Thứ 5, 10/10/2024, 09:12[GMT+7]

Về Đông Lâm nghe kể chuyện Bác Hồ

Thứ 2, 19/05/2014 | 09:50:14
7,425 lượt xem
Ðã hơn 52 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm xã Ðông Lâm (Tiền Hải) song hình ảnh của Người dường như chưa bao giờ mai một trong tâm trí nhiều thế hệ người dân nơi đây, để rồi cứ mỗi độ tháng 5 về, mảnh đất và con người Ðông Lâm lại bâng khuâng, cuộn trào một niềm thương nhớ Bác.

Nhân dân Thái Bình mừng vui đón Bác ngày 26/3/1962. Ảnh: Tư liệu

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả dân tộc đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) và kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014), chúng tôi có dịp về thăm Ðông Lâm và được nghe kể chuyện ngày Bác về thăm nơi đây.

Sinh thời, Bác Hồ dành cho Thái Bình tình cảm vô cùng đặc biệt với 5 lần về thăm. Trong lần thứ tư về thăm Thái Bình, Bác đã về thăm xã Nam Cường và xã Ðông Lâm của huyện Tiền Hải. Sáng ngày 26/3/1962, sau khi thăm xã Nam Cường, Bác về thăm và nói chuyện với Ðảng bộ và nhân dân xã Ðông Lâm. Mặc dù thời gian đã lâu, phần lớn những người được gặp Bác ngày ấy nay đều đã trên dưới “bát thập” song hình ảnh người cha già kính yêu của dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Bác đi về phía kỳ đài trong sự vui mừng, phấn khởi và những tràng vỗ tay không ngớt của bà con.

Việc Bác Hồ về thăm xã Ðông Lâm được giữ bí mật đến phút cuối, sự bất ngờ đã khiến cho niềm hạnh phúc chợt vỡ òa. Tại kỳ đài nằm trên khu đất sau đình làng Nho Lâm, Người gặp và nói chuyện với Ðảng bộ, nhân dân xã Ðông Lâm cùng đại biểu các huyện, thị và một số xã trong tỉnh. Bác nói chủ yếu về phát triển nông nghiệp trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; phân tích một số khuyết điểm trong sản xuất nông nghiệp; phê bình thói phô trương, lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, đặc biệt là tệ đánh vợ, ép duyên con… Bác khen Thái Bình có nhiều hợp tác xã có kinh nghiệm trong tăng năng suất, tăng vụ, cải tiến nông cụ… và yêu cầu cần phổ biến kinh nghiệm cho các nơi khác. Nói về giáo dục phổ thông, vệ sinh phòng bệnh và đời sống mới, Bác nhấn mạnh: “Xấu nhất là tệ đánh vợ, ép duyên con chưa hoàn toàn chấm dứt”. Bác cũng hỏi “Nghe nói ở Thái Bình có một số người còn đánh vợ đúng không?”. Sau đó Bác hỏi một chị ngồi gần: “Cháu có bị đánh lần nào không?”.

Những câu hỏi, sự quan tâm của Bác không chỉ khiến chị em phụ nữ mà cả các “đấng mày râu” lúc đó đều vô cùng cảm động. Bác chỉ ra rằng: Ðánh vợ là tệ rất xấu. Các nước văn minh người ta tôn trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng. Trai gái đều ngang quyền như nhau. Hướng về phía có đông đại biểu là phụ nữ, Người căn dặn: “Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu để giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông”.

Sau buổi nói chuyện, Bác xuống thưởng kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng và trao huy hiệu cho các Chiến sĩ thi đua và Lao động tiên tiến có thành tích nổi bật. Một trong những người vinh dự được Bác trao huy hiệu hôm ấy có bà Phan Thị Chè, người làng Thanh Giám.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Phan Thị Chè khi trời đã xế trưa. Trong ngôi nhà thoáng mát thoang thoảng hương hoa ngọc lan, bà bồi hồi nhớ lại 52 năm trước, ngày bà vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu. Ðối với người phụ nữ 74 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Ðảng này, ký ức ngày hôm đó vẫn còn sống mãi, là niềm tự hào trong cuộc đời. Bà bồi hồi nhớ lại: “Sau khi thưởng kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác đã trao 14 huy hiệu cho các Chiến sĩ thi đua và Lao động tiên tiến có thành tích nổi bật. Tôi vinh dự là một trong những người may mắn hôm ấy. Sở dĩ tôi được Bác trao huy hiệu là do năm 1961 tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua. Ðó là cả một quá trình phấn đấu”.

Những năm 1960 - 1961, khi tham gia công tác Ðoàn và ban quản lý hợp tác xã ở địa phương, bà Chè luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, xã và các phong trào sản xuất, quyết tâm xây vững hậu phương cho tiền tuyến. Do có nhiều thành tích xuất sắc, bà được bầu là Chiến sĩ thi đua. Khắc ghi lời Bác dặn lúc trao huy hiệu: “Các cháu cố gắng sản xuất, công tác tốt để sang năm lại là chiến sĩ thi đua”, trong những năm sau đó, bà luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị, từ Xã đội phó (cuối năm 1962), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã (từ năm 1975) cho đến khi nghỉ hưu năm 1989. Trong suốt thời gian công tác, những lúc gặp khó khăn, bà luôn nghĩ về Bác, về ngày 26/3/1962 để có thêm sức mạnh vượt qua.

Ðã 45 năm kể từ ngày Bác đi xa song hình ảnh, đạo đức và nhân cách sáng ngời của Người mãi trường tồn trong trái tim con dân đất Việt, để khi tháng 5 về mọi người lại bồi hồi tưởng nhớ Bác kính yêu.

Ðào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày