Thứ 4, 08/05/2024, 08:09[GMT+7]

NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH THÁI BÌNH LẦN THỨ XVIII

Thứ 3, 26/10/2010 | 08:04:31
5,609 lượt xem
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII họp từ ngày 18-10-2010 đến ngày 21-10-2010 tại Thành phố Thái Bình.

QUYẾT NGHỊ

I- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm 2006 - 2010; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm 2011 - 2015 nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

A- Đánh giá tình hình 5 năm 2006 - 2010
Đại hội khẳng định:
Năm năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ bản thoát khỏi tình trạng chậm phát triển.

Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hoá. Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phát triển mạnh, tạo bước chuyển dịch tích cực cơ cấu nền kinh tế. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. 

Nguyên nhân của những kết quả đạt được là do các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, sự chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thành các chủ trương, giải pháp đồng bộ và khả thi; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và quyết liệt; tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, thiếu sót và giải quyết có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội đẩy mạnh các hoạt động và phong trào thi đua yêu nước. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, lao động sáng tạo, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Sự phát triển của đất nước và hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tuy nhiên, một số mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra chưa đạt. Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; nông nghiệp chưa tạo được các vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung; công nghiệp phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, phần lớn cơ sở quy mô nhỏ, chưa có nhiều cơ sở quy mô lớn, kỹ thuật cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; sản xuất của nhiều làng nghề thiếu ổn định; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm.

Văn hoá - xã hội còn một số mặt chuyển biến chậm; mức sống của một bộ phận nhân dân còn thấp. Tình hình tội phạm, tai tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Cải cách hành chính chưa mạnh, thiếu đồng bộ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp, nhất là lãnh đạo phát triển kinh tế còn lúng túng, thiếu chủ động; nhiều nơi còn tình trạng hẫng hụt cán bộ, ít cán bộ trẻ và cán bộ nữ.

Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan: điểm xuất phát của nền kinh tế thấp; ngân sách hạn hẹp, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và suy giảm kinh tế trong nước; một số cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành chậm, thiếu đồng bộ; dịch bệnh ở người, gia súc, gia cầm và cây trồng diễn biến phức tạp.

Nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan: một số cấp ủy đảng, chính quyền thiếu năng động, sáng tạo và quyết tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Việc quy hoạch gắn với đào tạo, bố trí, sắp xếp để khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, ít cán bộ trẻ và cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức. Một số ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế về năng lực, chưa chủ động nắm bắt, tổng kết thực tiễn và phát hiện những vấn đề phát sinh để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế về trình độ, năng lực công tác; chưa thực sự tiền phong gương mẫu và đề cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình. Một số cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, vi phạm pháp luật và kỷ luật của Đảng.

Từ thực tiễn 5 năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm:

Một là, thường xuyên thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, đặc biệt coi trọng việc quán triệt, tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chủ trương, giải pháp của cấp uỷ, chính quyền, tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận xã hội và tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Hai là, phát triển kinh tế phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững; gắn với phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đồng thời phải quan tâm đúng mức phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

Ba là, phải chú trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội từ cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn phát sinh trên cơ sở bảo đảm dân chủ và giữ vững kỷ luật, kỷ cương.

Bốn là, đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Giữ vững đoàn kết thống nhất; thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thật sự phát huy dân chủ. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt và nâng cao chất lượng đảng viên. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải chủ động, sáng tạo, kiên quyết và sâu sát thực tiễn; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị.

B- Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 5 năm 2011 - 2015
Đại hội nhất trí:
1- Phương hướng
Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; khai thác mọi nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hoá - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại.

2- Các chỉ tiêu chủ yếu
Phấn đấu:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,5%/năm.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,3%/năm.
- Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 20,7%/năm.
- Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 13,2%/năm.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 121.590 tỷ đồng.
- Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân 0,02%/năm.
- Giải quyết việc làm bình quân cho 32 nghìn lao động/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 1% trở lên/năm.

* Đến năm 2015:
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp 24,7%; công nghiệp, xây dựng 40,3%; dịch vụ 35%.
- Cơ cấu lao động: Nông, lâm, ngư nghiệp 48%; công nghiệp, xây dựng 32%; dịch vụ 20%.
- Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 650 triệu USD.
- GDP bình quân đầu người đạt 1.800 - 1.900 USD.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.150 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 2.850 tỷ đồng.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,78%.
- 22 giường bệnh/1 vạn dân.
- 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 15%.
- 50% trường mầm non, 100% trường tiểu học, 80% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
- 80% trở lên số gia đình đạt chuẩn văn hóa.
- 100% dân cư đô thị được sử dụng nước máy, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó đào tạo nghề 41,5%.
- 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng, 80% cơ sở sản xuất cũ có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở đô thị 100%, ở nông thôn 80%.
- 20% trở lên số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- 80% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

3- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
1- Phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

- Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển mạnh cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đưa nhanh các cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có ưu thế về thị trường vào sản xuất; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hoá; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới; hình thành một số khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch; thực hiện các giải pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch hại. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. 

Tích cực chuyển đổi mùa vụ cây trồng; mở rộng sản xuất vụ hè và vụ đông. Đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp. Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản, coi trọng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ. Tích cực trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ "bốn nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Năng suất lúa bình quân đạt 130 tạ trở lên/ha/năm, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 8,5%/năm, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng 9% trở lên/năm; đến năm 2015, diện tích lúa chất lượng cao 40% trở lên, diện tích vụ đông 50% trở lên/diện tích canh tác, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 46% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tập trung xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: sản xuất phát triển; cuộc sống sung túc; diện mạo sạch sẽ; thôn, xã văn minh và quản lý dân chủ.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng phải giữ được cảnh quan, nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa và từng bước hiện đại.

Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, phù hợp với lực lượng sản xuất; phát huy vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên nâng cao kiến thức đời sống, nghề nghiệp và đào tạo nghề cho nông dân. Phát triển mạnh nghề và làng nghề. Xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, lành mạnh.

Củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức lãnh đạo, quản lý địa phương. Nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ cơ sở.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại là một cuộc cách mạng, vừa khó khăn, phức tạp, vừa lâu dài, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân.

Các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để mọi người dân nhận thức đầy đủ, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương. Phát huy cao độ mọi nguồn lực, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới; quan tâm quy hoạch và tổ chức phát triển sản xuất; từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh có trọng tâm, trọng điểm.

Trước mắt, chỉ đạo xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở tất cả các xã, cơ bản hoàn thành trong năm 2010; tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới ở 8 xã điểm, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện ở các xã.

- Phát triển mạnh công nghiệp, xây dựng theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các cơ sở công nghiệp hiện có tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở công nghiệp mới; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, năng lượng, chế biến nông, thuỷ sản, công nghiệp phụ trợ.

Xây dựng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, khai thác có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý đối với các dự án đầu tư về xây dựng, công nghệ, sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở rà soát, phân loại các làng nghề hiện có, tập trung củng cố, mở rộng các làng nghề truyền thống và có giải pháp thích hợp đối với các làng nghề giảm sút sản xuất. Chú trọng phát triển nghề và làng nghề mới có giá trị sản xuất cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và doanh nghiệp trong làng nghề. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,6%/năm; giá trị sản xuất xây dựng tăng 21%/năm.

- Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.
Phát triển mạnh thương mại theo hướng hiện đại, văn minh. Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các chợ ở đô thị và nông thôn, ưu tiên chợ đầu mối. Quan tâm hỗ trợ các địa phương có nhiều khó khăn xây dựng, nâng cấp chợ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm nghề, làng nghề. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,2%/năm.

Phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hoá và làng nghề truyền thống. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, các trung tâm vui chơi, giải trí.

Đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ; chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển các dịch vụ với trình độ cao, văn minh, hiện đại.

- Tăng cường công tác quy hoạch; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -  xã hội.
Tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các loại quy hoạch về kinh tế, xã hội. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Đẩy mạnh huy động mọi nguồn vốn với các phương thức đầu tư phù hợp. Tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; đổi mới việc bố trí vốn, khắc phục đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương; tạo điều kiện thuận lợi triển khai xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ, các công trình thuỷ lợi quan trọng và hệ thống đê biển, đê sông.

Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh. Tăng cường đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện, hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Từng bước xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, chế biến rác, xử lý nước thải ở đô thị, khu, cụm công nghiệp và nông thôn; xây dựng, nâng cấp bệnh viện, trường học và những công trình văn hoá, thể thao thiết yếu.

- Tiếp tục tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Tích cực thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên. Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, nguồn nước và tài nguyên khác. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án đầu tư.

Xây dựng, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường; dự án đầu tư mới sản xuất công nghiệp bắt buộc phải hoàn thành đồng bộ công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa vào hoạt động.

2- Đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; củng cố vững chắc kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở; tiếp tục thực hiện phổ cập trình độ trung học cho thanh niên. Xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm về cơ cấu và chất lượng theo chuẩn hoá. Tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học theo chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập.

- Tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoa học, công nghệ. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ.

3- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế
- Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tiếp tục xây dựng và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, nhất là ở cơ sở.

Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn học, nghệ thuật và hệ thống thông tin đại chúng; đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt là các di tích trọng điểm, gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; xã hội hoá các hoạt động văn hóa, thể thao.

- Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống khám, chữa bệnh tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và xã hội hoá các hoạt động y tế; đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các bệnh viện để tăng nhanh quy mô giường bệnh, giảm nhanh tình trạng quá tải. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; duy trì mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Thực hiện kịp thời, đúng quy định các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người và gia đình có công. Thực hiện có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và nhân đạo, từ thiện. 

4- Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch và bọn phản động.

Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông. Thực hiện tốt phong trào toàn dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh cải cách tư pháp; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thường xuyên chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang, cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

5- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân
- Hội đồng nhân dân các cấp phải tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp; thể chế hoá chủ trương của cấp uỷ, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật. Nâng cao chất lượng, vai trò, trách nhiệm của đại biểu hội đồng nhân dân và công tác tiếp xúc cử tri; tăng cường chức năng giám sát.

- Uỷ ban nhân dân các cấp phải chủ động, tích cực thể chế hoá kịp thời và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của cấp uỷ. Đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, nâng cao năng lực quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát đối với các ngành và chính quyền cấp dưới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đẩy mạnh công tác tập hợp quần chúng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

6- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên
- Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; sự thống nhất nhận thức, ý chí và hành động của Đảng bộ và nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiền phong, gương mẫu và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng và công tác giáo dục lý luận chính trị.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; thực hiện có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn xã hội. Đưa hoạt động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên trong toàn Đảng bộ và nhân dân.

- Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở đảng theo các quy định của Trung ương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Bổ sung, hoàn chỉnh và thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ cơ sở theo chức danh; quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở theo hướng trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, đảng bộ và chi bộ. Duy trì nền nếp, thực hiện nghiêm túc tự phê bình, phê bình; đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên hàng năm. Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện và phát triển đảng viên.

- Tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng các khâu công tác cán bộ. Duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh cán bộ các cấp.

Thực hiện nghiêm túc quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; chỉ bổ nhiệm cán bộ đã qua đào tạo theo tiêu chuẩn chức danh và nằm trong quy hoạch; sử dụng đúng những cán bộ có đức, có tài. Xây dựng và thực hiện kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy hoạch ở các cấp, các ngành; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín.

Quản lý chặt chẽ cán bộ thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, rèn luyện cán bộ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chính sách cán bộ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật trong Đảng. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp phải xây dựng, thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá và hằng năm; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới.

Các cấp uỷ tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của cấp ủy cấp trên và của cấp mình; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và thực hiện quy chế làm việc.

Uỷ ban kiểm tra các cấp phải nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp cấp uỷ; tích cực đổi mới phương pháp và chủ động thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật để nắm tình hình, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và mọi cán bộ, công chức phải chú trọng thực hiện công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ban dân vận cấp ủy các cấp và khối dân vận ở cơ sở, tăng cường công tác nắm và dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu giúp cấp ủy về chủ trương, giải pháp công tác vận động quần chúng.

- Các cấp ủy phải đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, có trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, cấp uỷ viên hoạt động trong các cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tham mưu, đề xuất, thể chế hoá, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của cấp uỷ. Tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ.

- Cấp uỷ phải chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước các cấp và các tổ chức kinh tế, xã hội. Kịp thời kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII. Từ kinh nghiệm của khoá trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII cần phát huy ưu điểm, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong nhiệm kỳ tới.

III- Thông qua các báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội, bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

IV- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII gồm 52 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc làm Bí thư Tỉnh uỷ và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 21 đồng chí đại biểu chính thức và 2 đồng chí đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chuẩn y theo quy định.

V- Giao cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII căn cứ vào Nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực hiện trong thực tiễn.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2011 - 2015, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng trong thời kỳ mới.

T/M ĐOÀN CHỦ TỊCH

NGUYỄN HẠNH PHÚC

  • Từ khóa