Thứ 2, 05/05/2025, 12:36[GMT+7]

Gặp người Ðội trưởng Ðội tuyên truyền, địch vận năm xưa

Thứ 2, 05/05/2014 | 17:04:16
4,002 lượt xem
Một ngày trung tuần tháng tư, chúng tôi có dịp về thăm Lão thành cách mạng Phạm Văn Ðông, người Ðội trưởng Ðội tuyên truyền, địch vận làng Quý Ðức năm xưa, một người con tiêu biểu của quê hương Tiền Hải anh hùng.

Lão thành cách mạng Phạm Văn Ðông.

 

Theo hướng dẫn của đồng chí Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, dọc theo bãi biển Ðồng Châu thơ mộng chúng tôi đã tìm được đến nhà của vị lão thành cách mạng, người Ðội trưởng Ðội tuyên truyền, địch vận làng Quý Ðức năm xưa, Ðại tá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395 Phạm Văn Ðông.

 

Ngôi nhà hai tầng của Ðại tá Ðông nằm ngay sát bờ biển, tại thôn Ngải Châu (xã Ðông Minh, Tiền Hải), một vùng quê bình yên, quanh năm rì rào sóng vỗ. Năm nay dù đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh, hàng ngày vẫn phụ giúp con gái út trong công việc kinh doanh.

 

Bên ấm trà xanh, qua câu chuyện của ông, chúng tôi phần nào hiểu được ý chí quật cường của lớp cha anh đi trước, họ đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao cả. Sinh ra và lớn lên tại thôn Quý Ðức (xã Ðông Quý, Tiền Hải), chứng kiến cảnh đất nước bị giặc xâm lăng, nhân dân sống trong lầm than cơ cực, năm 1950, Phạm Văn Ðông đã xung phong vào Ðội thanh niên phụ trách thiếu niên, khi đó ông mới 16 tuổi. Một thời gian sau, ông được tổ chức giao làm Ðội trưởng Ðội tuyên truyền, địch vận, hàng tối cùng đồng đội đi đến các thôn, xóm tuyên truyền để quần chúng nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng.

 

Tháng 2/1951, trong một lần đi tuyên truyền, ông bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng với bản chất kiên trung ông quyết không khai báo. Hơn một tháng giam cầm, dù đã đánh đập, tra khảo bằng mọi cách, biết không lấy được thông tin gì từ ông, địch yêu cầu gia đình ông nộp 200 đồng Ðông Dương (tương đương với 200 thùng thóc) để chuộc ông về. Sau khi được gia đình, tổ chức chăm sóc, khi sức khỏe tạm bình phục, ông lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

 

Ðại tá Phạm Văn Ðông kể rằng, trong cuộc đời binh nghiệp của mình ông có rất nhiều trận đánh vào sinh ra tử nhưng có lẽ trận giải vây cho đồng đội bắt sống 2 tên Pháp cuối tháng 9/1951 là trận đánh đáng nhớ nhất. Vào thời điểm đó, để đối phó với lực lượng Việt Minh ngày càng lớn mạnh và đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta, địch tăng cường quân số xuống các đồn, bốt. Ông Ðông được tổ chức giao nhiệm vụ lập chốt tại khu vực cây đa chợ Xanh (thôn Ốc Nhân, xã Ðông Quý) để theo dõi bốt Trà Lý, tiếp cận nắm quân số địch. Ông cử một nữ địch vận tên Mười trong vai người đi mò cua, bắt ốc tìm cơ hội tiến sát hàng rào bốt địch. Phát hiện thấy có người lạ đến gần, hai tên lính Pháp đi tuần bèn đuổi theo cô Mười.

 

Từ trên đài quan sát, ông đã ra tín hiệu cho đồng đội rút lui. Khi thấy hai tên lính Pháp tay lăm lăm súng quyết tâm truy đổi cô Mười, ngay lập tức ông xin chi viện, trực tiếp dẫn quân cắt ngang cánh đồng tiếp ứng, khi bọn chúng đuổi kịp cô Mười thì ông cũng vừa đến nơi. Với những vũ khí thô sơ như giáo mác, gậy gộc, ông đã cùng đồng đội quật ngã, bắt sống hai tên lính Pháp, giải cứu đồng đội an toàn. Sau chiến công đó, ông được Ủy ban Hành chính huyện Tiền Hải thưởng 2 mét vải và một chiếc khăn quàng.

 

Làng quê xã Nam Hải (Tiền Hải). Ảnh: Thành Tâm

 

Tuy nhiên, cũng sau trận đó ông bị lộ, bọn địch tổ chức truy lùng ông khắp nơi. Ðến cuối tháng 11/1954, biết không thể hoạt động được ở địa phương, ông đã gia nhập quân đội, được biên chế vào Ðại đoàn 320 (Ðại đoàn Ðồng bằng) và đưa sang tập kết ở huyện Nam Trực (Nam Ðịnh). Sau một thời gian huấn luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng, đơn vị ông bí mật vượt sông, đánh thẳng vào bốt nhà thờ Cao Mại, tiêu diệt 100 tên địch. Thừa thắng, đơn vị tiếp tục đánh bốt đình Ðông Hướng và tổ chức bao vây huyện Kiến Xương.

 

Ðể đánh vào các bốt trọng yếu của địch, đơn vị ông được tổ du kích do bà Nguyễn Thị Chiên, Ðội trưởng Ðội nữ du kích xã Tán Thuật dẫn đường, tiếp cận đánh vào nhà địa chủ Huyền ở thôn An Bồi, tập kích đại đội Âu Phi, bắt sống 6 tên, trong đó có tên quan hai Pháp. Sau những chiến thắng giòn giã, đơn vị ông tiếp tục đánh vào nhà thờ Bích Du, đánh Diêm Ðiền. Bị mất nhiều vị trí quan trọng, quân Pháp điên cuồng mở trận càn lớn mang tên “Con Trâu”. Ðược lệnh phải chặn đứng quân địch, đơn vị ông đã chiến đấu quyết liệt, bảo vệ an toàn Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Quân khu 3.

 

Trong Chiến dịch Ðông Xuân 1953 - 1954, Ðại đoàn 320 được giao nhiệm vụ phá tan tuyến phòng thủ sông Ðáy, mở rộng vùng giải phóng tại Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, đánh tan nhiều đồn, bốt địch tại các tỉnh đồng bằng.

 

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954, Ðại đoàn thực hiện nhiệm vụ chặn đứng các mũi chi viện của địch cho Ðiện Biên Phủ. Sau tiếng nổ của quả bộc phá khai hoả chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại đoàn 320 đã tổ chức 3 mũi tiến công chủ lực với khẩu hiệu “Thành Nam nổi sóng”, “Cát Bi nổi lửa”, “Ðường 5 nổi sấm”, chặn đứng các mũi chi viện của địch, góp  phần quan trọng vào chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 

Sau thời gian đó, Phạm Văn Ðông được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia tiếp quản Hải Phòng, lúc đó ông là Chính trị viên Ðại đội 761 (Trung đoàn 48, Ðại đoàn 320). Tháng 7/1967, ông được điều động đi B5, đường 9, Quảng Trị, trực tiếp tham gia chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Sau đó ông đi chiến dịch miền Ðông Namon> bộ trên cương vị là Phó Chính ủy Trung đoàn 64. Từ năm 1972 đến năm 1974, ông là Chính ủy Trung đoàn 64, chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Tháng 4/1974, ông được cử ra Bắc học cao cấp chỉ huy. Trong đợt ra Bắc này ông có nhiệm vụ áp tải 4 xe gỗ cẩm lai của bà con các dân tộc Tây Nguyên đóng góp xây dựng Lăng Bác. Năm 1976, học xong lớp cao cấp chỉ huy, ông được điều về giữ chức Phó Chính ủy Sư đoàn 325B. Tháng 2/1979, ông là Chính ủy Sư đoàn 325B, nay là Sư đoàn 395. Năm 1988, ông được nghỉ hưu với quân hàm Ðại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395.

 

Với những cống hiến cho cách mạng, Ðại tá Phạm Văn Ðông đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng.

 

Trong không khí cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), được chứng kiến những thành tựu to lớn của đất nước trong suốt 60 năm qua, Lão thành cách mạng Phạm Văn Ðông rất vui mừng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Với tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, người con của quê hương “Tiếng trống năm 30” nguyện tiếp tục đem hết sức mình góp phần xây dựng Tiền Hải ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng.

Nguyễn Tùng

 

  • Từ khóa