Thứ 4, 24/07/2024, 00:27[GMT+7]

Kỷ niệm 50 năm đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam (ngày 2 và 5/8/1964 - ngày 2 và 5/8/2014) Chiến thắng của tư tưởng “Dám đánh, quyết đánh, quyết thắng”

Chủ nhật, 03/08/2014 | 20:16:02
7,841 lượt xem
Chiến thắng ngày 2/8/1964 và ngày 5/8/1964 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ tại Lạch Trường (Thanh Hóa) ngày 5/8/1964.

 Cách đây 50 năm, cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt. Ðế quốc Mỹ âm mưu mở rộng đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.Sớm nhận rõ âm mưu của địch, tháng 6/1964 Bộ Chính trị ra Chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu phá tan âm mưu khiêu khích phá hoại miền Bắc của địch, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm miền Bắc. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân chủng Hải quân đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đến ngày 6/7/1964 mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, sẵn sàng đối phó với mọi hành động của địch.

 

Ðêm ngày 31/7 rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc mang số hiệu 731 thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình rồi ra khu vực Ðèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. 4 giờ 30 phút ngày 1/8/1964 Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho Tiểu đoàn 135 điều 3 tàu phóng lôi 333, 336, 339 do đại úy Lê Duy Khoát, Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) bí mật vào Hòn Mê (Thanh Hóa) cùng các tàu 140, 146 thuộc Khu tuần phòng 1 phục kích đón đánh tàu Ma đốc với tư tưởng “Dám đánh, quyết đánh, quyết thắng”. 14 giờ ngày 2/8/1964 tàu Ma-đốc tiến sâu vào vùng biển Ðông Bắc Hòn Mê, 3 tàu phóng lôi của ta được lệnh xuất kích. Phát hiện ra tàu ta, tàu Ma-đốc và 5 máy bay đánh chặn ác liệt, đồng chí Lê Duy Khoát ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Văn Bột chỉ huy tàu 333 mở hết tốc lực chặn tàu địch để tàu 336 và tàu 339 tiếp cận phóng ngư lôi và dùng súng 14 ly 5, 12 ly 7 bắn quét trên boong tàu địch. Ðồng thời đồng chí Nguyễn Xuân Bột chỉ huy tàu 333 lao thẳng tàu địch hướng mạn phải ở góc 500 phóng ngư lôi.

 

Trước sự tấn công kiên quyết, dũng mãnh của các tàu ta, tàu Ma-đốc vội vàng tháo chạy. Sau đó các tàu của ta đánh trả quyết liệt 5 máy bay địch, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Trận chiến kết thúc thắng lợi, tàu Ma-đốc bị trúng đạn, một số thiết bị trên boong bị hỏng, ta bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác. Mặc dù lực lượng tàu của ta nhỏ bé, tính năng kỹ thuật hạn chế, lại phải độc lập chiến đấu với tàu khu trục lớn và máy bay địch nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 135 đã đánh trận đầu xuất sắc, giáng mạnh vào uy thế của Hải quân Mỹ.

 

Ðêm ngày 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân Việt Nam tấn công tàu Ma-đốc ngoài hải phận quốc tế lấy cớ để trưa ngày 5/8/1964 huy động gần 100 lượt máy bay đánh phá các căn cứ hải quân của ta từ cảng sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các lực lượng của ta đánh trả quyết liệt.

 

Tại cảng sông Gianh, các tàu 527, 181, 183, 173, 175, 177 bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc. Tại cửa Hội (Nghệ An), các tàu của hải quân ta phối hợp với lực lượng phòng không đánh trả quyết liệt, tàu 137 bắn rơi 1 máy bay ở phía tây Hòn Mát. Tại Lạch Trường (Thanh Hóa) tàu phóng lôi 333 và 336 cùng các tàu 130, 132, 146 bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc; pháo thủ Ðặng Ðình Lống của tàu 146 bị thương gãy chân đã dùng đai cột mình vào giá súng, tiếp tục bắn máy bay địch và đã anh dũng hy sinh. Tại Quảng Ninh, các tàu 122, 124, 134, 144 đã bắn rơi 2 máy bay, bắt sống trung úy phi công An-va-rét. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, Hải quân nhân dân Việt Namon> cùng với các lực lượng phòng không trong ngày 5/8/1964 đã bắn rơi, bắn bị thương 8 máy bay, bắt sống giặc lái. Thủ tướng Phạm Văn Ðồng trực tiếp chứng kiến trận đánh của hải quân ta ngày 5/8/1964 tại Quảng Ninh đã khen ngợi và nói: “Tôi về sẽ báo cáo với Trung ương Ðảng và Chính phủ những điều tai nghe, mắt thấy về tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các đồng chí”; Bác Hồ đã gửi thư khen Quân chủng Hải quân: “Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc…”.

 

Chiến thắng ngày 2/8/1964 và ngày 5/8/1964 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Namon>.

 

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những chiến thắng oanh liệt ở cửa Việt, ở rừng Sác…, đặc biệt là chiến công huyền thoại của đoàn tàu không số vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Hải quân nhân dân Việt Namon> đã nêu cao tinh thần sẵn sàng hy sinh, quả cảm chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa tháng 3/1988, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với những chiến công đó, Hải quân nhân dân Việt Nam đã được Ðảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng 2 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Ðộc lập và nhiều phần thưởng cao quý. 82 tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động”, gần 7 nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân huy chương các loại.

 

Thái Bình là địa phương ven biển, có truyền thống yêu nước nồng nàn là một trong những tỉnh tham gia lực lượng hải quân đông nhất trong cả nước. Các chiến sĩ hải quân năm xưa sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương đã quần tụ bên nhau dưới mái nhà chung là Hội truyền thống Hải quân tỉnh với hơn 2.750 hội viên. Ngoài những hoạt động gặp mặt truyền thống, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, thăm hỏi lúc ốm đau, qua đời, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo…, nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi như đồng chí Vũ Duy Hùng ở thị trấn Vũ Thư, nguyên chiến sĩ Lữ đoàn 131 đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Hải Hùng, tạo việc làm cho trên 200 lao động với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Ðồng chí Lê Xuân Thược là thương binh hạng 3/4 nguyên cán bộ Lữ đoàn 126 quê ở xã Vũ Phúc mở xí nghiệp xây dựng tạo việc làm cho gần 100 lao động. Hàng trăm đồng chí khác được tín nhiệm bầu tham gia công tác tại địa phương.

 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu, Hội truyền thống Hải quân tỉnh đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỗ trợ xây dựng 2 nhà tình nghĩa (mỗi nhà 50 triệu đồng) cho đồng chí Hà Quang Kiển ở xã Phong Châu (Ðông Hưng), nguyên khẩu đội trưởng tàu 136 chiến đấu ngày 5/8/1964 ở Lạch Trường và đồng chí Vũ Trọng Trầm ở xã Thụy Trường (Thái Thụy), nguyên chiến sĩ thông tin tàu 156 chiến đấu ngày 5/8/1964 ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ngoài ra, các đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, qua đó nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

                          Phạm Phú An

(Thành phố Thái Bình)

                                                                    

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày