Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại và thi ca
Từ một cái nhìn khái quát, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định rằng: “Đường Trường Sơn đến mùa Xuân năm 1975 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu” (Lời Cố Thủ tướng nói với Bộ đội Trường Sơn 2/9/1975).
Đường Trường Sơn và núi rừng Trường Sơn trở thành nơi hội tụ của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí và là nơi thử thách cao nhất của phẩm chất con người: “Trường Sơn vượt núi băng rừng/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu).
Các thế hệ người lính, các văn nghệ sĩ cùng lên đường đi qua Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Bên cạnh những nhà thơ thuộc thế hệ thời kỳ chống Pháp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Giang Nam…, xuất hiện một thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Vương Linh, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh… Những người cầm bút hai thế hệ này đã từng đến Trường Sơn hoặc là những người sống, bám trụ nơi ác liệt này suốt thời kỳ đánh Mỹ và họ đã có những bài thơ về Trường Sơn. Đồng thời với tư cách là những nhà lãnh đạo chính trị quân sự, một số người như Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Đặng Tính cũng đã thể hiện những tình cảm của mình với núi rừng Trường Sơn và những con người chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn. Trường Sơn là một đề tài, một đối tượng thẩm mỹ để các văn nghệ sĩ hướng đến sáng tác.
Đường Trường Sơn là đường ra trận, là con đường rất gian khổ, khốc liệt mà chúng ta từng đổi từng thước đường, cung đường bằng biết bao nhiêu xương máu của những người ngã xuống. Nơi này, đế quốc Mỹ rải thảm B52, phun chất độc điôxin để hủy diệt màu xanh, bom đạn dày đặc, chi chít: “Vết đạn cày lên vết đạn/ Hố bom chồng lên hố bom/ Đất nào đất đỏ hơn/ Cây nào cây sống nổi/ Tưởng con chim cũng không bay qua khỏi/ Cá chết trôi nổi, trắng cả dòng” (Nơi đây là túi bom - Vương Linh).
Cát bụi đường Trường Sơn cũng là một thử thách đối với con người. Mỗi làn xe qua, quân qua là đỏ rực bụi đường: “Ai qua đèo Trường Sơn/ Không nếm mùi cát bụi/ Cứ mỗi chiếc xe qua/ Bụi tung lên từng khối/ Mù mịt một góc trời” (Bụi Trường Sơn - Lê Đức Thọ). Bụi làm đỏ cả lá rừng cũng là hiện thực nhưng rất nên thơ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã mô tả cái chất thơ của “lá đỏ”: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ… Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” (Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi).
Nhà thơ Tố Hữu vẽ nên bức tranh đường Trường Sơn thật hiện thực: “Xe lao qua dốc đồi/ Gió tây giội lửa ồi ồi sau lưng/ Bụi bay, bụi đổ lá rừng/ Mịt mù lối cát, kín bưng đường hầm” (Nước non ngàn dặm - Tố Hữu).
Ở Trường Sơn, sự sống chỉ được tính từng phút, từng giây, nhưng những người bám trụ ở đây vẫn thanh thản, hồn nhiên trong điếu thuốc, tiếng cười: “Ở đây sống tính từng giây/ Vẫn say từng giấc ngủ ngày bom rơi/ Ngủ rồi, thức dậy, thêm vui/ Rít say điếu thuốc, tiếng cười giòn tan. (Nơi đây là túi bom - Vương Linh).
Đường Trường Sơn - đường ra trận, không chỉ có máu và nước mắt mà còn có cả niềm vui và tiếng hát, tiếng cười của những người: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).
Từ Ngọn đèn đứng gác đơn sơ, Chính Hữu đã nâng lên tầm khái quát lịch sử: “Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ tắt... Như cả nước/ Với miền Nam/ Đêm nào cũng thức…” (Ngọn đèn đứng gác). Và, Trường Sơn thuở ấy đâu chỉ có đạn bom, chết chóc, tro bụi mà còn có những thời khắc nên thơ, như là những minh chứng đẹp đẽ cho tâm hồn người lính: “Cả một mùa xuân theo bóng xe/ Cánh trắng cánh vàng đậu vào tay lái/ Nhớ quê hương đâu có thể quay đầu lại/ Ép một con bướm Trường Sơn mà gửi thư về” (Bướm Trường Sơn - Chế Lan Viên). Cũng như, giữa sục sôi bom lửa chiến trường, dưới mái tăng (được ví là bầu trời vuông) người lính chợt trở nên mơ mộng: “Mặt trời là trái tim anh/ Mặt trăng vành vạnh là tình của em/ Thức là ngày, ngủ là đêm/ Nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa” (Bầu trời vuông - Nguyễn Duy).
Đồng thời, tình yêu lứa đôi cũng hòa vào trong tình yêu Tổ quốc, đất nước và tình cảm quốc tế. Những câu thơ Phạm Tiến Duật chan chứa chất trữ tình lãng mạn: “Từ bên em đưa sang bên nơi anh/ Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn (Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật).
Chúng ta mở đường Trường Sơn từ thuở “con nai vàng ngơ ngác” và mở “theo dấu voi đi” (Thép Mới). Đó là con đường huyết mạch, con đường niềm tin và chiến thắng: “Ôi con đường vĩ đại của niềm tin/ Một lối nhỏ xuyên rừng thành đại lộ/ Trên trái đất, trên trăm ngàn biến cố/ Những thế hệ Việt Nam lớp lớp lên đường” (Hành quân trên đường Hồ Chí Minh - Bùi Minh Quốc).
Trên con đường Trường Sơn, lớp lớp các thế hệ con người Việt Nam ra trận, hướng về miền Nam với niềm tin sắt đá là giải phóng quê hương. Đến Trường Sơn là để hiểu được mình và sức mạnh của dân tộc. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cũng là con đường dẫn đến tương lai: “Con đường dẫn đến/ Những miền yêu thương (Trong đời đẹp nhất - Nguyễn Bao).
Và đi trên đường Trường Sơn như đi vào trẩy hội. Đó là nơi gặp gỡ, hội tụ niềm tin và sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam. Con đường tỏa đi trăm ngả, nhưng đích đến cuối cùng là miền Nam: “Lớp trước qua rồi để lại lối cho em/ Cả nước ra quân, Trường Sơn mở hội/ Gặp ngã ba, em cứ đi không cần phải hỏi/ Đường Trường Sơn trăm lối dẫn em về Nam (Đường lên Trường Sơn - Vũ Thuộc).
Những chiến sĩ trên đường Trường Sơn; bộ đội công binh, pháo binh, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, lái xe..., tất cả giữ vững con đường góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Đánh giá sự đóng góp của Bộ đội Trường Sơn vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn viết: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại” (Trích trong lời ghi Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn).
Đó là những người dũng cảm trên sông nước: “Những dũng sĩ Trường Sơn/ Làm chủ dòng nước bạc/ Bốn mùa thuyền xuôi ngược/ Mang sức sống Bạch Đằng” (Thuyền chiến trên Cao nguyên - Đặng Tính).
Người lính xe với phong thái ung dung, tự tại, xem thường hiểm nguy: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” (Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật).
Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm cọc tiêu cho xe qua ngầm, qua suối, qua trọng điểm trên đường Trường Sơn là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn/ Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi/ Những cọc tiêu là những cô em gái/ Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên” (Cái điểm sáng ấy - Trần Nhật Thu).
Những con người ấy không run sợ trước kẻ thù, không chùn bước trước khó khăn và cái chết, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ: “Xông vào nơi khói/ Để làm một cây chông nhỏ diệt thù/ Em đã vượt qua thử thách bước đầu/ Để làm người chiến thắng” (Hơi ấm đường rừng - Nguyễn Mỹ). Và biết bao người đã ngã xuống trên con đường này để làm nên mùa xuân chiến thắng. Tên tuổi và chiến công của họ vẫn được khắc ghi trên các tấm bia mộ trong các trang văn, trang thơ mà cao hơn là trong tâm khảm con người Việt Nam qua bao thế hệ.
Chiến tranh đã lùi xa ngót 40 năm, con đường Trường Sơn gắn với “Câu chuyện thần thoại Đông Dương” là “con rồng nghìn cây, chặt xong lại mọc”, “con đường thần thánh biến hóa y như được đức Phật chí tôn phù hộ độ trì” (Báo chí phương Tây) ngày xưa trong chống Mỹ, ngày nay đã trở thành Đại lộ Hồ Chí Minh nối liền Nam Bắc. Con đường và con người Trường Sơn năm ấy, bây giờ đã trở thành huyền thoại và sống mãi với dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Văn Thanh
(10/ 24 - ĐăngTất - Đông Hà- Quảng Trị)
Tin cùng chuyên mục
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh 19.05.2024 | 17:39 PM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình