đi những bước chậm chạp nhưng ông Vũ Văn Hải (xóm 1, xã Thái Hưng, Thái Thụy) vẫn nhớ như in những hình ảnh, sự kiện trong trận đánh mở đầu Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trận đánh “tư tưởng” làm hoang mang ý chí, tinh thần của quân đội Pháp ở Ðiện Biên - trận Him Lam.

 

Dùng những chiếc chén uống nước trên bàn để mô tả trận địa, ông Hải kể:   Cuối năm 1953, Pháp đưa quân nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ. Lúc này, Ðiện Biên Phủ trở thành nơi tập trung lực lượng của địch. Ðại đội 262, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 của chúng tôi được điều động lên Ðiện Biên Phủ phối hợp với các Sư đoàn 308, 316, 351 tiêu diệt địch.

 

Tháng Giêng năm 1954, khi các sư đoàn đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thì nhận được lệnh của Ðại tướng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngừng triển khai kế hoạch đánh địch chuyển “đánh nhanh, thắng nhanh” để chuẩn bị “đánh chắc, tiến chắc”.  Những ngày sau đó, quân ta tích cực làm đường đưa pháo vào trận địa, làm chiến hào bao quanh Ðiện Biên Phủ.

 

Về phía địch, xác định Him Lam là “cửa ngõ” đi vào tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Ðiện Biên Phủ, Pháp bố trí ở đây Tiểu đoàn Lê Dương - tiểu đoàn mạnh nhất của Pháp ở Ðông Dương bấy giờ và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, bố phòng công sự vững chắc. Tiểu đoàn Lê Dương gồm 4 đại đội với gần 500 tên địch đóng tại 3 cứ điểm làm thành cụm cứ điểm Him Lam. 12 giờ trưa ngày 13/3/1954,  Pháp đưa xe tăng, bộ binh ra phá chiến hào của ta, ta dùng pháo binh, súng cối bắn chặn buộc địch rút chạy.

 

Ðến 5 giờ chiều, trận Him Lam chính thức bắt đầu. Pháo binh của ta bắn vào trận địa Him Lam tiêu diệt  một số vị trí quan trọng của địch, bộ đội ta tiến công lần lượt các cứ điểm của Pháp. 2 giờ đêm ngày 14/3, ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam bắt sống khoảng 200 tên địch, làm bị thương và tiêu diệt gần 300 tên. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, lúc 8 giờ sáng, Pháp đưa 2 tiểu đoàn ra chiếm lại Him Lam nhưng bị bộ đội ta phục kích trên đường phải rút lui.

 

Trong rất nhiều câu chuyện ông Hải kể về trận Him Lam có một câu chuyện làm tôi nhớ mãi: Trước khi trận Him Lam bắt đầu, sư trưởng Lê Trọng Tấn hạ lệnh cho đại đội quân báo trong 3 ngày phải bắt được 1 tên địch ở cụm cứ điểm Him Lam để khai thác thông tin. Ngày đầu, tổ trinh sát của đại đội phục kích nhưng không bắt được địch, ngày thứ 2, tổ trinh sát luồn vào trong cứ điểm của địch, phục kích bắt được một tên. Khi khai thác thông tin, tên này khẳng định Him Lam là cứ điểm mạnh, ta sẽ thất bại nhưng sư trưởng Lê Trọng Tấn nói: “Anh hãy chờ xem!”.

 

Sau này, khi trận Him Lam thắng lợi nhanh chóng, tên lính trong quân đội Pháp ấy đã khẳng định: Nếu quân ta chiếm được Him Lam thì bất cứ cụm cứ điểm nào trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ chúng ta cũng có thể chiếm được. Ðiện Biên Phủ vốn được quân Pháp tự tin là một “pháo đài không thể công phá” đã bị công phá ngay trong trận đầu Him Lam, uy hiếp và làm hoang mang tinh thần, nhuệ khí chiến đấu của quân Pháp. Thế mới biết sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân của người Việt.

 

Là trận đánh mở đầu, trận đánh Him Lam thực sự là bước đệm quan trọng tạo đà để quân ta tiến đánh và giành thắng lợi ở những cụm cứ điểm tiếp theo trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nhớ về trận Him Lam sau 60 năm, người lính Ðiện Biên năm xưa Vũ Văn Hải và cả những người thuộc thế hệ sinh ra trong hòa bình như chúng tôi đều cảm thấy tự hào về thế hệ ông cha đã làm rạng rỡ trang sử hào hùng của dân tộc.

Vũ Hường

  • Từ khóa