Thứ 2, 02/12/2024, 19:34[GMT+7]

Phấn đấu sớm trở thành tỉnh nông thôn mới

Thứ 2, 18/10/2010 | 09:16:30
2,672 lượt xem
Theo kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương đã chọn Thái Bình là một trong 5 tỉnh trong toàn quốc làm điểm về vấn đề này.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Trước khi có Quyết định 800/QĐ - TTg, ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh ta đã nhanh nhậy làm điểm ở 8 xã và được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tại Hội nghị trực tuyến mới đây. Đồng thời tỉnh đã triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM ở các xã còn lại ngay từ cuối năm 2009, phấn đấu hoàn thành trong năm 2010.

Như vậy, Thái Bình sẽ xong trước một năm so với nội dung chương trình của Quyết định 800/QĐ - TTg đề ra. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với việc được chọn làm điểm về xây dựng NTM, Thái Bình có nhiều thuận lợi để sớm trở thành tỉnh nông thôn mới.

Mục tiêu của QĐ 800/QĐ - TTg, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM; năm 2020, 50% số xã đạt chuẩn NTM (theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM). Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế  xã hội và an ninh quốc phòng, thực hiện trong thời gian dài và liên tục. Như kết quả thực hiện ở 8 xã điểm về xây dựng NTM trong thời gian qua và triển khai đồng loạt tại các xã còn lại thì Thái Bình sẽ đạt và vượt cao so với mục tiêu của QĐ 800 đề ra đến năm 2015 - 2020.

Cụ thể, đến hết tháng 9/2010, Thanh Tân (Kiến Xương) đã đạt 10/19 tiêu chí, 22/41 mục; Trọng Quan (Đông Hưng) đạt 9/19 tiêu chí, 23/41 mục...; 100% xã còn lại đã đồng loạt triển khai kế hoạch lập quy hoạch. Mặc dù trong quá trình triển thực hiện làm điểm ở 8 xã, có xã thuận lợi, nhưng cũng có xã còn vướng mắc nhiều khó khăn, song đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả cao.

Điển hình như Trọng Quan không được chọn làm điểm về dồn điền đổi thửa, nhưng với tinh thần chủ động và quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng các ban ngành, đoàn thể đã triển khai tích cực, cơ bản đo giao xong ngoài thực địa. Sau dồn điền đổi thửa, số hộ có 1 thửa là 18%; số hộ có 2 thửa là 76,6%; số hộ có 3 thửa chỉ còn 4,8%. Hay như Hồng Minh (Hưng Hà) cũng đã có nghị quyết chuyên đề dồn điển đổi thửa. Ông Nguyễn Trọng Lộ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Việc dồn điền đổi thửa đã được triển khai thông qua hội nghị Đảng bộ xã, hội nghị cán bộ, hội nghị cán bộ hưu trí, các tổ chức chính trị xã hội,  đến các thôn làng.

Kết quả đã có 11 thôn đo đạc ngoài thực địa để trừ diện tích giao thông, thủy lợi nội đồng và đổ 2000 cọc bê tông cắm ngoài thực địa. Hồng Minh sẽ tiến hành dồn điền đổi thửa đồng bộ cả 2 vùng trong đồng, ngoài bãi; phấn đấu mỗi hộ có 1 - 2 thửa, hoặc nhóm hộ chung nhau một thửa ruộng để sản xuất cùng một loại cây nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn...

Với những kết quả trên đã phần nào khẳng định được sự quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc thực hiện xây dựng NTM, mặc dù trước đó chưa có QĐ 800/QĐTTg. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chương trình này và có nhiều cơ chế hỗ trợ, mục tiêu cụ thể về xây dựng NTM; đặc biệt Ban chỉ đạo Trung ương đã chọn Thái Bình làm một trong 5 tỉnh về xây dựng NTM trong cả nước, đây là điều kiện thuận lợi cho tỉnh nhận được sự quan tâm của cấp trên nhiều hơn để sớm trở thành tỉnh nông thôn mới.

Theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc hỗ trợ gồm: Hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho công tác quy hoạch; xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, thôn, bản, cán bộ HTX.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ một phần cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước khu dân cư; đường giao thông thôn xóm... Từ năm 2009 đến nay, ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho 8 xã điểm là 144.552 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh quản lý và ngân sách huyện, xã, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn ODA. Các xã còn huy động vốn đóng góp của nhân dân, con em xa quê hương, góp công, góp đất... để thực hiện quy hoạch.

Điển hình như 28 hộ dân ở Hồng Minh hiến đất làm đường với diện tích 1.270 m2, phá dỡ 432 m tường xây, 12 cổng nhà, 9 bể nước; nông dân Thanh Tân tự nguyện góp 99.000 m2 đất; Quỳnh Minh góp 350.000 m2 đất; Trọng Quan góp 331.872 m2 đất. Đối với các xã không làm điểm, tỉnh đã đầu tư 22.950 triệu đồng phục vụ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hàng hóa, thủy lợi, giao thông nội đồng.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở 8 xã điểm và lập quy hoạch ở các xã còn lại, trong thời gian tới, các xã điểm hiện đang tập trung dồn điền đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng. Đồng thời trên cơ sở nguồn vốn tỉnh đã phân bổ, rất cần sự đóng góp của nhân dân để tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.

Hoàn thành việc lập và thực hiện các đề án tại các xã về đào tạo cán bộ HTX, thôn, đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, phát triển nghề và làng nghề. Tập trung sản xuất theo vùng quy hoạch đã được duyệt; chỉnh trang khu dân cư, đường làng, ngõ xóm; thực hiện nếp sống văn hóa mới... Tất cả các xã còn lại trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM trong năm 2010.

Được chọn làm một trong 5 tỉnh điểm trong cả nước về xây dựng NTM, là niềm vinh dự, niềm tự hào cho mảnh đất quê lúa. Song, cũng đặt lên vai các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và nhân dân một trọng trách to lớn. Mỗi cá nhân, tập thể phải nỗ lực hết mình để Thái Bình sớm được suy tôn tỉnh nông thôn mới.

Nguyên Bình
                                                                                     
 

  • Từ khóa