Thứ 4, 31/07/2024, 17:16[GMT+7]

Tiếp nối những trang sử vẻ vang

Thứ 4, 07/05/2014 | 10:28:30
6,994 lượt xem
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đều có chung một nhận định: Truyền thống rực rỡ, bền bỉ và xuyên suốt nhất ở Thái Bình vẫn là lòng yêu quê hương - đất nước tha thiết, tinh thần chống giặc ngoại xâm, chống các thế lực phản động quyết liệt, kiên cường và bất khuất. Bởi vậy, ngay từ xa xưa, biết bao tên tuổi anh hùng đã ghi dấu vào lịch sử để ngày nay, mỗi lần tưởng nhớ, đất và người Thái Bình không khỏi tự hào về họ. Phát huy sức mạnh truyền thống của hàng ngàn năm kết tụ, người dân qu

Đại đội R10 huyện Vũ Thư mừng chiến thắng cầu Ba, cầu Thẫm tháng 2/1952.

Xây dựng căn cứ kháng chiến

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân ta từ thân phận nô lệ thành người làm chủ đất nước. Ngày 2 tháng 9, nhân dân Thái Bình xúc động lắng nghe lời tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng từ Quảng trường Ba Đình với niềm vui náo nức hân hoan. Song, cũng chính trong những ngày đầu giành độc lập, muôn vàn khó khăn ập đến như thử thách lòng người.

Tại Thái Bình, quân Nhật chưa rút thì 500 tên Tưởng đã kéo đến chốt giữ các vị trí quan trọng ở Thị xã và các đầu mối giao thông, thường xuyên gây rối, bắt bớ khủng bố nhân dân. Các đối tượng phản động bề ngoài hòa hoãn với Việt Minh, nhưng thực chất ngấm ngầm tiếp tay cho các đảng phái chính trị phản động chống chính quyền cách mạng, đồng thời âm thầm tập hợp lực lượng chờ quân Pháp tới.

Trong hai ngày liên tiếp, 21 - 22/8, đoạn đê  Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, nước lụt cả 12 phủ huyện trong toàn tỉnh, lúa mùa mất trắng. Cùng với nạn đói đe dọa là các tệ nạn, tập tục phong kiến hủ bại, mê tín dị đoan - tàn dư của chế độ cũ còn rất nặng nề. 95% nhân dân mù chữ, sự hiểu biết về chính trị, xã hội còn thấp kém, lạc hậu. Trong khi đó, trình độ năng lực, kinh nghiệm công tác của các tổ chức, các lực lượng còn nhiều yếu kém so với yêu cầu của cách mạng.

Đạp bằng mọi trở ngại để tiến lên, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" và thực hiện chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã sáng suốt nhận định tình hình và ra nghị quyết chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ cấp bách. Để động viên khí thế cách mạng hừng hực của quần chúng, các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Minh được tổ chức khắp nơi trong tỉnh. Với phương châm "Mỗi lá phiếu có sức lực như một viên đạn" và khẩu hiệu "Tất cả hãy đến thùng phiếu", 95% số cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa 1.

Nhân dân thị xã Thái Bình tiêu thổ kháng chiến, đặt chướng ngại vật trên dốc cầu Bo, chặn bước tiến của thực dân Pháp năm 1946.

Cùng với xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn trứng nước, nhiệm vụ chống đói, cứu đói, khắc phục hậu quả vỡ đê lúc ấy cũng cần kíp như đánh giặc. Tịch thu kho thóc Nhật, tự nguyện nhường cơm xẻ áo, xây dựng hũ gạo cứu đói, thực hiện ngày đồng tâm nhịn ăn; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai phá 10 mẫu ruộng hoang hóa, nâng cao sản lượng lương thực, hoa màu; huy động gần 1,26 triệu ngày công với hơn 1 triệu m3 đất đắp đê chống lụt…, hàng loạt động thái tích cực trở thành những phong trào sôi động trong toàn tỉnh đã tạo niềm tin mới, sức mạnh mới cho nhân dân đẩy lùi nạn đói. Ban ngày bận mải sản xuất, buổi trưa, buổi tối và ban đêm, từ thành thị đến những vùng nông thôn hẻo lánh, khắp làng trên xóm dưới, nơi nào cũng sáng ánh đèn và rộn rã tiếng "i tờ".

Vừa tập trung chỉ đạo diệt giặc đói, chống giặc dốt, Tỉnh ủy và Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh vừa hết sức chú ý chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Từ thanh niên, phụ nữ đến phụ lão, thiếu nhi… ai cũng nhiệt tình tham gia huấn luyện quân sự; từ sân đình chùa, sân trường đến gò bãi, nơi đâu cũng đều trở thành bãi tập sôi nổi. Toàn dân trong tỉnh không ai bảo ai, tất cả nhiệt tình quyên góp vàng, ủng hộ "Quỹ độc lập", "Quỹ đảm phụ quốc phòng" để mua vũ khí, nuôi dưỡng lực lượng vũ trang, sẵn sàng kháng chiến chống thực dân Pháp.

Toàn dân là chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài

Thực hiện âm mưu cướp nước ta một lần nữa, từ tháng 9/1945 đến cuối năm 1949, thực hiện kế hoạch "xiết chặt dầu loang", thực dân Pháp đã tập trung lực lượng lần lượt đánh chiếm Nam Bộ, Nam Trung Bộ, rồi đồng bằng Bắc Bộ với hy vọng nuốt trôi Đông Dương một cách dễ dàng. Trong thời gian này, Thái Bình còn là mảnh đất tự do nằm sâu trong lòng địch ở đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù vậy, ngay sau khi nhận được các chỉ thị của Trung ương Đảng, lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triệu tập họp khẩn ra quyết nghị chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến, phát động nhân dân chuẩn bị kháng chiến với trọng tâm "tiêu trừ nội phản, ngăn giặc ngoại xâm, giặc đến thì đánh, giặc đi thì cày".

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, bộ máy chính quyền các cấp không ngừng được củng cố, hoàn thiện; các tổ chức đảng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; các đoàn thể và mặt trận thống nhất được mở rộng.

Lực lượng vũ trang xã Nguyên Xá - Ðông Hưng họp bàn rút kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, Thái Bình là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước (cùng với Hà Tĩnh) được Chính phủ công nhận hoàn thành thanh toán nạn mù chữ. Bên cạnh đó, từ nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, khánh kiệt, Thái Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ và phong phú, không chỉ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân trong tỉnh, mà còn đóng góp một phần đáng kể cho Trung ương, cho cuộc kháng chiến của chiến khu Ba và các tỉnh bạn.

Thực hiện phương châm "Toàn dân là chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài", các phong trào "Vũ trang toàn dân", "Luyện quân lập công", "Huấn luyện giỏi, quân đông, súng nhiều", "Xây dựng làng chiến đấu", "Tiêu thổ kháng chiến"… được tổ chức sôi động ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, vừa góp phần đẩy mạnh mọi nỗ lực của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, vừa giúp quân và dân Thái Bình giành nhiều thắng lợi trong các cuộc đánh trả trực tiếp những trận tập kích, đổ bộ của địch lên các vùng ven biển, ven sông, thêm vững niềm tin trong tư thế sẵn sàng chiến đấu chống quân địch tiến công chiếm đóng.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Bước sang năm 1950, là mục tiêu tiến công trọng yếu, đồng bằng Bắc Bộ trở thành chiến trường nóng bỏng với nhiều cuộc hành quân lớn, nhỏ của các binh đoàn cơ động Pháp. Mờ sáng ngày 8/2, với lực lượng hơn 4.000 tên thuộc các binh đoàn thiện chiến cùng với sự hỗ trợ của tàu chiến, ca nô, xe lội nước, máy bay, pháo binh…, quân Pháp bắt đầu cuộc hành binh Tô - nô, chia làm nhiều mũi, nổ súng tiến công Thái Bình. Sự tiến công với lực lượng áp đảo của quân Pháp, sự chống phá điên cuồng của bọn phản động trong đồng bào đạo Thiên chúa giáo, trong khi ta yếu hơn địch về nhiều mặt, đặc biệt là trang bị kỹ thuật đã gây cho ta không ít khó khăn, thách thức.

Nhân dân Thái Bình đấu tranh đòi chồng con đi lính cho Pháp trở về trước dinh tỉnh trưởng - năm 1951.

Song với tinh thần quyết tâm kháng chiến và thế trận chiến tranh nhân dân, quân dân Thái Bình và bộ đội chủ lực đã chủ động đánh địch, gây cho chúng tổn thất đáng kể, làm thất bại tham vọng "tốc chiến, tốc thắng" hoàn tất công cuộc bình định Thái Bình ngay từ cuộc hành binh đầu tiên và âm mưu "tìm diệt chủ lực"của thực dân Pháp. Vượt lên trên sự đàn áp, khủng bố dã man, tàn sát đẫm máu và mọi thủ đoạn thâm độc của địch, mặc cho địch ra sức bình định các khu tạm chiếm bằng hình thức càn quét, với khẩu hiệu: "Bám đất, bám dân, tiến sâu vào lòng địch", phong trào toàn dân đánh giặc đã đẩy cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong chính những vùng địch tạm chiếm tiến lên với bước phát triển mới. Vừa kiên cường đánh giặc, hầu hết các địa phương trong tỉnh vừa tổ chức "Đại náo phá tề trừ gian", góp phần từng bước triệt tiêu bọn phản động hung ác, làm tay sai đắc lực cho địch.

Những hoạt động mạnh mẽ cả về quân sự, chính trị, kinh tế, địch vận… của ta đã khống chế được địch, không cho chúng tự do hoành hành; một số làng chiến đấu đã gây cho địch nhiều tổn thất, trở thành "nơi nguy hiểm đáng sợ" với chúng.  Kết thúc xuân hè năm 1953, quyết liệt giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ, với sự phối hợp của bộ đội chủ lực, quân dân Thái Bình đã làm thất bại hàng loạt trận càn quét của địch, dồn địch vào thế khốn quẫn, mở rộng vùng tự do và du kích chiếm tới 4/5 đất đai toàn tỉnh, tạo thế và lực mới cho những cuộc chiến đấu mang tính quyết định.

Phối hợp với Điện Biên Phủ đánh địch rút chạy

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ nhằm cài bẫy, thu hút và giam chân chủ lực đối phương, giảm sức ép cho đồng bằng Bắc Bộ. Trước âm mưu mới của địch, Bộ Chính trị họp thông qua quyết tâm của Tổng Quân ủy chọn Điện Biên Phủ làm quyết chiến điểm chiến lược.

Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 4 năm 1954, từ Điện Biên Phủ, tin chiến thắng dội về dồn dập càng làm cho quân dân Thái Bình nức lòng phấn khởi.

"Thi đua hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch, nêu cao tinh thần khẩn trương, tích cực hoạt động phối hợp với Điện Biên Phủ" được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Thái Bình xác định là nhiệm trọng tâm lúc bấy giờ. Tích cực tìm địch tiến công, phục kích triệt giao thông và vây ép, đánh mạnh vào những chỗ sơ hở của địch, ta đã làm cho nhiều hệ thống phòng thủ của địch bị tan vỡ, quân đồn trú của địch ở Thái Bình liên tiếp kêu cứu khẩn cấp. Tính riêng trong tháng 4/1954 - tháng phối hợp với Điện Biên Phủ, quân dân Thái Bình đã đánh 197 trận, diệt và làm bị thương gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới.

Bên cạnh đó, từ tháng 2 đến tháng 5/1954, thanh niên Thái Bình còn tòng quân bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người. Dân công Thái Bình ngày nào cũng có hàng nghìn người gánh gạo vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục ngàn gói vật phẩm với khối lượng lên tới hàng chục tấn của đồng bào gửi tới chiến sĩ Điện Biên.

Nhân dân Thái Bình bãi thị chợ Bo để phản đối thực dân Pháp giam giữ đồng bào ta sau trận càn Trái Quýt năm 1951.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị ta tiêu diệt. Phát huy thắng lợi Điện Biên Phủ và thiết thực chào mừng chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", xác định thời cơ tiêu diệt địch đã đến, Tỉnh ủy quyết định tổ chức phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn ở Thị xã và các vùng tạm chiếm, đồng thời điều động lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực quyết liệt đánh địch, buộc cho chúng phải vội vã rút chạy.

Sáng sớm ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, Thái Bình chào đón ngày mới trong niềm vui giải phóng. Nhân dân toàn tỉnh hồ hởi, hân hoan, hăng hái bắt tay vào cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình và xây dựng cuộc sống mới.

3 đại đoàn bổ sung cho bộ đội chủ lực, 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, hàng chục vạn tấn thóc cung cấp cho Trung ương và các tỉnh bạn, 9.922 người con đã hy sinh và 2.538 người con để lại một phần xương máu nơi chiến trường…, những con số biết nói ấy không chỉ là sự đóng góp quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mà còn là minh chứng cho một trong những phẩm chất cao quý của người Thái Bình: kiên cường và bất khuất, để những trang sử vàng mỗi ngày nối tiếp dài hơn qua các thế hệ.

Quang Minh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày